16:13 19/08/2019

Đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí

KIỀU LINH

Hiện, Nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới

Đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí.
Đề xuất bỏ Quỹ bảo trì đường bộ nhưng vẫn phải đóng phí.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, những ngày vừa qua dư luận xã hội rất quan tâm tới đề xuất của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bỏ 6 Quỹ, trong đó có Quỹ bảo trì đường bộ. 

Thông tin trên khiến nhiều người lầm tưởng việc bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ đồng nghĩa với việc sẽ không phải nộp phí sử dụng đường bộ đối với ôtô. 

Thực tế, việc bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ không làm thay đổi quy định của pháp luật hiện hành về nộp phí sử dụng đường bộ.

Bởi, theo quy định của Luật Phí và lệ phí 95/2015/QH13, kể từ 1/1/2017 toàn bộ số phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước, không nộp về tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương như giai đoạn năm 2013-2016. Sau đó, kinh phí sử dụng cho công tác bảo trì, duy tu hệ thống giao thông đường bộ được ngân sách Nhà nước phát trở lại cho Quỹ Bảo trì đường bộ.

Do Quỹ Bảo trì đường bộ hiện không có nguồn thu nào khác ngoài nguồn nhận cấp phát từ ngân sách Nhà nước nên Quỹ Bảo trì đường bộ chủ yếu thực hiện chức năng trung gian, tiếp nhận và cấp phát cho các đối tượng sử dụng kinh phí. 

Vì vậy, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiến nghị bỏ Quỹ bảo trì Đường bộ, còn các nội dung chi cho công tác bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp phát hàng năm theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

"Phí sử dụng đường bộ là khoản thu của ngân sách Nhà nước đã được quy định tại Luật Phí và lệ phí, là khoản thu cần thiết để tạo nguồn duy tu, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ quốc gia. Hiện, Nhà nước chưa có chủ trương và cũng chưa có bất kỳ văn bản nào yêu cầu việc dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với các xe đến kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước. 

"Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ phương tiện biết và nghiêm túc chấp hành các quy định về nộp phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe cơ giới", Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ.

Trước đó, như VnEconomy đưa tin, báo cáo của Chính phủ cho thấy, kế hoạch năm 2019, tổng số thu của các quỹ là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ là 100,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu cho các quỹ: Quỹ bảo hiểm xã hội 57,1 nghìn tỷ đồng, Quỹ bảo hiểm y tế 38,7 nghìn tỷ đồng, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương 3,8 nghìn tỷ đồng. 

Tổng số chi các Quỹ là 434,1 nghìn tỷ đồng. Chênh lệch thu - chi trong năm của các quỹ là 68 nghìn tỷ đồng. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng 3 quỹ bảo hiểm là 865,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 95,4% kết dư các quỹ.

Nhưng, kết quả giám sát cho thấy, việc cho phép thành lập quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực Nhà nước, với cách thức, thẩm quyền thành lập các quỹ khác nhau; chưa có quy định thống nhất về quản lý các quỹ dẫn đến việc tổ chức, hoạt động thiếu thống nhất, lúng túng; còn sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính Quỹ…

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội Đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay đối với 6 quỹ.

Gồm: Quỹ bảo trì đường bộ trung ương, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quỹ Phòng chống chống thiên tai.

Theo quy định hiện hành, việc thu phí sử dụng đường bộ đối với ôtô được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Phương tiện có chu kỳ kiểm định trên 12 tháng được lựa chọn hình thực nộp phí 12 tháng/lần hoặc bằng với chu kỳ kiểm định (18, 24, 30 tháng). Trường hợp xe có chu kỳ kiểm định từ 12 tháng trở xuống, chủ phương tiện phải nộp phí bằng với theo chu kỳ kiểm định mới được cấp tem, giấy chứng nhận đăng kiểm.