15:19 17/08/2007

Di động, cuộc cạnh tranh sinh tồn

Bây giờ, họ hàng nhà dế đã hiện diện từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới nông thôn

Dế phó nháy này có độ phân giải 5 megapixel. Người ta cho rằng, nó có thể thay thế máy ảnh số.
Dế phó nháy này có độ phân giải 5 megapixel. Người ta cho rằng, nó có thể thay thế máy ảnh số.
Bây giờ, họ hàng nhà dế đã hiện diện từ Bắc chí Nam, từ thành thị tới nông thôn. Một chị bán trái cây trên lề đường vừa thối tiền cho khách vừa móc dế Motorola C168 ra nghe và quầy quả thu dọn hàng vì vừa được báo có công an sắp đến.

>>Di động, chuyện từ thời tiền sử

Các cô chú tôi, càng về sau càng chia thành nhiều hệ riêng biệt. Có dế ca sĩ, có dế phó nhòm. Rồi có cả hệ trường chuyên, lớp chọn, mà dân marketing hay gọi là dế “thông minh”. Chưa kể tới dế lai, nghĩa là vừa có dòng máu di động, vừa có dòng máu của PDA, thiết bị cầm tay

Ba, bảy đường dế

Năm 2004, chú dế phó nháy đổ bộ vào Việt Nam. Dĩ nhiên, ban đầu khả năng của chú dế này còn kém lắm. Ảnh chụp thì mờ mờ và chủ yếu là chụp rồi thôi, chứ gởi đi thì qua đường cáp hay công nghệ GPRS chập chờn cũng như không.

Càng về sau, nhánh dế phó nháy càng có nội công cao, từ 1,3 chấm “MP”, nay chuẩn là 2MP. Một vài chú nội công thượng thừa tới 5MP. Đệ nhất cao thủ hiện nay là dế... có độ phân giải 10MP. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của dế phó nháy như vậy, khiến con người phải giật mình nghĩ rằng, biết đâu có ngày dế máy ảnh thay luôn ông phó nhòm máy ảnh số.

Sau trào lưu dế phó nháy, tới lượt dế ca sĩ. Năm 2001, chú dế SL45 mang họ Siemens xuất hiện ở Việt Nam, với giá khá cao. Chú này không có khe gắn thẻ ngoài mà chỉ có bộ nhớ trong với dung lượng 32MB, thuộc loại bộ nhớ “khủng” so với hồi đó. Tiếp sau là nữ hoàng nhạc số W800, đứa con của dòng họ lai Sony và Ericsson. Giờ thì đủ mặt anh tài ca sĩ mang họ Motorola, Nokia, Sony Ericsson.

Vì sao họ nhà dế lại sản sinh lắm và phân nhánh như vậy? Về cơ bản, đó là do nhu cầu của con người. Mà nhu cầu thì vô tận. Nếu bạn chỉ có nhu cầu nghe và nói, thì họ nhà dế sẽ không chia năm, xẻ bảy như vậy. Nhưng do con người, theo Jean Baudrillard, tác giả của cuốn Xã hội tiêu dùng: Bí ẩn và cấu trúc, không có giới hạn về nhu cầu bởi nhu cầu tiêu dùng vẫn thường là một nhu cầu khác biệt hoá người này với người khác.

Cạnh tranh của loài dế

Sự phát triển của loài dế sẽ ảnh hưởng tới loài nào? Dẫu có phân lắm loại như vậy, thì việc sử dụng lại phụ thuộc vào các câu chuyện dẫn dắt người dùng của các lò luyện dế. Khi người ta nói đến trào lưu chụp ảnh, chia sẻ ảnh, rồi tới nhạc số thì bạn đừng giàu trí tưởng bở rằng, cứ ra đường là thấy dế phó nháy và dế ca sĩ.

Thậm chí khi nhìn đâu cũng đụng các loại này, bạn cũng hiếm khi thấy họ sử dụng. Thật ra, loài dế không cạnh tranh với nhau, mà đang giành đất của loài khác.

Kết quả một cuộc điều tra cho thấy, sau tính năng thoại, hai nhu cầu được sử dụng nhiều là lịch làm việc và giải trí, tương ứng với 92,4% và 68,1%. Tuy chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của dế tới cỗ máy chỉ thời gian, mà loài người gọi là đồng hồ, nhưng từ cuộc điều tra trên, có tới trên 92% dùng chức năng đồng hồ ở dế.

Điều đó có nghĩa là chiếc đồng hồ đeo tay, nếu không chuyển ý nghĩa sử dụng, sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tờ Business Week đã có bài phản ánh về sự hồi sinh của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ, với chức năng mới của đồng hồ là vật dụng trang sức chỉ thời trang.

Dế tôi cũng rất thú vị, khi biết rằng, đối tượng tám qua dế nhiều, không phải là nữ, như nhiều người vẫn nghĩ, mà là phái mạnh. Bình quân, mỗi ngày phái mạnh phát đi và nhận lại 18,5 cuộc gọi, trong khi nữ lưu chỉ có 13 cuộc. Có vẻ nhận xét thời bùng nổ thông tin là chính xác, khi cả hai phái, đều có tỷ lệ nhận cuộc gọi cao hơn là phát đi.

Sự hiện diện rộng rãi của dế trong đời sống con người khiến cho các nhà xã hội học phải tìm ra một danh từ mới: thế hệ ngón tay cái để chỉ giới trẻ sử dụng dế nhiều. Ở thế hệ này, độ tuổi từ 15 - 17 dẫn đầu về kỷ lục nhắn tin, trung bình 25 tin/ngày. Trong khi độ tuổi từ 38 trở lên, chỉ nhắn và nhận 15 tin/ngày.

Xét về thu nhập, nhóm thu nhập thấp có tỷ lệ sử dụng cuộc gọi thấp nhất, trung bình 12 cuộc/ngày. Trong khi nhóm thu nhập trên 5 triệu, thường gọi và nhận 26 cuộc/ngày. Tuy nhiên, nếu điều tra trong sinh viên tỷ lệ này có thể khác.

Do chỉ tính cước cuộc gọi từ 3 giây trở lên, nhiều sinh viên thường ngắt nội dung ra để nói trong 2 giây. Dế tôi đã chứng kiến, một nữ sinh viên trường kinh tế chia nội dung gọi bạn xuống ăn cơm ở căn tin, thành 2 cuộc gọi như sau: “ăn cơm”, và “căn tin trường”.

Trở lại với 2 nhánh dế ca sĩ và phó nháy. Tuy mức độ phổ cập của dòng phó nhòm đã khá phổ biến, nhưng mức độ sử dụng chỉ vào loại trung bình. Vào giữa năm 2005, theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường GfK, số lượng dế có camera gần ngang ngửa với dế không có chức năng này. Thế nhưng, mức độ sử dụng chức năng phó nháy chỉ ở mức 2,5, mức trung bình trong thang độ 5 điểm.

Theo một kết quả nghiên cứu khác ở châu Âu, trong 3 tháng đầu, người dùng có sử dụng chức năng phó nháy, nhưng sau đó hầu như xếp xó. Ở Nhật lại khác. Nhờ hạ tầng công nghệ ở đảo hoa anh đào này, người dùng thường xuyên sử dụng dế phó nháy.

Nguyên nhân, chủ yếu là khi chụp xong, họ có thể gởi lên blog hoặc chia sẻ với người khác. Ở ta thì chỉ được công đoạn đầu. Việc gởi xem ra rất khó khăn khi GPRS, công nghệ của thế hệ 2,5, chỉ mới triển khai rộng rãi gần đây.

Ở nhóm nhạc số thì khả dĩ hơn, với mức độ sử dụng 3,9. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho những nhà khai thác dịch vụ. Thói quen nghe nhạc khi ra đường của người Việt vẫn đang hình thành và chủ yếu là ở giới trẻ, thế hệ bị chinh phục bởi Walkman hồi xưa và iPod bây giờ.

Khi đi đường ở ta, bạn thỉnh thoảng sẽ thấy các tín đồ nhạc số đeo tai nghe lủng lẳng, trong khi ở châu Âu hay Hàn Quốc, đó là chuyện thường ngày. Nguyên nhân, có thể là do ảnh hưởng của nền kinh tế xe gắn máy so với kinh tế điện ngầm.