Đề xuất huyện Củ Chi là thành phố thuộc TP.HCM
Huyện Củ Chi không nên phát triển thành quận vì sẽ khó giữ được phần nông nghiệp. Trong tương lai, Củ Chi có thể là một thành phố phía Tây Bắc của TP.HCM…
Tại hội thảo “Tiềm năng, định hướng phát triển và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn huyện Củ Chi”, nhiều chuyên gia đề xuất mô hình phát triển của huyện Củ Chi nên là thành phố thuộc TP.HCM.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP
Theo PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, những năm qua, kinh tế - xã hội huyện Củ Chi phát triển khá cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt gần 16,2%; các lĩnh vực văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng có nhiều chuyển biến tích cực.
Xét một cách toàn diện, kinh tế – xã hội của huyện Củ Chi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và những dư địa của huyện. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng và xác định định hướng, mô hình, lộ trình, nhiệm vụ - giải pháp phát triển bền vững huyện trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng.
Theo Kế hoạch số 216 (ngày 20/01/2022) của UBND TP.HCM, Củ Chi là một trong 5 huyện ngoại thành của TP.HCM được đầu tư, xây dựng để phát triển thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố trong giai đoạn 2021 – 2030.
Nhận định về sự phát triển của Củ Chi những năm qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng huyện có tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh, nhiều tiêu chỉ về kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng đô thị đã dần đạt theo tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc TP.HCM.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đa số quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Dịch vụ chủ yếu là kinh doanh mua bán, chưa phát triển được du lịch truyền thống gắn với làng nghề, du lịch sinh thái, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đúng mức.
Nhấn mạnh về việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp tại huyện Củ Chi, theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM, huyện không chỉ là “vành đai xanh” của TP.HCM mà còn là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của vùng, như: Địa đạo Củ Chi, các di tích khác, các làng nghề…
“Hiện nay, nói đến du lịch Củ Chi, du khách thường chỉ nghĩ đến địa đạo Củ Chi là hết! Do đó, xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp sẽ góp phần tạo ra sức bật, hình ảnh mới cho huyện trong lòng du khách”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, là địa bàn giáp tỉnh Tây Ninh, khu vực cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM, thuận lợi kết nối cửa khẩu Việt Nam và Campuchia, Củ Chi cần được khai thác tối đa vị thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp công nghiệp – logistic – nông nghiệp công nghệ cao – du lịch sinh thái, lịch sử và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
“Trong tương lai, khi huyện Củ Chi hình thành các đô thị hạt nhân, thu hút nguồn nhân lực sẽ giảm tải áp lực cho khu vực nội đô của thành phố”, ông Tuấn nói.
THÀNH PHỐ TRONG THÀNH PHỐ
Về mô hình phát triển trong tương lai của huyện Củ Chi, nhiều ý kiến đề xuất Củ Chi nên là thành phố thuộc TP.HCM.
Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo cho rằng, huyện Củ Chi không nên phát triển thành quận vì sẽ khó giữ được phần nông nghiệp. Trong tương lai Củ Chi có thể phát triển thành thành phố trong TP.HCM, một thành phố phía Tây Bắc của TP.HCM. Không để đô thị hóa tự phát dẫn đến tình trạng thập cẩm “làng không ra làng, phố không ra phố”, nên giữ “làng trong phố” và giữ hành lang ven sông Sài Gòn.
Đồng thời, phát triển giao thông để chuyển nhanh hơn, không ách tắc, kết nối các địa chỉ tham quan du lịch. Không dễ gì có huyện có 54km hành lang sông Sài Gòn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều khu di tích truyền thống, con người cần cù, hiền hòa. Cần xây dựng Củ Chi theo hướng thành phố thông minh (vẫn giữ được phần nông nghiệp).
"Vần đề ở đây là làm thế nào để kết nối những thế mạnh rời rạc này thành chuỗi để thu hút khách du lịch. Có thể xây dựng một Disneyland ở Củ Chi không? Trước đó, chúng ta có ý tưởng làm Thảo Cầm Viên nhưng triển khai chậm. Chúng ta phải có ý tưởng về những điểm du lịch tầm cỡ để thu hút nhà đầu tư”, bà Thảo nói.
Về phía huyện Củ Chi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quyết Thắng cho biết huyện đang đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào 9 dự án đã được TP.HCM phê duyệt, với tổng diện tích hơn 5.838ha.
Tuy nhiên, để khơi dậy tiềm năng phát triển của vùng Tây Bắc TP.HCM, vùng tiếp nối giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, ông Đinh Vĩnh Tường, Chủ tịch Tập đoàn 365, cho rằng cần cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, có việc đưa ra các giải pháp để phát triển nhưng quan trọng nhất là thực thi, công bố chọn giải pháp, thời gian thực hiện, kết quả thực hiện để nhà đầu tư thấy được và có niềm tin.