Để Việt Nam trỗi dậy thành "con hổ" mới
Ngân hàng Thế giới hy vọng Việt Nam sẽ trỗi dậy trở thành "con hổ" mới của khu vực
"Ghét" đồ ăn Việt vì quá ngon, ấn tượng với sự tăng bậc môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017, thúc giục Việt Nam đưa ra giải pháp tránh bẫy thu nhập trung bình và dự báo về tương lai, là những vấn đề được ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chia sẻ trước thềm năm mới 2018
Đến Việt Nam và giữ cương vị "người đứng đầu" Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam 2 năm, ông có cảm nhận như thế nào về Việt Nam?
Việt Nam là nền kinh tế duy trì tăng trưởng tốt và có thể trở thành điều kỳ diệu trong tương lai với rất nhiều kỳ vọng. Đó là lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, chăm chỉ; nền kinh tế đang đi đúng hướng và ngày càng ổn định.
Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ trỗi dậy trở thành "con hổ" mới của khu vực.
Để làm được điều này, Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức trong đó có vấn đề về năng suất lao động, xây dựng nguồn lực lao động có chất lượng, kỹ năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng với những thách thức từ công nghệ, xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi nghĩ Việt Nam có nguồn lao động tuyệt vời để làm được điều này.
Vậy ông ấn tượng điều gì nhất ở Việt Nam?
Môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2017 theo đánh giá của WB đã tăng 14 bậc lên vị trí 68. Đây là một bước nhảy ấn tượng.
Tôi tin chắc chắn rằng bạn biết tới những nỗ lực cải cách nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư mà Chính phủ nỗ lực thực hiện suốt thời gian qua. Đây là yếu tố giúp Việt Nam thăng hạng trong xếp hạng môi trường kinh doanh.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Nhìn vào con số thương mại xuất nhập khẩu, ta thấy Việt Nam xuất khẩu điện thoại hơn 45 tỷ USD, một mức tăng mạnh mẽ so với trước đó. Xuất khẩu thuỷ sản cũng đạt hơn 8,4 tỷ USD trong năm ngoái, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam. Xuất khẩu điều đạt 3,5 tỷ USD.
Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Việt Nam cần tiếp tục phát huy điều này thông qua chính sách khuyến khích doanh nghiệp như thuế, khởi sự doanh nghiệp và rất nhiều chính sách khác...
Trong quá trình này, chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực cùng đồng hành với Chính phủ và người dân, doanh nghiệp Việt Nam tiến về phía trước và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Môi trường kinh doanh tăng điểm là điều khiến ông ấn tượng. Vậy mức tăng trưởng 6,81% mà Việt Nam đạt được trong năm 2017 có phải là một thành quả ấn tượng không, thưa ông?
Việt Nam thực sự có một năm thành công về kinh tế. Các hoạt động kinh tế được thúc đẩy toàn diện, với sự hỗ trợ của rất nhiều yếu tố tích cực cả trong và ngoài nước.
Đó là mức tiêu dùng mạnh được hỗ trợ bởi lạm phát được duy trì ở mức thấp và mức lương tăng. Đầu tư cũng có kết quả tốt nhờ kết hợp chính sách nới lỏng tiền tệ và nâng cao thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cũng như thu hút đầu tư FDI đạt mức kỷ lục.
Tăng trưởng GDP toàn cầu đạt vượt mức dự tính, thương mại phục hồi và tình hình tài chính thuận lợi đã giúp sức cho nền kinh tế Việt Nam - một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới.
Đặc biệt, tăng trưởng nhanh còn đi kèm với ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì trong 6 năm liên tiếp, với mức lạm phát duy trì dưới 4%, tỉ giá được duy trì tương đối ổn định và vị thế quốc tế được nâng cao.
Những kết quả tích cực hiện nay là một cơ hội để tiếp tục tăng trưởng và thúc đẩy cải cách nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tiềm năng tăng trưởng sau này của Việt Nam. Việt Nam nên tiếp tục phát triển theo hướng này khi đang trong thời điểm thuận lợi, cũng như có thể nói khi cơ thể còn khỏe mạnh thì ta nên tích cực vận động hơn.
Bởi như bạn biết đấy, bối cảnh trong nước vẫn còn nhiều yếu tố đáng lo ngại, như mức nợ công cao và tỉ lệ nợ xấu đáng kể của hệ thống ngân hàng, cũng như một loạt các yếu tố khó đoán định trên thế giới.
Bên cạnh những yếu tố đáng lo ngại như ông vừa chia sẻ, gần đây rất nhiều chuyên gia quốc tế thúc giục Việt Nam sớm đưa ra những giải pháp để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình khi cái bẫy này đã cần kề. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2017, nhưng vẫn còn một số trở ngại lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua để duy trì thành quả kinh tế và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Để làm được điều đó:
Thứ nhất, phải tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, xây dựng cơ chế thị trường, cũng như Nhà nước phải tạo điều kiện để cho phép kinh tế tư nhân phát triển, như tăng cường cải cách trong quản lý đất đai, cải tổ doanh nghiệp Nhà nước, cải cách thể chế, cải cách ngành ngân hàng.
Hoàn thiện, hiện đại hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả của các thể chế nhà nước cũng sẽ góp phần giảm nhẹ chi phí trong môi trường kinh doanh.
Thứ hai, Việt Nam cần phải có hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Tăng trưởng nhanh đang tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng. Nhu cầu về điện năng dự báo sẽ tăng 7-10%/năm. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển tăng khoảng 12%/năm.
Vì thế, Việt Nam cần tìm giải pháp đáp ứng được những nhu cầu này trong khuôn khổ nguồn tài chính hiện có để tránh rơi vào trường hợp ‘nút cổ chai’ về cơ sở hạ tầng - tức là chú trọng hơn vào nâng cao hiệu quả đầu tư công, đồng thời tăng cường và khai thác nguồn vốn tư nhân cho phù hợp.
Một số dự án quan trọng tầm quốc gia, như các dự án sản xuất điện năng (nhất là sản xuất điện tái tạo), xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam, đường sắt quốc gia hay Sân bay Long Thành tại khu vực Tp.HCM cũng sẽ được hưởng lợi nếu có cơ chế đầu tư PPP phù hợp.
Thứ ba, Việt Nam cần có mô hình lồng ghép để đối phó với những vấn đề về khí hậu ở những khu vực có nguy cơ cao như vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung, như quy hoạch lồng ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, cũng như chuyển đổi cơ cấu thích ứng với khí hậu cả trong sản xuất và đời sống.
thứ tư, đó là vấn đề nâng cao trình độ và xây dựng nguồn vốn con người theo kịp thế kỷ 21. Đây là yếu tố quan trọng để Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị và đối phó với những thách thức mới đi kèm với sự ra đời của các công nghệ mới và "Cách mạng công nghiệp 4.0".
Để làm được điều đó, Việt Nam cần xây dựng nền tảng vững chắc và xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học, hướng nghiệp chất lượng cao để bảo đảm có được một lực lượng lao động có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu đang có sự chuyển biến nhanh chóng.
Có những thách thức ngay trong ngắn hạn và có cả những thách thức trong dài hạn chờ đợi nền kinh tế Việt Nam. Vậy ông có cái nhìn như thế nào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong riêng năm 2018?
Về triển vọng kinh tế năm 2018, theo tôi, là khả quan. Nếu không có biến động lớn thì chúng tôi dự kiến đà tăng trưởng kinh tế cao sẽ được duy trì ít nhất ở mức 6,5%, chủ yếu nhờ tăng sức cầu trong nước và lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu.
Triển vọng chung, theo chúng tôi dù thuận lợi, nhưng nguy cơ cũng sẽ có nhiều. Tính trên toàn cầu, chúng tôi nhận thấy đang có sự bất định lớn về chính sách và dự kiến sẽ tiếp tục có sự thu hẹp về thanh khoản.
Vì thế cần tập trung vào những chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng để nâng cao sức kháng chịu của Việt Nam trước những biến động, cũng như tăng cường cải cách cơ cấu để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong trung hạn.
Đã có những thứ khiến ông suy nghĩ, ấn tượng sau 2 năm đến Việt Nam. Liệu trong 2 năm này có điều gì khiến ông chưa hài lòng không, thưa ông?
Ồ! Đó chính là thức ăn của Việt Nam. Tôi muốn giữ dáng (cười) nhưng thức ăn của các bạn quá ngon và tôi đang béo lên (cười). Con trai đã nói với tôi về điều này. Đùa vậy, nhưng tôi nghĩ rằng đây là điều hấp dẫn các bạn bè tôi.
Cuộc sống của tôi ở đây, từ vấn đề văn hoá, sức khoẻ, ăn uống hay thậm chí là việc giao tiếp với người Việt Nam đều rất thoải mái.