Củ Chi kiến nghị điều chỉnh Sài Gòn Safari thành khu công nghiệp kỹ thuật cao
Sài Gòn Safari được quy hoạch từ năm 2004 có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD nhưng vẫn “bất động” cho đến nay…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch Khu công viên Sài Gòn Safari (Sài Gòn Safari) có quy mô 456,85ha, sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao, để tạo điều kiện cho huyện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Đây là một trong những nội dung được nên ra tại buổi giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với công tác quy hoạch trên địa bàn huyện Củ Chi từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây.
Theo UBND huyện Củ Chi, dự án này kéo dài quá lâu, được cấp phép từ năm 2004, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư, nhưng kêu gọi thu hút đầu tư rất khó, rồi tình trạng dân khiếu nại kéo dài liên quan đến công tác đền bù giải tỏa… Do đó, khi chuyển sang chức năng công nghiệp công nghệ cao kỳ vọng sẽ thu hút được nhà đầu tư, phát huy được nguồn lực đất đai.
Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa lưu ý, huyện Củ Chi nên cân nhắc kiến nghị này, vì nếu công viên Sài Gòn Safari được xây dựng sẽ tạo điểm nhấn về thu hút du lịch không chỉ cho Củ Chi mà còn cho cả TP.HCM.
"Người dân Củ Chi sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong tạo công ăn việc làm, sản phẩm du lịch địa phương phong phú hơn, vì mô hình Safari thực hiện rất thành công ở một số tỉnh thành khác và một số quốc gia khác. Huyện cần có chính sách để thu hút đầu tư", ông Nghĩa nói.
Được biết, dự án Khu công viên Sài Gòn Safari có quy mô 456,85ha thuộc các xã An Nhơn Tây, Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM. Tổng kinh phí đầu tư dự án lên đến 500 triệu USD, do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án này, TP.HCM sẽ phải thu hồi đất của 705 hộ dân, trong đó có 443 hộ bị giải tỏa trắng, 262 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp.
Theo quy hoạch, Sài Gòn Safari sẽ là khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hoạt động giải trí, tham quan, dịch vụ.
Tuy nhiên, siêu dự án này vấp phải nhiều khiếu nại của người dân liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Năm 2007, dù công việc này đã đạt 96% nhưng dự án vẫn vẫn nằm "bất động".
Tháng 6/2019, Thanh tra Chính phủ đã nêu hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai dự án Sài Gòn Safari tại kết luận số 2112.
Cụ thể, dự án có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi hơn 450ha, nhưng UBND TP.HCM đã chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật. Trong đó, TP.HCM đã giao dự án cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư, nhưng doanh nghiệp này không đủ năng lực thực hiện.
Diện tích đã bàn giao từ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi sang Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn là 403,45ha, nhưng trên thực tế UBND huyện Củ Chi và Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã không quản lý được toàn bộ diện tích này.
Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau 13 năm kể từ ngày UBND TP. HCM có văn bản chấp thuận thì đồ án mới hoàn thành và được phê duyệt là thời gian quá dài, trong khi đây là tài liệu quan trọng để quyết định đầu tư dự án.
Đặc biệt, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ xác định, phương án giá đưa ra có một số nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí đền bù tăng thêm 104,7 tỷ đồng. Cụ thể, trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng...
Cũng tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM mới đây, huyện Củ Chi đã nêu ra một số bất cập như sự chưa đồng bộ giữa Luật Quy hoạch với một số Luật khác (Luật Đất đai)… Từ đó dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch, triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch còn chậm, quy hoạch chồng lấn gây khó khăn.
Cần có cơ chế chính sách về nhà, đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch các chức năng công trình công cộng, cây xanh, giao thông, giáo dục… để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân về nhà ở trong lúc chờ quy hoạch…