18:49 01/03/2023

Đề xuất dừng chính sách cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính học trực tuyến

Trâm Anh

Do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các trường học không tổ chức học tập trực tuyến và nhu cầu vay rất thấp nên Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến...

Chương trình tín dụng theo Quyết định số 09/2022 đã hỗ trợ hơn 80.000 học sinh, sinh viên.
Chương trình tín dụng theo Quyết định số 09/2022 đã hỗ trợ hơn 80.000 học sinh, sinh viên.

Căn cứ tình hình kết quả triển khai chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với dự thảo Quyết định bãi bỏ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Trước đó, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, mức độ lây lan nhanh và rộng nên học sinh, sinh viên có thể phải tiếp tục học trực tuyến khi bị nhiễm Covid-19 hoặc tại địa phương có ca nhiễm cao, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Trong hai năm 2020 và 2021, khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước đã trải qua nhiều giai đoạn học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Chính sách này đã được triển khai, thực hiện đồng bộ và hỗ trợ được hơn 80 nghìn học sinh, sinh viên có đủ điều kiện tiếp tục học tập trực tuyến khi bị mắc Covid-19 trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời đã hỗ trợ các em học tập hiệu quả, góp phần thực hiện đúng chủ trương “không bỏ ai lại phía sau”.

Tuy nhiên, hiện nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên các trường học không tổ chức học tập trực tuyến nữa, trường hợp một số nhỏ học sinh, sinh viên bị mắc Covid-19 phải nghỉ học cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, không cần thiết phải học trực tuyến.

Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho thấy, nhu cầu vay vốn chương trình còn rất thấp.

Sau khi thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn thực tế của chương trình tín dụng theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg, kết quả là chỉ có 14/63 tỉnh, thành phố tổng hợp còn nhu cầu vay vốn với số tiền 94 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hết số tiền này.

Do đó, việc dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là cần thiết bởi không còn phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế.

Việc bãi bỏ Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg để dừng triển khai cho vay mới. Đối với các hợp đồng tín dụng đã ký thì các bên tiếp tục thực hiện theo các nội dung quy định trong hợp đồng tín dụng đã ký.

Trước đó, theo Quyết định số 09, học sinh, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện cụ thể thì mới được vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. 

Cụ thể, học sinh, sinh viên phải là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có bố hoặc mẹ hoặc bố và mẹ mất do dịch Covid-19. Đồng thời, không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.

Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình của học sinh, sinh viên là người đứng tên vay và giao dịch với Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trường hợp đối tượng đã đủ 18 tuổi thì được trực tiếp đứng tên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cư trú hoặc nơi nhà trường đóng trụ sở nếu hộ gia đình không còn thành viên nào đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Theo đó, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến với mức vốn tối đa được cho vay là 10 triệu đồng đối với một học sinh, sinh viên, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng.

Tại thời điểm vay vốn nếu thời gian dự kiến kết thúc khóa học còn từ 24 tháng trở lên thì thời hạn cho vay tối đa được tính từ ngày vay đến hết 12 tháng sau thời điểm dự kiến kết thúc khóa học.