08:49 12/11/2023

Đề xuất Hàn Quốc mở rộng ngành nghề tiếp nhận lao động Việt Nam

Nhật Dương

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị phía Hàn Quốc mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam trong các ngành nghề mới mà nước này có nhu cầu như, lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa cuộc làm việc với tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam về hợp tác lao động giữa hai nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đến nay, Việt Nam đã đưa được hơn 127.000 lượt lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS). Dự kiến cả năm 2023, Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đưa từ 11.000 - 12.000 lao động xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.

Theo Bộ trưởng, chương trình EPS đã được triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, công bằng, khách quan, minh bạch, mang lại nhiều việc làm có thu nhập cao cho người lao động Việt Nam, cũng như góp phần đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp Hàn Quốc, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác lao động giữa hai quốc gia nói chung, cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Để hợp tác trong lĩnh vực lao động xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hàn Quốc tiếp tục tăng hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng các ngành nghề tiếp nhận mới mà phía bạn đang có nhu cầu như, lao động kỹ thuật lành nghề, điều dưỡng, công nghệ thông tin...

Bộ trưởng cũng mong muốn phía Đại sứ Hàn Quốc phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước thiết liệp mạng lưới kết nối cung cầu việc làm cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động hồi hương để người lao động phát triển sự nghiệp, kinh tế gia đình bền vững, góp phần giảm tỷ lệ ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi về hợp tác lao động. Ảnh - MOLISA.
Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi về hợp tác lao động. Ảnh - MOLISA.

Liên quan đến tiếp nhận lao động Việt Nam theo Chương trình EPS, tân Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam cho biết, những năm gần đây, Hàn Quốc ngày càng thiếu hụt nhân lực.

Do đó, trong tương lai Hàn Quốc mong muốn mở rộng hơn nữa việc tiếp nhận lao động Việt Nam sang nước này làm việc, không chỉ trong những ngành nghề truyền thống như sản xuất, xây dựng, mà còn trong những ngành nghề mũi nhọn như công nghệ thông tin.

Về đề xuất tăng chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS, ông Choi Young Sam cũng cho biết sẽ đề cập với Chính phủ Hàn Quốc và hy vọng đề xuất này sẽ sớm được thực hiện trong thời gian tới.

Theo ông, năm 2023, Hàn Quốc cũng đã tăng hạn ngạch của Chương trình EPS. Nước này cũng có kế hoạch mở rộng thêm ngành nghề để tạo công ăn việc làm cho lao động nước ngoài. Còn về chương trình lao động thời vụ, phía Hàn Quốc đang nỗ lực kết nối với các địa phương, thời gian tới chương trình này sẽ được mở rộng hơn nữa.

Đối với Hiệp định về bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc được ký kết tại Hàn Quốc tháng 12/2021, phía Hàn Quốc đã hoàn tất các thủ tục cần thiết, mong muốn hai bên sẽ sớm thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để Thỏa thuận được thống nhất, đi đến ký kết trong năm 2023 và có hiệu lực.

Về nội dung này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Bộ đã có công văn lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan và gửi phản hồi của Việt Nam cho Hàn Quốc. Dự kiến, tháng 12 tới sẽ giao một Thứ trưởng làm trưởng đoàn Việt Nam sang Hàn Quốc để ký kết Thỏa thuận hành chính với phía Hàn Quốc.

Với lao động Hàn Quốc sang làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam luôn tạo điều kiện tốt đa cho người lao động, chuyên gia, nhà quản lý Hàn Quốc.

Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình xử lý sẽ căn cứ từng trường hợp, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho chuyên gia Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc.

Đại sứ Choi Young Sam cũng thông tin, hiện có trên 9.000 lao động Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam, trong đó chủ yếu làm tại các vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành.