16:31 07/07/2025

Đề xuất nâng hạn mức giao dịch Mobile Money lên tối đa 200 triệu đồng mỗi tháng

Kỳ Phong

Tại Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng hạn mức giao dịch mỗi tháng tối đa từ 10 triệu đồng hiện nay lên 100 triệu đồng/khách hàng. Riêng các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu có thể được cộng thêm 100 triệu đồng, nâng tổng hạn mức tối đa lên đến 200 triệu đồng/tháng....

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12/2024, tổng số tài khoản Mobile Money đã đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt hơn 10,22 triệu tài khoản. Đáng chú ý, trong đó có hơn 7,31 triệu tài khoản thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 72% tổng số tài khoản, cho thấy mức độ phù hợp cao của dịch vụ với người dân ở những nơi khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Tổng lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money lũy kế từ khi bắt đầu thí điểm đến cuối năm 2024 đạt hơn 193,89 triệu giao dịch, với tổng giá trị giao dịch lên tới 6.435 tỷ đồng. 

Trong quá trình tổng kết thí điểm, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận một số phản ánh của doanh nghiệp về những khó khăn, thách thức khi triển khai dịch vụ Mobile Money.

Thứ nhất, hạn mức giao dịch theo quy định hiện hành là 10 triệu đồng/tháng cho mỗi tài khoản Mobile Money bị đánh giá là thấp so với nhu cầu thực tế. Các doanh nghiệp cho biết mức hạn chế này làm giảm tính cạnh tranh của Mobile Money so với ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng truyền thống.

Thứ hai, quy định chỉ cho phép thuê bao di động được kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất ba tháng mới đủ điều kiện đăng ký Mobile Money đã làm thu hẹp tệp khách hàng tiềm năng, đặc biệt là những người vừa chuyển mạng giữ số hoặc khách hàng mới.

Thứ ba, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gặp khó khăn khi phải trực tiếp ký hợp đồng với từng đơn vị chấp nhận thanh toán. Điều này tiêu tốn nhiều nguồn lực, đặc biệt khi Mobile Money đang hướng đến phục vụ nhóm dân cư thu nhập thấp và khu vực chưa có hạ tầng ngân hàng.

Thứ tư, quy định yêu cầu điểm kinh doanh của Mobile Money phải là pháp nhân khiến việc mở rộng mạng lưới gặp khó khăn, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi phần lớn điểm kinh doanh tiềm năng chỉ là hộ gia đình hoặc cá nhân.

Tại Dự thảo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu đầy đủ các phản ánh từ thực tiễn và đưa ra các điều chỉnh linh hoạt, hợp lý hơn so với cơ chế thí điểm.

Một trong những điểm nổi bật nhất là việc nâng hạn mức giao dịch từ 10 triệu đồng lên 100 triệu đồng/tháng cho các hoạt động rút tiền, chuyển tiền và thanh toán. Đặc biệt, đối với các giao dịch thanh toán dịch vụ thiết yếu như điện, nước, học phí, viện phí hay bảo hiểm xã hội, khách hàng được cộng thêm 100 triệu đồng/tháng, nâng tổng hạn mức giao dịch có thể lên tới 200 triệu đồng mỗi tháng.

Về đối tượng khách hàng, Dự thảo Nghị định bãi bỏ điều kiện về thời gian sử dụng thuê bao. Thay vào đó, chỉ cần khách hàng đăng ký thông tin chính chủ với nhà mạng là có thể đăng ký Mobile Money. Điều này giúp mở rộng đối tượng tiếp cận, bao gồm cả người dùng mới hoặc người vừa chuyển mạng.

 

Những điểm mới nổi bật tại Dự thảo Nghị định về Mobile Money:

  • Tăng hạn mức giao dịch: từ 10 triệu đồng/tháng lên tối đa 200 triệu đồng/tháng, gồm 100 triệu cho giao dịch thông thường và thêm 100 triệu cho thanh toán dịch vụ thiết yếu (điện, nước, học phí, viện phí…).
  • Nới điều kiện khách hàng: bỏ yêu cầu thuê bao di động phải hoạt động liên tục 3 tháng; chỉ cần thuê bao đăng ký chính chủ.
  • Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán: cho phép doanh nghiệp hợp tác với đơn vị chấp nhận thanh toán thông qua ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán.
  • Linh hoạt điểm kinh doanh: không bắt buộc là pháp nhân, có thể ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân.
  • Đơn giản hóa thủ tục: cho phép nộp hồ sơ trực tuyến và chỉ cần thông báo với Ngân hàng Nhà nước khi có thay đổi không trọng yếu.

Dự thảo cũng điều chỉnh định nghĩa về Đơn vị chấp nhận thanh toán, cho phép các tổ chức cung ứng Mobile Money được ký kết hợp đồng không chỉ trực tiếp mà còn thông qua ngân hàng thương mại hoặc tổ chức trung gian thanh toán. Như vậy, các doanh nghiệp có thể tận dụng sẵn hạ tầng thanh toán rộng lớn hiện có, tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nới lỏng quy định về điểm kinh doanh. Theo đó, điểm kinh doanh không bắt buộc phải là pháp nhân mà có thể do các tổ chức, cá nhân khác thiết lập và được doanh nghiệp Mobile Money ủy quyền bằng hợp đồng. Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để mở rộng mạng lưới dịch vụ đến vùng sâu, vùng xa, nơi còn hạn chế về điểm chấp nhận thanh toán chính thức.

Một nội dung quan trọng khác trong Dự thảo là việc tinh gọn thủ tục hành chính. Các thay đổi không trọng yếu như thay đổi người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ hoặc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ chỉ cần thông báo đến Ngân hàng Nhà nước, thay vì phải xin sửa đổi Giấy phép như trước. Đồng thời, hồ sơ cấp phép có thể nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc của Ngân hàng Nhà nước, giúp rút ngắn thời gian xử lý và giảm chi phí hành chính.

Dự thảo cũng phân định rõ vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ ngành: Ngân hàng Nhà nước phụ trách thẩm định nghiệp vụ thanh toán và cấp phép; Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm về kỹ thuật, hạ tầng viễn thông và điểm kinh doanh; trong khi Bộ Công an thẩm định lý lịch nhân sự và đảm bảo an ninh, phòng chống lạm dụng dịch vụ.