09:39 21/10/2008

Chấp nhận “sống chung” với kiện chống bán phá giá

Hoa Minh

Tính đến thời điểm này, tổng cộng đã có 31 vụ kiện về chống bán phá giá đối với Việt Nam

Giày da là một trong những sản phẩm của Việt Nam từng bị kiện chống bán phá giá ở thị trường nước ngoài.
Giày da là một trong những sản phẩm của Việt Nam từng bị kiện chống bán phá giá ở thị trường nước ngoài.
Tính đến thời điểm này, tổng cộng đã có 31 vụ kiện về chống bán phá giá đối với Việt Nam.

Theo các chuyên gia, kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ sẽ gia tăng và là hiện tượng phổ biến trong bối cảnh thương mại quốc tế mà doanh nghiệp Việt Nam phải "sống chung" để tồn tại và phát triển bền vững.

Việt Nam ngày càng có nhiều sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế như dệt may, gỗ, thủy sản... Điều này một mặt giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin với khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài nhưng mặt khác mang lại những thách thức mới. Trong đó, chống bán phá giá là phương pháp được sử dụng rộng rãi và nhiều nhất để bảo vệ sản xuất nội địa.

Sẵn sàng hầu kiện

Ông Thái Bảo Anh, Giám đốc Công ty Luật Bao & Partners cho biết, trước 1994, số ít doanh nghiệp Việt Nam biết tới sự tồn tại của việc chống bán phá giá, chứ chưa nói đến việc đối phó với nó.

Vào năm 1994, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu chứng kiến vụ kiện bán phá giá gạo từ các doanh nghiệp Columbia. Những năm sau đó, những vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm Việt Nam theo hướng mở rộng mặt hàng và lượng hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá ngày càng tăng.

Mới đây, theo tin từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các nhà sản xuất túi nhựa Hoa Kỳ đã gửi thư tới Văn phòng đại diện Thương mại Hoa Kỳ phản đối những ưu đãi mà Việt Nam hưởng theo hệ thống ưu đãi chung. Trong thư nêu rõ họ đang xem xét việc trực tiếp kiện chống bán phá giá đối với Việt Nam hoặc vụ kiện chống các nhà xuất khẩu đầu tư sang nước khác để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cũng cảnh báo rằng, nguy cơ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam là rất nhiều và đối với tất cả những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn. Nhất là trong bối cảnh Mỹ đang khủng hoảng, các doanh nghiệp nội địa đang gặp khó khăn. Điều này góp phần làm tăng thêm sự chú ý của họ đối với công cụ chống bán phá giá, để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Bà Loan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên nhận thức rằng các vụ kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ là hiện tượng bình thường trong bối cảnh thương mại quốc tế. Đây là công cụ để tự bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nước ngoài bán phá giá, được trợ cấp.

Bà ví von: “Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hãy xem hiện tượng này giống như lũ và cần có biện pháp chủ động sống chung với lũ”.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đối phó với những vụ kiện về chống bán phá giá, VCCI đã thành lập Hội đồng Tư vấn chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Hội đồng này không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp kháng kiện, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp hay hiệp hội sử dụng công cụ này để khởi kiện đối với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Muốn thắng kiện, phải đủ thông tin

Luật sư Ken Pierce, Công ty Luật Hughes Hubbard & Reed LLP (Hoa Kỳ), người gắn bó với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn và tôm cho rằng, các doanh nghiệp cần biết quy trình vụ kiện chống bán phá giá để có thể thắng kiện.

Ông cho biết, việc áp dụng thuế chống bán phá giá đòi hỏi phải có kết luận không công bằng về giá và việc không công bằng về giá gây ra những thiệt hại đáng kể đối với sản xuất nội địa. Ông nhấn mạnh rủi ro đối với nhà xuất khẩu Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá là thiếu sự chuẩn bị, thông tin không kịp thời hoặc không chính xác. Vì vậy, muốn bảo vệ hiệu quả, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sớm và đầy đủ.

Sự hợp tác của doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình điều tra đóng vai trò quan trọng. Theo Luật sư Thái Bảo Anh “thay vì cố gắng chứng minh ai đúng ai sai, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung vào việc cung cấp tất cả các thông tin mà cơ quan điều tra cần”. Điều quan trọng nhất là không phải chứng minh lẽ phải thuộc về mình mà là giảm thiểu mức áp thuế chống bán phá giá càng thấp càng tốt.

Luật sự Ken dẫn chứng trường hợp vụ kiện chống bán phá giá ở Hoa Kỳ, nếu nhà xuất khẩu không tham dự thì Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ áp dụng thông tin bất lợi sẵn có. Ông nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp phải khai báo thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời và có thể xác minh được”.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ cân nhắc cẩn thận việc sử dụng các thông tin thay thế để tính toán biên độ phá giá đối với các công ty bất hợp tác. Bộ thường chọn mức thuế suất cao do bên khởi kiện đưa ra. Mức thuế suất riêng phụ thuộc vào việc doanh nghiệp xuất khẩu tích cực hợp tác. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu không hợp tác vào quá trình điều tra có thể phải trả mức thuế 100%. Mức thuế cao đồng nghĩa với việc nhà nhập khẩu sẽ chấm dứt kinh doanh với doanh nghiệp xuất khẩu.

Qua vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá da trơn ở Việt Nam, Luật sư Thái Bảo Anh lưu ý rằng, việc đa dạng thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp giảm thiểu ảnh hưởng trong việc xuất khẩu sang một quốc gia bị ngăn cản.

Với cảnh báo vụ kiến chống bán phá giá có nguy cơ tăng trong tương lai, các doanh nghiệp nên theo dõi chặt lượng xuất khẩu để đảm bảo rằng sự tăng trưởng của thị phần hàng Việt không “quá nóng” ở một thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức về luật thương mại quốc tế và chống bán phá giá...