Đề xuất chuyển sân golf Tân Sơn Nhất thành trung tâm thương mại
Đề xuất chuyển sân golf Tân Sơn Nhất (trong sân bay Tân Sơn Nhất) thành dự án trung tâm thương mại là nội dung được đề cập trong báo cáo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060...
Báo cáo cuối kỳ của Liên danh tư vấn Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP) - Viện Quy hoạch Miền Nam - Công ty Không Gian Xanh - Công ty EnCity (sau đây gọi tắt là Tư vấn), vừa được công bố đã có đề xuất như trên.
Riêng với quận Tân Bình, báo cáo của Tư vấn nhận định, cấu trúc đô thị hiện hữu của quận Tân Bình không có gì đặc biệt, ngoài khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chiến lược, có thể phát triển và tạo động lực lan tỏa tác động cho cả khu vực phía bắc sân bay (nơi có sân golf với diện tích 157 ha) và toàn quận Tân Bình.
Vào trung tuần tháng 6/2022, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM đã có báo cáo trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM về tổng kết “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế, áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”.
Trong các giải pháp để phát triển đô thị quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, địa bàn quận Tân Bình, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM nhấn mạnh đến việc rà soát quỹ đất có khả năng phát triển dự án, từ đó xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng chuyển đổi chức năng các nhà máy công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm nhằm bổ sung chức năng thương mại, dịch vụ, dịch vụ logistics,…
Đồng thời tổ chức các sản phẩm dịch vụ, thương mại chất lượng cao, dịch vụ phát triển kinh tế tại công viên Hoàng Văn thụ, công viên Gia Định, các khu vực đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Xác định việc sân bay Tân Sơn Nhất có kế hoạch mở rộng và điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, được xem là cơ hội để chỉnh trang, hoàn thiện đô thị quanh khu vực này.
Tại báo cáo cuối kỳ lần này, Tư vấn đề ra 5 yếu tố phát triển không gian cho khu vực quận Tân Bình. Cụ thể 5 giải pháp đó như sau: (1) Phát triển quận Tân Bình thành “Đô thị sân bay” với tính chất là trung tâm may mặc và thời trang quốc gia. (2) Đề xuất tái cấu trúc khu vực sân golf Tân Sơn Nhất thành một trung tâm thương mại dịch vụ lớn, với tính chất chính có thể là thiết kế, trình diễn, hội chợ thời trang quốc tế. (3) Cải thiện liên kết bắc nam xuyên qua sân bay Tân Sơn Nhất bằng liên kết ngầm. (4) Chỉnh trang đô thị khu vực quanh chợ Tân Bình thành điểm trung tâm của toàn quận. Và cuối cùng, cải thiện kết nối giao thông quanh sân bay.
Đồ án cũng nêu rõ, hiện nay khu vực Tân Sơn Nhất còn có quỹ đất lớn là khu sân golf ở phía bắc. Theo đó, liên danh tư vấn đề xuất điều chỉnh quỹ đất, mở thêm nhà ga về phía bắc, kết hợp với một trung tâm thương mại dịch vụ, logistics sân bay theo mô hình TOD (Transit Oriented Development - là một mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm), có thể phát triển ngầm thay vì trên mặt đất, do yếu tố tĩnh không.
Góp ý cho đồ án điều chỉnh quy hoạch TP.HCM, chuyên gia quy hoạch đô thị KTS. Ngô Viết Nam Sơn nêu nhận định, cần hiểu “đô thị sân bay” không chỉ gồm khu vực nằm trong sân bay mà là một quy hoạch gồm sân bay và khu lân cận sân bay, nhất là trong vòng bán kính 1 km quanh sân bay. Nó sẽ hình thành một tổ hợp quy hoạch như mô hình đô thị sân bay Changi ở Singapore. Ông cũng nhấn mạnh: “Bây giờ đặt vấn đề chiến lược đô thị sân bay trong lần điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM này là rất đúng, bởi vì trước đây thường có quan niệm sân bay là thực thể tách rời của đô thị”.
Cuối tháng 12/2021, tại hội thảo “Định hướng quy hoạch, quản lý đô thị cấp địa phương gắn với mô hình đô thị sân bay quốc tế - Áp dụng thí điểm cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tại địa bàn quận Tân Bình”, các chuyên gia đã phân tích thực trạng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và khuyến cáo, cần phải đưa đô thị sân bay vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.
Sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, quận huyện xem xét các định hướng phát triển dài hạn đối với khu vực quanh sân bay trong quá trình tổ chức lập và thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền thành phố cũng giao Uỷ ban nhân dân các quận Tân Bình, Gò Vấp và Tân Phú xem xét giải pháp phát triển đô thị xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất để nghiên cứu trong quá trình lập điều chỉnh tổng thể các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn quận.