17:58 16/09/2021

Đề xuất 7.000 tỷ đồng xây cầu Ô Môn nối Cần Thơ - Đồng Tháp

Ánh Tuyết

Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu nối TP. Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2023-2028, với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, trong đó, đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng...

Cầu Cần Thơ trên Quốc lộ 1 bắc qua sông Hậu, nối TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.
Cầu Cần Thơ trên Quốc lộ 1 bắc qua sông Hậu, nối TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

UBND TP. Cần Thơ vừa có văn bản số 3944/UBND-XDĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hỗ trợ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách Trung ương cho TP. Cần Thơ.

Cụ thể, UBND TP. Cần Thơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận tổng hợp, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, để thực hiện đầu tư dự án cầu Ô Môn, nhằm mục tiêu kết nối giao thông liên vùng từ Kiên Giang – Cần Thơ – Đồng Tháp. Theo đó, dự án cầu Ô Môn nối quận Ô Môn, TP. Cần Thơ với huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. 

 
Tổng mức đầu tư cầu Ô Môn dự kiến 7.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỷ đồng theo hình thức đầu tư là đối tác công tư (PPP). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023-2028. 

Sau khi được Trung ương chấp thuận, TP. Cần Thơ sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các bộ, ngành triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định.

Theo UBND TP. Cần Thơ, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên vùng, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư các thành phần kinh tế là các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong giai đoạn 2021-2025, Cần Thơ tập trung các nguồn lực để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó tập trung đầu tư các dự án giao thông mang tính đột phá, kết nối liên vùng.

Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước của thành phố còn hạn chế, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Không chỉ sở hữu vị trí thuận lợi và đặc biệt quan trọng gắn kết với đô thị trung tâm TP. Cần thơ, Ô Môn còn là đầu mối giao thông về đường bộ, đường sắt, đường thủy - cảng tổng hợp cấp vùng. 

Với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, kinh tế Ô Môn ghi nhận sự phát triển vượt bậc với những số liệu khả quan. Trong giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất của quận tăng trưởng bình quân hơn 10,4%. 

Ngoài ra, theo Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, tới đây nhiều dự án giao thông quy mô lớn sẽ được triển khai trên địa bàn thành phố, sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc cục bộ lưu lượng xe giờ cao điểm, tạo mạng lưới giao thông kết nối nội bộ lẫn liên vùng.

Cụ thể, dự án đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ sẽ đi qua 5 quận, huyện: Ô Môn, Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng, có điểm đầu giao Quốc lộ 91 (sau cầu Ô Môn) và điểm cuối giao Quốc lộ 61C tại Km1+400 với tổng chiều dài khoảng 19,4 km, kinh phí đầu tư dự kiến 3.837 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng đường kết nối 2 quận, huyện Ô Môn, Thới Lai của TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, Kiên Giang dài hơn 22,5 km, kinh phí dự kiến 1.317 tỷ đồng...