Đề xuất tăng 7,4% lương hưu từ đầu năm 2022
Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội dự kiến tăng thêm 7,4% vào đầu năm 2022 thay vì thời điểm tận tháng 7 cùng năm, theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Theo đó, về phần căn cứ xây dựng dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Đối tượng điều chỉnh bao gồm: Những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Về mức điều chỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh chung cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với mức 7,4%. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng điều chỉnh tiếp.
Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng. Thời gian điều chỉnh từ 1/1/2022.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu tại kỳ họp Quốc hội về vấn đề điều chỉnh lương hưu mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ đề xuất điều chỉnh tăng 7,4 % lương hưu từ 1/1/2022 chứ không chờ tới 1/7/2022.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề điều chỉnh lương hưu đã được nhắc tới nhiều ở nhiệm kỳ Quốc hội trước và tới Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng đã đề cập tới vấn đề này. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội tạm dừng vấn đề cải cách tiền lương. Tuy nhiên trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội, nội dung điều chỉnh lương hưu vẫn được đề cập tới, đặc biệt là quan tâm tới những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu thấp.
Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc đánh giá về vấn đề này. Hiện nay, trước tình hình nhiều người nghỉ hưu gặp khó khăn, Bộ đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét việc điều chỉnh tăng từ 1/1/2022.
Tổng số kinh phí điều chỉnh dự kiến là khoảng 12.650 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư và bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng. Với những người đã được điều chỉnh tăng nhưng lương vẫn dưới 2,5 triệu đồng/tháng, Bộ sẽ đề xuất bổ sung lên tối thiểu 250.000 đồng/người nhưng trường hợp hỗ trợ cao nhất cũng không vượt quá mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Trước đó, từng trao đổi với VnEconomy về vấn đề điều chỉnh lương hưu, Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh huân cũng lưu ý, việc điều chỉnh tăng lương hưu trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt cân nhắc các yếu tố về thời điểm và mức tăng sao cho phù hợp, còn nếu có điều kiện để tăng sớm hơn cho người hưởng lương hưu thì đó là điều rất tốt.
Đặc biệt, việc điều chỉnh lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội phải tính toán bước đi như thế nào cho phù hợp, việc tăng lương hưu cũng cần có tính đồng bộ và hài hòa với các chính sách, đối tượng khác.