Đề xuất miễn đăng kiểm lần đầu, áp dụng với ô tô mới trong 1 năm tính từ năm sản xuất
Sau 6 tháng nghiên cứu, đánh giá tác động, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải phương án thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu, áp dụng với xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất...
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện kết luận tại cuộc họp giao ban Bộ tháng 12 về việc giao Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu sửa đổi thủ tục kiểm định lần đầu đối với các xe ô tô được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới, chưa qua sử dụng, kiểm định trong thời gian một năm tính từ năm sản xuất xe.
Theo đó, chỉ thực hiện lập hồ sơ phương tiện, nhập, ghi nhận thông tin phương tiện trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định cho phương tiện để tham gia giao thông theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008; không thu giá dịch vụ kiểm định.
XE TỒN KHO LÂU GIẢM ĐẶC TÍNH KỸ THUẬT VẪN CẦN KIỂM ĐỊNH
Việc kiểm định lần đầu đối với các phương tiện mới bắt đầu đưa vào sử dụng có 2 mục đích.
Thứ nhất, đây là thủ tục cần thiết để lập hồ sơ phương tiện. Việc này nhằm quản lý, theo dõi kỹ thuật phương tiện trong suốt quá trình sử dụng.
Thứ hai, đó là kiểm soát kỹ thuật đối với các phương tiện lỗi (nếu có).
Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện cho rằng xe mới xuất xưởng vẫn phải đi đăng kiểm gây tốn kém cả trăm tỷ đồng mỗi năm, chưa kể mất thời gian của người dân.
Do đó, ngay sau khi có đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông về việc xem xét miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn thời hạn bảo hành của nhà sản xuất, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập tổ công tác thực hiện việc nghiên cứu nội dung trên.
Cùng với đó, căn cứ chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại cuộc họp giao ban Bộ tháng 12, sau khi tổng hợp các kết quả nghiên cứu từ dữ liệu thực tế, nhóm công tác của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã khẩn trương thực hiện đánh giá những ảnh hưởng, tác động và các nhiệm vụ cần thực hiện.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá trong thời gian 6 tháng, từ tháng 6 đến tháng 11/2022, trên cơ sở số lượng các phương tiện mới sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đã được chứng nhận tại Việt Nam, số kiểu loại, khả năng đáp ứng của các đơn vị đăng kiểm trên cả nước.
Kết quả cho thấy tỷ lệ không đạt của phương tiện cần phải bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định lại đối với nhóm phương tiện này chiếm tỷ lệ rất thấp, từ 0,17-0,31%.
Về việc nghiên cứu quy định, thời hạn bảo hành và thời gian lưu kho, lưu bãi trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất áp dụng đối với phương tiện thực hiện kiểm định trong thời gian 1 năm kể từ năm sản xuất.
"Bởi việc lưu kho, lưu bãi trong thời gian dài sẽ gây ra hư hỏng, hao mòn, giảm đặc tính kỹ thuật đối với nhiều chi tiết trên ô tô như nhựa, cao su, dầu bôi trơn, cấu kiện điện tử…", Cục Đăng kiểm phân tích.
Do đó, "nếu để tồn kho quá lâu từ khi sản xuất đến tay người tiêu dùng thì phương tiện không còn đảm bảo các tính năng thông số kỹ thuật, cần được kiểm tra, kiểm định trước khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, người tham gia giao thông và bảo vệ môi trường", Cục Đăng kiểm nhấn mạnh.
"Đối với yêu cầu đảm bảo cơ sở dữ liệu và phương án kiểm soát các xe gian, xe lậu, xe tự ý thay đổi thông số kỹ thuật trước khi đưa vào tham gia giao thông, Cục đang xây dựng phần mềm để liên thông, kết nối trực tiếp cơ sở dữ liệu từ sản xuất lắp ráp, nhập khẩu đến kiểm định lưu hành", Cục Đăng kiểm cho biết.
Do đó, để đảm bảo có đầy đủ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm soát và chia sẻ cho hoạt động điều hành giao thông, thu phí không dừng, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất phương án chỉ miễn kiểm tra kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện nhưng vẫn cần thực hiện lập hồ sơ phương tiện.
Trong quá trình đơn vị đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện sẽ thực hiện kiểm tra nhận dạng và đối chiếu thông số kỹ thuật nhận dạng của xe với cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước.
"Việc lựa chọn phương án áp dụng miễn thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu tiên (sau khi đăng ký biển số lần đầu) đối với xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới chưa qua sử dụng, trong thời gian 1 năm tính từ năm sản xuất, không thu giá dịch vụ kiểm định, là phù hợp, bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông", Cục Đăng kiểm khẳng định.
GIẢM CHI PHÍ CHO CHỦ XE
Theo đánh giá của Cục Đăng kiểm, cách thức này cũng giúp người dân, lái xe, chủ xe giảm thời gian và chi phí. Theo tính toán, số tiền mà mỗi chủ phương tiện được giảm khi kiểm định lần đầu từ 250.000 - 570.000 đồng/xe tương ứng với từng loại xe.
Tuy nhiên khi thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu, đồng nghĩa với việc tăng trách nhiệm của nhà sản xuất, lắp ráp nhập khẩu.
Cụ thể, do không phải kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên có thể phát sinh tình huống xe cơ giới sau khi đến tay người dân sẽ bị tự ý thay đổi dẫn đến phương tiện có sự thay đổi so với thiết kế của nhà sản xuất trước khi đến đơn vị đăng kiểm để lập hồ sơ phương tiện mà không thể được phát hiện kịp thời.
Do đó, việc bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới thuộc trách nhiệm chính của nhà sản xuất, nhập khẩu xe, chủ xe, lái xe.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, cần phải phối hợp cùng nhà sản xuất, chủ xe để xác định trách nhiệm khi xảy ra vấn đề bảo hiểm, bồi thường.
Tuy nhiên, để thực hiện miễn kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu, cần thực hiện bổ sung, sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng ký vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải và đang thực hiện các bước xây dựng dự thảo bổ sung, sửa đổi Thông tư 16 ngay trong tháng 12.