10:03 13/08/2009

Để tránh bị kiện bán phá giá

Ái Vân

Khi hội nhập càng sâu thì nguy cơ bị kiện càng lớn. Làm sao để doanh nghiệp phòng và tránh bị rắc rối với các vụ kiện?

Việt Nam đang nằm ở trong danh sách 100 nước đã phải đối mặt với việc bị kiện bán phá giá.
Việt Nam đang nằm ở trong danh sách 100 nước đã phải đối mặt với việc bị kiện bán phá giá.
Doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá. Khi hội nhập vào thị trường càng sâu thì nguy cơ bị kiện càng lớn. Làm sao để các doanh nghiệp phòng tránh và không bị rắc rối với các vụ kiện?

Trong hơn 13 năm qua, các mặt hàng thường xuyên bị các thị trường nhập khẩu kiện bán phá giá tập trung vào ngành hàng hóa chất, sắt thép, giày và sản phẩm da, hàng điện tử, thủy sản, động vật, sản phẩm gỗ, dệt may...

Như kết quả nghiên cứu của đề án do Giáo sư - Tiến sĩ Võ Thanh Thu, thành viên Hội đồng Trọng tài quốc tế Việt Nam thực hiện, thì những nước thường đi kiện bán phá giá chính là những nước bị kiện nhiều nhất. Từ 1995 đến nay, trên thế giới đã có 43 nước khởi kiện các vụ kiện bán phá giá hàng hóa với 3.427 vụ. Tỉ lệ thua kiện của các vụ kiện tụng về bán phá giá khá cao trung bình tới 63,76% vụ.

Doanh nghiệp Việt Nam không có thói quen đi kiện tụng. Do vậy, tính đến tháng 7/2009, Việt Nam đã bị kiện 39 vụ nhưng chưa diễn ra vụ kiện nào liên quan đến việc bán phá giá của hàng hóa của các nước nhập khẩu vào thị trường được thực hiện. Việt Nam đang nằm ở trong danh sách 100 nước đã phải đối mặt với việc bị kiện bán phá giá.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ bị kiện bán phá giá

Theo ý kiến của bà Thanh Thu, hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị bán phá giá. Điểm đầu tiên là ngành xuất khẩu đang mang tính tập trung quá lớn về mặt thị trường, như vậy sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nền sản xuất dễ bị động khi tình hình xuất khẩu thay đổi.

Hiện, 7 thị trường xuất khẩu tập trung của hàng hóa Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Úc, Singapore, Đức và Anh. Việt Nam đang tập trung xuất khẩu vào 9 mặt hàng được đánh giá là chủ lực có tốc độ tăng trưởng nhanh và gần chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Việt Nam đứng hàng thứ 39/260 nước có tổng thương mại xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu của Việt Nam rất cao tới 20%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân trên thế giới khoảng 6%-8%/năm.

Tiếp đó, các yếu tố của ngành sản xuất Việt Nam được xem là dễ rơi vào các vụ kiện phá giá còn do hoạt động sản xuất gia công và xuất khẩu hàng nguyên liệu nông sản thô, ít qua chế biến còn chiếm tỉ trọng cao nên giá cả hàng hóa sẽ rẻ hơn.

Việt Nam cũng mất cân đối trên cán cân thương mại ở các thị trường xuất khẩu chủ lực: tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam đang xuất khẩu lớn gấp 8 lần so với nhập khẩu; tại thị trường Đức và Anh, Việt Nam đang xuất vào gấp 2 lần; tại thị trường Úc, Việt Nam cũng xuất khẩu nhiều gấp 5 lần so với nhập.

Như nghiên cứu của bà Thu, ngoài ASEAN và Trung Quốc, Việt Nam đang xuất siêu ở các thị trường còn lại. Hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa cũng là một trong những nguyên nhân.

Thực tế, đã có rất nhiều mặt hàng của Việt Nam bị kiện bán phá giá nhưng không do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, chủ yếu do hàng của Trung Quốc muốn tránh bị áp thuế nhập khẩu cao, đã xuất hàng sang Việt Nam, hoặc chuyển phần gia công sang Việt Nam rồi mới xuất đến thị trường nhập khẩu.

Đồng thời, tính tự chủ và tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam không cao sẽ dễ dàng bị thu trong các vụ kiện bán phá giá. Như trong vụ kiện bán phá giá cá basa tại thị trường Mỹ trước đây, do doanh nghiệp không đồng nhất trong việc giải quyết vụ kiện, một số hợp tác cùng Ban điều tra, nhưng một số doanh nghiệp lại từ chối cung cấp thông tin.

Kết quả là những doanh nghiệp có tinh thần hợp tác bị áp mức thuế thấp hơn những doanh nghiệp không có thiện chí.

Doanh nghiệp cần chủ động các phương án

Để đối phó với các vụ kiện bán phá giá của các thị trường nhập khẩu, doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành, hiệp hội cần tìm hiểu lí do vì sao hàng xuất khẩu của Việt Nam lại bị kiện. Đồng thời, cần có những biện pháp phòng tránh để khỏi vướng vào các vụ kiện và cách thức giải quyết tốt nếu vụ kiện xảy ra.

Cũng theo nghiên cứu và ý kiến của bà Thanh Thu, nếu bị dính vào vụ kiện bán phá giá, Nhà nước của nhà xuất khẩu không nên tham gia vào giải quyết trực tiếp các vụ kiện vì đây là "chuyện" giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Các hiệp hội ngành hàng đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đối phó, thực hiện các công việc giải quyết vấn đề. doanh nghiệp cần tham gia tích cực vào quá trình điều tra của vụ kiện, hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Nhà nước cần thực hiện công việc điều tiết xuất khẩu vào các thị trường. Bản thân các doanh nghiệp không thể làm được việc đó, mọi người chỉ biết sản xuất và xuất hàng còn thông tin về tình hình của thị trường đó chỉ có cơ quan ban ngành mới có thể tiếp cận.

Bà Thanh Thu cho rằng lượng hàng hóa xuất khẩu đi từng thị trường đều có con số cụ thể nằm tại Hải quan. Nếu có thể thì cần hạn chế xuất ở một số lượng nhất định sẽ dễ dàng tránh được những vụ kiện bán phá giá. Vì nếu một mặt hàng nhập khẩu chiếm thị phần vượt qua mức cho phép của thị trường nhập khẩu và có ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp trong nước thì mới bị khởi kiện.

Bản thân các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức chủ động các phương thức phòng chống các vụ kiện thông qua việc làm minh bạch, rõ ràng sổ sách từ khâu thu mua nguyên liệu đến khâu xuất.

Tuy nhiên, làm thế nào để doanh nghiệp có thể thực hiện tốt khâu sổ sách vẫn còn là vấn đề nan giải... vì chưa có cơ quan nào hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp.