DeepSeek càn quét, vốn hóa FPT bốc hơi 11.600 tỷ, vẫn được gọi mua giá mục tiêu gần 200.000 đồng/cổ phiếu
Giá trị vốn hóa của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam bị thổi bay 11.622 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch hôm qua.
Cú sốc DeepSeek khiến giới đầu tư toàn cầu chao đảo vì làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ ở Mỹ. Nhà đầu tư lo ngại một mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) giá rẻ đang nổi lên của Trung Quốc sẽ đe dọa sự thống trị của những cái tên đang dẫn đầu trong lĩnh vực này như Nvidia. Chỉ riêng “gã khổng lồ” ngành chip bán dẫn NVIDIA đã “bốc hơi” 600 tỷ USD vốn hóa.
Kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn 1 tuần không nguôi đi những lo lắng của nhà đầu tư về sự điều chỉnh của cổ phiếu nhóm công nghệ.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất tỵ 2025 ngày 3/2, thị trường đã chìm trong sắc đỏ với tâm điểm là cú rơi hơn 5% của cổ phiếu FPT. Một số cổ phiếu công nghệ khác như CMG giảm 4,88% , VNZ , ITD giảm 5,1%. Giá trị vốn hóa của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam bị thổi bay 11.622 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch hôm qua.
FPT "bay màu" kéo theo giá trị lô cổ phiếu FPT trong tay những sếp lớn của Tập đoàn này cũng sụt giảm mạnh theo. Tại thời điểm 31/12/2024, Chủ tịch FPT ông Trương Gia Bình nắm hơn 102 triệu cổ phiếu FPT (tỷ lệ 6,99%), ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT nắm gần 24 triệu cổ phiếu FPT (tỷ lệ 1,63%), ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT nắm 13,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,94%).
Ước tính theo thị giá FPT, khối tài sản của 3 cổ đông này đạt hơn 20.271 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng trong vòng 1 phiên giao dịch.
Nhận định về triển vọng cổ phiếu nhóm công nghệ, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích khối Khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng cổ phiếu nhóm công nghệ sẽ điều chỉnh sau một nhịp chạy nhanh tăng nhiều, tuy nhiên lùi về một vùng giá hấp dẫn sẽ lại kích thích dòng tiền quay lại.
"Góc nhìn năm 2025 cổ phiếu công nghệ vẫn tăng trưởng nhưng đà tăng không còn vượt trội so với nhóm tài chính. Nhà đầu tư cần nhớ ông Trump lên thì nhóm tài chính được kỳ vọng là có tiềm năng lớn", ông Nguyễn Thế Minh nói.
Trong khi đó, hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đánh giá tiềm năng lớn với nhóm cổ phiếu công nghệ. Trong báo cáo cập nhật triển vọng cổ phiếu nhóm này, SSI Research nhấn mạnh các cổ phiếu ngành công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông tăng 140% trong năm 2024, vượt trội hơn so với VN-Index (tăng 12%), hưởng lợi từ xu hướng nâng định giá hệ số P/E, tương đồng với các công ty công nghệ trên thế giới. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2023, nhờ tâm lý tích cực về triển vọng trí tuệ nhân tạo (AI) (đặc biệt là AI tạo sinh hoặc generative AI).
Sự hợp tác với NVIDIA sẽ mở đường cho Việt Nam để đạt những đột phá về AI trong tương lai. Thực tế, nhà sản xuất chip AI hàng đầu trên thế giới coi Việt Nam như “ngôi nhà thứ 2” và đã ký kết hợp tác với chính phủ Việt Nam vào ngày 5/12/2024 để thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên tại Việt Nam (gọi là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam hay VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI của Viettel, sử dụng công nghệ của NVIDIA.
NVIDIA cũng đang hợp tác với các công ty công nghệ/viễn thông hàng đầu của Việt Nam, như FPT (FPT AI Factory, Viettel, CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (CMG:HOSE) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
SSI Research nhận thấy xu hướng tương tự đối với phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin. Đặc biệt đối với dịch vụ Công nghệ thông tin, sau giai đoạn dè dặt trong việc chi tiêu trong năm 2023 và đầu năm 2024, nhóm phân tích kỳ vọng chi tiêu sẽ phục hồi trong năm 2025. Với lợi thế chi phí thấp, báo cáo nêu kỳ vọng điều này sẽ hỗ trợ cho FPT.
Trong khi đó, VnDirect kỳ vọng ngành dịch vụ Công nghệ thông tin tận dụng triển vọng tích cực. BMI dự phóng chi tiêu Công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ tăng 17,4% lên 319,7 nghìn tỷ đồng. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi xu hướng phục hồi chi tiêu Công nghệ thông tin toàn cầu và các kế hoạch của chính phủ về phát triển lĩnh vực công nghệ.
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 561 triệu USD vào năm 2022 lên 1.000 tỷ USD vào năm 2028, với mức tăng trưởng kép 10,7%. Kế hoạch mở rộng của các doanh nghiệp trong nước có thể nhắc đến như FPT xây dựng trung tâm dữ liệu mới tại Quận 9, TP.HCM, dự kiến hoàn thành vào Q4/25, với sức chứa hơn 3.000 giá và công suất đạt 20 MW; Kế hoạch xây thêm hạ tầng TTDL khác tại Hà Nội trước năm 2032.
CMC dự kiến phát triển một trung tâm dữ liệu hyperscale công suất 45MW tại TP.HCM từ 2025 đến 2029, cùng với 3 dự án trung tâm dữ liệu khác với tổng công suất đạt 70 MW. VNG hợp tác với ST Telemedia Global Data Centers phát triển trung tâm dữ liệu thứ hai tại TP.HCM, dự kiến đi vào hoạt động vào đầu năm 2026, với công suất lên tới 60 MW.
Ngoài các kế hoạch mở rộng của các công ty trong nước được nêu dưới đây, một số công ty nước ngoài như Nvidia, Google, Huawei và Alibaba cũng đang có kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
VnDirect đưa ra giá mục tiêu cho FPT lên tới 196.600 đồng/cổ phiếu tương ứng tiềm năng tăng giá gần 29% trong vòng 1 năm tới.
Luận điểm đầu tư gồm việc cắt giảm thuế có thể hỗ trợ tăng trưởng doanh thu dịch vụ Công nghệ thông tin tại Mỹ. Chiến thắng của Trump làm dấy lên kỳ vọng về các đợt cắt giảm thuế tương tự như Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017 (TCJA), thúc đẩy chi tiêu Công nghệ thông tin tại Mỹ.
FPT dự định tiếp tục chiến lược "săn cá voi" bằng cách bán thêm dịch vụ cho các khách hàng hiện tại và mở rộng tệp khách hàng, tăng cường mối quan hệ với các khách hàng chủ chốt và mở rộng thị trường. Việc ký kết hợp đồng lớn gần đây cũng nhấn mạnh cam kết, sự linh hoạt, năng lực và chiến lược đúng đắn của công ty. Đối với các thị trường khác, kỳ vọng mức tăng trưởng mạnh mẽ sẽ tiếp tục được duy trì.