14:37 17/03/2021

Đi ngược xu hướng, vì sao một số ngân hàng tăng lãi suất huy động?

Đào Vũ

Việc tăng lãi suất tiền gửi thời gian qua chỉ mang tính chất cục bộ và mặt bằng lãi suất tiền gửi được dự báo vẫn giữ ở mức thấp trong quý 2/2021

Trong tháng 3 này, các ngân hàng liên tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Đáng chú ý, trong khi đại đa số giữ xu hướng giảm thì cũng có ngân hàng lại đi ngược chiều tăng mạnh.

Ở chiều giảm, KienlongBank vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức giảm lên tới 0,3 điểm phần trăm so với tháng liền trước.

Cụ thể, khách hàng gửi kỳ hạn 3-5 tháng giảm còn 3,7%/năm; kỳ hạn 6-7 tháng còn 5,9%/năm; các kỳ hạn từ 10-11 tháng còn 6,1%/năm.

Không chỉ giảm ở kỳ hạn ngắn, ngân hàng này cũng điều chỉnh hạ lãi suất tiết kiệm dài. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 60 tháng từ mức 7,1%/năm giảm còn 6,9%/năm.

Hay như tại MBBank, trong biểu lãi suất mới nhất ngân hàng này điều chỉnh giảm tại tất cả kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước.

Ngân hàng OCB cũng áp dụng biểu lãi suất mới, giảm khá sâu. Trong đó, kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6%/năm, kỳ hạn 15 tháng còn 6,1%/năm… Nhìn chung, mức lãi suất mới giảm 0,3 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trước đó.

Xu hướng giảm lãi suất huy động còn xuất hiện tại một số ngân hàng khác như SeABank, PGBank, DongABank. VietABank… với mức giảm từ 0,05-0,3 điểm phần trăm.

Ở chiều tăng, như VnEconomy đã đưa, ACB và VPBank là điển hình cho nhóm ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Mới đây, Saconbank cũng tăng lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1, 2 và 5 tháng đều nhích lên từ 0,1-0,2 điểm phần trăm, lần lượt ở mức 3,1%/năm; 3,3%/năm và 3,4%/năm.

Đặc biệt, riêng tại Techcombank, đầu tháng 3/2021, ngân hàng này là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Mức tăng từ 0,1-0,5 điểm phần trăm, tùy từng kỳ hạn, tùy từng đối tượng khách hàng.

Song cũng tại chính Techcombank, từ ngày 15/3 biểu lãi suất mới lại giảm nhẹ 0,1-0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng. Đây cũng là ngân hàng nằm trong nhóm có mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường.

Trước những chuyển động trái chiều của lãi suất huy động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, mục tiêu chung là vẫn yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chi phí đầu vào để tập trung giảm lãi suất cho vay.

“Vì vậy, động thái tăng lãi suất đầu vào của một vài ngân hàng chỉ mang tính chất cục bộ, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành”. Ông Minh đánh giá.

Cùng ý kiến, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp và hệ thống đang rất dồi dào tiền. “Chỉ số ít ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nên tăng lãi suất”, vị này nêu quan điểm.

Như trên có thể nhận thấy rằng, lãi suất huy động vẫn chưa dò xong đáy. Vậy bao giờ mới thấy đáy? Câu trả lời sẽ phụ thuộc khá nhiều về mức tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, theo TS.Cấn Văn Lực, tăng trưởng tín dụng đang bị nghẽn, bởi lẽ doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay vốn, hoặc do dịch bệnh nên còn phải trì hoãn.

“Trên thực tế hiện mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức rất thấp, thậm chí nhiều ngân hàng còn cắt giảm thêm lãi suất. Thế nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng, vì sức cầu yếu do diễn biến dịch bệnh trong vài tháng qua còn phức tạp”, ông Lực nói.

Mặt khác, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng trả lời báo chí cho biết, do diễn biến Covid còn phức tạp nên Ngân hàng Nhà nước xây dựng 3 kịch bản tín dụng. Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà thì tăng trưởng tín dụng 12-13%, tối đa có thể lên 14%.

Còn kịch bản 2 là trường hợp Covid-19 kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine thì tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%. Kịch bản 3 là Covid-19 kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.

Hiện tại, do chưa thể tính toán xong mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đang giao định mức cho các ngân hàng thương mại theo quý. Cũng vì nguyên nhân này nên nhiều ngân hàng vẫn chưa chủ động đẩy mạnh tín dụng.

Được biết, trong tháng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm và tinh thần xoay quanh mức 12-13%.

Dự báo về thời điểm lãi suất huy động dò xong đáy, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, phải đến quý 2 và đầu quý 3/2021 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp cầu tín dụng, lãi suất mới có thể nhích tăng.