09:07 13/02/2023

Đề xuất hơn 9.200 tỷ đồng xây cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang theo hình thức BTL

Anh Tú

UBND tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1 theo hình thức BTL với tổng vốn đầu tư dự án khoảng 9.246 tỷ đồng...

Dự án cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026, hoàn thành năm 2027.
Dự án cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026, hoàn thành năm 2027.

Dự án được đề xuất đầu tư nhằm hoàn thiện tuyến đường Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kết nối liên vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh Tây Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp.

ĐỀ XUẤT TRUNG ƯƠNG ỦNG HỘ TOÀN BỘ 4.620 TỶ ĐỒNG

Theo phương án đề xuất của UBND tỉnh Điện Biên, dự án sẽ được đầu tư với tổng chiều dài khoảng 44 km. Điểm đầu tại TP. Điện Biên Phủ. Điểm cuối tại nút giao Km15+800/Quốc lộ 279, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Về quy mô đầu tư, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, quy mô đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (tỉnh Điện Biên) có quy mô thiết kế tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729-2012 được quy hoạch 4 làn xe trên toàn tuyến, tốc độ thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường 22m.

 

Để việc đầu tư đạt hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thực tế và nguồn lực đầu tư, giai đoạn phân kỳ, dự án cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang được đề xuất đầu tư đoạn tuyến từ TP. Điện Biên Phủ đến nút giao Km15+800/Quốc lộ 279, tỉnh Điện Biên đầu tư quy mô bề rộng nền đường 14,5m, bề rộng mặt đường 11m, với 2 làn xe cơ giới.

Dự án cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2026, hoàn thành năm 2027, với sơ bộ tổng vốn đầu tư dự án khoảng 9.246 tỷ đồng. 

Trong đó, tổng mức đầu tư khoảng 8.763 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng hơn 6.600 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 433 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí khác khoảng 532 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.

Lãi vay tính theo phương án tái chính khoảng 483 tỷ đồng.

Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).

Trong đó, phần vốn nhà đầu tư tham gia thực hiện khoảng 4.627 tỷ đồng, chiếm 50,04% tổng vốn đầu tư dự án.

Phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án khoảng 4.620 tỷ đồng, chiếm 49,96% tổng vốn đầu tư dự án. Đối với phần vốn này, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ hỗ trợ toàn bộ 4.620 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Trung ương từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương.

GỠ "NÚT THẮT" GIAO THÔNG GIÚP BÀ CON THOÁT NGHÈO

Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang nằm trong quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Theo đó, đoạn tuyến Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, dự kiến đầu tư giai đoạn sau năm 2030.

Tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Bên cạnh khó khăn về điều kiện tự nhiên, Điện Biên hiện còn khoảng 10% số hộ dân chưa được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo khoảng 34%, trong khi bình quân cả nước chỉ là 2,25%.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp vào Điện Biên, từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, giúp bà con có điều kiện thoát nghèo bền vững. 

Đặc biệt, việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tháo gỡ "nút thắt" về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.