Dịch vụ công lộ rõ những khoảng trống
Trong tiến trình thị trường hóa, khi có các vấn đề chất lượng xảy ra, ai là người kiểm soát chất lượng hàng hóa?
Thị trường hóa dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công, người dân được thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp được trao quyền không làm tròn trách nhiệm, người tiêu dùng chịu thiệt hại, chưa có khuôn khổ pháp lý cho tư nhân hóa dịch vụ công...
Tại tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công – Nhìn từ "nước sạch sông Đà" diễn ra ngày 21/10, các chuyên gia cho rằng, trong cung cấp nước sạch hiện nay, chúng ta đã mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia như Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà, Nhà máy nước mặt Sông Đuống...
Vấn đề đặt ra là trong tiến trình thị trường hóa, khi có các vấn đề chất lượng xảy ra, ai là người kiểm soát chất lượng hàng hóa?
Nhiều dấu hỏi về dịch vụ công
Có những luồng ý kiến cho rằng, cần xem xét lại dịch vụ như nước, điện... có nên cho tư nhân tham gia hay không? Mở cửa thị trường cho tư nhân tham gia liệu có hiệu quả không? Định hướng này có đúng không và cần tiếp tục như thế nào?
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thị trường nước cho tư nhân cung cấp là thị trường béo bở bởi cầu về nước không bao giờ hết. Song điều này cũng đặt ra vai trò của bên cung cấp dịch vụ.
Nói tới vụ việc ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến người dân khu vực Tây Nam Hà Nội do Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà cung cấp, theo ông Dũng, khi vụ việc xảy ra, sau một thời gian dài công ty này mới lên tiếng. Có thể thấy, đôi lúc phản ứng của doanh nghiệp và chính quyền về sức khoẻ, sinh mệnh người dân là rất chậm. Vụ việc cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan về khái niệm dịch vụ công, trách nhiệm, đạo đức của người cung cấp dịch vụ công và cả trách nhiệm của người quản lý.
TS.Dũng nhận định, với các dịch vụ công, vai trò của chính quyền rất lớn dù trực tiếp cung cấp hay không. Trong hàng hóa công, Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều chỉnh, còn doanh nghiệp chỉ hướng tới lợi nhuận. Để đảm bảo điều này cần có vai trò của Nhà nước. Nhà nước cần áp dụng chuẩn mực về quy chế dịch vụ công, kiểm tra chất lượng.
Bên cạnh đó, nguyên tắc pháp lý của dịch vụ công là phải đảm bảo nguyên tắc liên tục của dịch vụ. Đảm bảo nguyên tắc quyền tiếp cận bình đẳng của mọi người. Nguyên tắc giá cả cũng phải phù hợp, không thể có "giá trên trời" mà người dân không tiếp cận được.
Ông Dũng nhấn mạnh, hiện nay khái niệm dịch vụ công còn chưa thật được định hình rõ, sáng tỏ. Chúng ta chỉ nói tới quản lý của Nhà nước, bảo đảm trật tự, an ninh quốc phòng.
Dịch vụ công đang là thị trường hết sức màu mỡ. Vì thương quyền – cầu của thị trường không được tính, nên ai làm đều có lợi nhuận rất lớn, kể cả điện, nước. Hiện nay chỉ còn cơ sở hạ tầng để bán điện là của Nhà nước. Người sản xuất và người sở hữu cơ sở hạ tầng đôi khi liên quan tới nhau, là sân sau của nhau.
"Nói tôi không độc quyền nhưng độc quyền về cái bán và độc quyền về người mua, nên bài toán chống độc quyền bị treo lơ lửng", ông Dũng nhận định. Động lực thao túng thị trường dịch vụ công là rất lớn, cạnh tranh cũng rất lớn. Như vậy, điều chỉnh cạnh tranh này thế nào? Việc xác lập các nguyên tắc của dịch vụ công và áp đặt việc tuân thủ là vô cùng quan trọng để quản trị dịch vụ công.
Cần khuôn khổ pháp lý nào?
Liệu có cơ chế nào bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ công? Trả lời câu hỏi này, LS. Nguyễn Tiến Lập phân tích, chúng ta có Luật hợp đồng, Luật dân sự. Nếu dùng nước ô nhiễm, giở hợp đồng mua nước ra xem có điều khoản nào bảo vệ người dùng trong tình huống này không? Song, hợp đồng mẫu dùng chung cho cả trăm nghìn hộ dân sử dụng nước, người mua không có quyền đàm phán.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng không cần có trong hợp đồng mà sản phẩm gây hại thì có thể kiện. Nhưng ai đứng ra kiện, cơ quan chính quyền có ủng hộ không?
Chúng ta có luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân – quy trách nhiệm cho Nhà nước và ban hành năm 1999. Trong đó, liên quan tới chuyện nước, có điều số 8 nói "đã cung cấp nước cần cung cấp nước hợp vệ sinh... nếu không bị xử lý theo quy định của pháp luật". Đó là những quy định mang tính hiến pháp.
Về các cơ sở hạ tầng như làm đường, sân bay... chúng ta có khung khổ pháp lý về Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Tức là đáng lẽ Nhà nước phải làm nhưng Nhà nước hợp tác với tư nhân để cùng làm, nhưng trách nhiệm Nhà nước không bao giờ mất. Còn cung cấp điện, nước là dịch vụ công. Người dân không có khả năng lựa chọn, không thể ở Thanh Xuân mà mua nước Nhà máy nước Ngọc Hà.
Chính quyền muốn tư nhân hóa thì phải có luật cho phép địa phương làm chuyện này. "Nhưng luật chính quyền địa phương không nói về chuyện này, Luật Thủ đô cũng không nói về chuyện này", ông Lập nhận định.
Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến cho rằng, cần lấp khoảng trống về mặt pháp lý này. Theo ông Dũng, quan trọng cần có pháp lý về dịch vụ công. Chúng ta hiện có rải rác ở nơi này nơi kia, nhưng dịch vụ công có nguyên tắc nên cần có một đạo luật về dịch vụ công.
Hình thành cơ quan quyền lực công, có thẩm quyền áp đặt các chuẩn mực về dịch vụ như cơ quan an toàn thực phẩm của Mỹ. Ông Lập đồng tình, cần có đạo luật cung cấp dịch vụ công, nhằm mục đích bảo vệ người dân. Trong PPP là bảo vệ nhà đầu tư. Còn trong dịch vụ công như nước là bảo vệ lợi ích người dân.
"Một nhà máy nước cung cấp nước cho vài triệu dân, nếu không có luật giám sát, không có hành lang pháp lý về dịch vụ công thì quả thật đây là rủi ro khổng lồ với sự an toàn về sức khỏe của người dân", ông Lập khẳng định.