13:23 15/07/2021

Dịch bệnh dai dẳng, giảm 15% lượt xe buýt trợ giá đến hết 31/7

Anh Tú

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa gia hạn thời gian điều chỉnh tạm thời phương án vận hành đối với 118 tuyến buýt trợ giá cho đến hết ngày 31/7, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19....

Nhiều tuyến xe tại Bến xe buýt trung chuyển Long Biên phải cắt giảm tần suất hoạt độngdo ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiều tuyến xe tại Bến xe buýt trung chuyển Long Biên phải cắt giảm tần suất hoạt độngdo ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đang có 118 tuyến buýt có trợ giá, bình thường mỗi ngày có 1.831 xe hoạt động trên đường. Theo kế hoạch điều chỉnh trên, số tuyến hoạt động trên vẫn giữ nguyên, Sở chỉ điều chỉnh giảm số lượt xe chạy.

Cụ thể, số xe hoạt động theo kế hoạch là giữ nguyên 1.831 xe; số xe vận hành ngày thường là 1.294 xe, giảm 238 xe, tương ứng giảm 15,5%. Chủ nhật vận hành 1.288 xe, giảm 138 xe, tương ứng giảm 9,7%.

 
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh dịch vụ trên nguyên tắc bảo đảm không làm xáo trộn lớn đến nhu cầu đi lại của hành khách. Dịch vụ các tuyến được rà soát, điều chỉnh dựa trên nhu cầu đi lại và đặc thù hoạt động của từng tuyến.

Như vậy, vào ngày thường, hoạt động 15.102 lượt xe, giảm 2.683 lượt, tương ứng 15,1%. Vào chủ nhật, hoạt động 15.018 lượt xe, giảm 1.620 lượt, tương ứng 9,7%.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho hay: “Đối với các tuyến buýt trục chính, lưu lượng hành khách đi lại cao, xem xét điều chỉnh giảm dịch vụ ở mức hợp lý. Đối với các tuyến buýt có tần suất thấp, từ 20 phút/lượt trở lên và các tuyến buýt có lộ trình độc đạo, xem xét điều chỉnh về mức 30 phút/lượt, giãn tần suất chạy xe giờ thấp điểm hoặc giữ nguyên dịch vụ”.

Trước đó, phương án điều chỉnh này đã được áp dụng trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày 7/6/2021 cho đến hết ngày 30/6/2021.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua sản lượng xe buýt của TP. Hà Nội liên tục có dấu hiệu giảm sút. Nhiều phương tiện kinh doanh vận tải đã phải dừng, giảm số chuyến hoạt động, giảm sức chứa do phải bố trí chỗ ngồi giãn cách theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo thống kê của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị chủ lực đang nắm giữ trên 80% thị phần xe buýt Thủ đô, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 5/2021, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trên các tuyến chỉ đạt bình quân dưới 25% so với tháng 4/2021, trong đó nhiều tuyến chỉ đạt khoảng 16%...

Trước sự điêu đứng của doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông vận tải cũng đã gửi kiến nghị UBND thành phố Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…