18:25 24/02/2019

Đề xuất nâng cấp đơn vị hành chính xã lên phường, thị xã lên thành phố

Duyên Duyên

Các chuyên gia cho rằng, nếu được sắp xếp và nâng cấp thì phải quy định thời hạn là 5 năm hoặc 10, nếu không đạt các tiêu chí của đô thị thì sẽ phải hạ bậc.

Cần quy định rõ những địa phương nào đủ tiêu chuẩn thì phải thực hiện sắp xếp, chưa đạt tiêu chuẩn thì không được sắp xếp. Ảnh minh họa
Cần quy định rõ những địa phương nào đủ tiêu chuẩn thì phải thực hiện sắp xếp, chưa đạt tiêu chuẩn thì không được sắp xếp. Ảnh minh họa

Bộ Nội vụ và một số chuyên gia vừa đề xuất chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính xã thành phường và sắp xếp đơn vị hành chính huyện, thị xã thành thành phố.

Đề xuất này được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 vừa được Bộ Nội vụ tổ chức.

Theo đó, Bộ Nội vụ được Chính phủ giao xây dựng Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm giảm chi ngân sách, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia, việc lấy ý kiến nhân dân tại các địa phương được sắp xếp lại là rất khó khăn, phức tạp. Cùng với đó, nếu không khuyến khích việc sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị và nâng cấp đơn vị hành chính sau sắp xếp lên đô thị thì sẽ khó thực hiện.

Tuy nhiên, nếu được sắp xếp và nâng cấp thì phải quy định thời hạn là 5 năm hoặc 10, các đơn vị hành chính này cần được rà soát, nếu không đạt các tiêu chí của đô thị thì phải hạ bậc.

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính xã thành phường; huyện, thị xã thành thành phố. Tuy nhiên ông Thắng lưu ý cần có lộ trình và chia ra các mốc thời gian để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng đồng tình với đề xuất sắp xếp lại các đơn vị hành chính xã, huyện, thị xã. Song theo ông Tuấn, cần quy định rõ những địa phương nào đủ tiêu chuẩn thì phải thực hiện sắp xếp, những địa phương nào chưa đạt tiêu chuẩn thì không được sắp xếp, nhằm tránh tình trạng các địa phương vì muốn lập thành tích mà thực hiện ở quy mô rộng, gây xáo trộn nhiều mặt của xã hội.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, phải ngăn ngừa tuyệt đối việc đề bạt, bổ nhiệm lúc giao thời, tránh làm biên chế và tổ chức bộ máy tăng. Chỉ nên khuyến khích các đơn vị hành chính sau sắp xếp tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản biên chế.

Các chuyên gia đề nghị Bộ Nội vụ nên nghiên cứu thêm kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện Nghị quyết số 37 theo nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau". Các địa phương có thể làm tờ trình sắp xếp đơn vị hành chính thành nhiều đợt, mỗi đợt có thể sắp xếp nhiều đơn vị hành chính khác nhau, không nhất thiết chỉ làm một lần cho tất cả các đơn vị được sắp xếp.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đề nghị, dự thảo các Nghị quyết cần đặc biệt lưu ý các tiêu chuẩn, điều kiện để sắp xếp.

Về sáp nhập các đơn vị hành chính huyện với thị xã hay đơn vị hành chính xã với phường cần ưu tiên nâng cấp. Đề nghị Tổ biên tập xây dựng mẫu Đề án để giúp các địa phương thuận lợi khi thực hiện và giúp việc thẩm định nhanh chóng.

Về tên gọi đơn vị hành chính sau sáp nhập phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và nên để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.