Đi hộ lý tại Nhật nhận lương hơn 30 triệu đồng/tháng
Mức lương này chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ, ngoài ra mức lương sẽ thay đổi phụ thuộc vào lương tối thiểu của từng vùng
Thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka Nhật Bản về việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh hộ lý sang Nhật Bản, Trung tâm Lao động ngoài nước vừa thông báo tiếp tục kế hoạch tuyển chọn ứng viên hộ lý trong năm 2020 với số lượng 70 người.
Theo đó, khi tham gia chương trình, ứng viên được Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka hỗ trợ toàn bộ chi phí khóa đào tạo tiếng Nhật từ 8 - 11 tháng tại Việt Nam để thi đạt trình độ N4; chi phí khám sức khỏe; lệ phí thi lấy chứng chỉ N4 tiếng Nhật; lệ phí xin cấp visa và tiền vé máy bay khi xuất cảnh.
Ngoài ra, ứng viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động cư trú dài hạn trên địa bàn huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ các chi phí khác theo quy định của Việt Nam.
Tại Nhật Bản, ứng viên được nhận trợ cấp đào tạo 60.000 Yên/người trong thời gian 1 tháng sau khi nhập cảnh. Mức lương được hưởng theo quy định của Luật Lương tối thiểu của Nhật Bản và không thấp hơn người Nhật làm cùng vị trí.
Trong đó, năm thứ nhất là 164.736 Yên/tháng (khoảng 33 triệu đồng/tháng, không bao gồm 1 tháng đào tạo sau khi nhập cảnh); năm thứ hai 169.736 Yên/tháng (khoảng 34 triệu đồng/tháng); năm thứ ba 172.722 Yên/tháng (khoảng 35 triệu đồng/tháng).
Mức lương trên tính trung bình cho 22 ngày làm việc/tháng, chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ, chưa khấu trừ tiền thuế, bảo hiểm, ngoài ra mức lương sẽ thay đổi phụ thuộc vào lương tối thiểu của từng vùng.
Sau khi hoàn thành chương trình về nước, ứng viên sẽ được hỗ trợ tiền vé máy bay về nước. Đồng thời, được Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka hỗ trợ một khoản tiền để ổn định cuộc sống, khoảng 200.000 Yên/người nếu hoàn thành chương trình thực tập 3 năm về nước đúng thời hạn.
Khi tham gia chương trình, ứng viên trúng tuyển chỉ phải chi trả tiền ăn, tiền ở và các chi phí sinh hoạt cá nhân trong thời gian đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam.
Trong quá trình tham gia, nếu ứng viên tự ý chấm dứt trước thời hạn khóa học tiếng Nhật tại Việt Nam mà không có lý do chính đáng sẽ phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka toàn bộ kinh phí mà Hiệp hội đã chi cho ứng viên từ khi tham gia chương trình.
Ngoài các khoản chi phí nêu trên, ứng viên khi tham gia chương trình này không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí nào khác.
Trung tâm Lao động ngoài nước cũng khuyến cáo, để phòng ngừa các hiện tượng cò mồi, môi giới nhằm mục đích trục lợi thu phí và lừa gạt ứng viên, người lao động tuyệt đối không thông qua bất cứ một tổ chức cá nhân nào để hướng dẫn và hỗ trợ thủ tục nộp hồ sơ.
Hiện nay, Nhật Bản là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đã và đang đưa người lao động đến làm việc. Trong 9 tháng năm 2020, Việt Nam đã đưa được 22.195 người đi làm việc tại thị trường này, giảm 48,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản cũng là một trong hai thị trường (cùng với Đài Loan) luôn tiếp nhận với quy mô từ 1.000 lao động trở lên. Hai thị trường này cũng có quy mô cung ứng lao động và thực tập sinh chiếm 96% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của cả nước và chiếm 96,88% cung ứng lao động trong khu vực Đông Bắc Á.