16:58 03/08/2023

Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang?

Minh Nguyệt

Ngành công nghiệp thời trang đang đứng áp lực từ người tiêu dùng và các cơ quan quản lý nhằm giảm bớt tác động môi trường. Ở một mức độ nào đó, xu hướng thắt chặt chi tiêu hiện tại cũng khiến người dùng hạn chế mua sắm mới mà thay vào đó là sửa chữa và tái chế…

H&M đã triển khai trạm sửa chữa quần áo tại các cửa hàng ở bảy thành phố, bao gồm Paris và Stockholm.
H&M đã triển khai trạm sửa chữa quần áo tại các cửa hàng ở bảy thành phố, bao gồm Paris và Stockholm.

Trong tình hình hiện tại, có đến 90% lượng quần áo bị vứt đi khi chúng vẫn còn có thể được sử dụng tiếp. Trong đó, chưa đến 1% lượng quần áo cũ được tái chế thành những bộ trang phục mới và 73% lượng áo quần bị đem đi đốt hoặc đưa vào các bãi chôn lấp. Sa mạc Atacama, Chile, nơi đang chứa hàng tấn quần áo thừa từ châu Âu, Mỹ và châu Á, là minh chứng rõ nhất của việc tiêu thụ quá mức và thói quen lãng phí trang phục.

Sửa chữa quần áo được xem là hành động thiết yếu để xây dựng ngành công nghiệp thời trang bền vững trong tương lai. Khi các thương hiệu bắt đầu giới thiệu dịch vụ này, bạn có thể tìm thấy các địa điểm sửa chữa và tân trang quần áo, nơi mang đến sức sống mới cho những bộ trang phục, giúp kéo dài tuổi thọ của chúng. Theo The Wall Street Journal, trong khi một số thương hiệu thời trang xa xỉ từ lâu đã cung cấp dịch vụ sửa chữa các sản phẩm đắt tiền thì việc triển khai dịch vụ này ở quy mô lớn lại là xu hướng mới đối với các nhà bán lẻ thời trang phổ thông.

Trong năm nay, thương hiệu thời trang nhanh Zara sẽ triển khai dịch vụ sửa chữa trên toàn quốc tại một số thị trường lớn nhất của thương hiệu này. Ông Óscar García Maceiras, CEO của Inditex, chủ sở hữu Zara, cho biết dịch vụ sửa chữa quần áo cũ và các sáng kiến bền vững khác là một “nỗ lực để chuyển đổi công ty chúng tôi nói riêng và ngành thời trang nói chung”. Nhà bán lẻ này đang triển khai dịch vụ “Zara pre-owned”, cho phép khách hàng sửa chữa, bán hoặc tặng quần áo đã qua sử dụng tại các cửa hàng và nền tảng trực tuyến của Zara tại Pháp, Đức và Tây Ban Nha trong năm nay.

Dịch vụ “Zara pre-owned”, cho phép khách hàng sửa chữa, bán lại hoặc quyên tặng quần áo đã qua sử dụng.
Dịch vụ “Zara pre-owned”, cho phép khách hàng sửa chữa, bán lại hoặc quyên tặng quần áo đã qua sử dụng.

Dịch vụ này sẽ ra mắt tại tất cả các thị trường lớn vào năm 2025, trong khi đã bắt đầu triển khai thử nghiệm ở Anh từ cuối năm ngoái. Theo đó, Zara nhận quần áo để sửa chữa nhưng sử dụng mạng lưới các thợ sửa chữa bên thứ ba để thực hiện công việc. Về phí dịch vụ, giá sửa một lỗ thủng khoảng 10 bảng Anh (13 USD). Công ty cho biết, dịch vụ sửa chữa là chìa khóa cho những nỗ lực bền vững, giúp khách hàng kéo dài tuổi thọ của quần áo và giảm lãng phí.

Với H&M, công ty này cho rằng, việc kéo dài tuổi thọ của quần áo thông qua sửa chữa và các biện pháp khác “là rất quan trọng để giảm tác động đến môi trường”. H&M đã triển khai trạm sửa chữa tại các cửa hàng ở bảy thành phố, bao gồm Paris và Stockholm. Nhà bán lẻ này cũng cung cấp các hướng dẫn sửa chữa trực tuyến và bán các sản phẩm bao gồm các miếng vá có thiết kế đẹp để khuyến khích khách hàng tự sửa chữa quần áo tại nhà. Tương tự, thương hiệu Uniqlo đã mở 21 xưởng sửa chữa “Re.Uniqlo Studio” trên khắp thế giới. Năm trong số cửa hàng này ở Mỹ, nơi khách hàng có thể trả 5 đô la cho một sửa chữa đơn giản.

Một thương hiệu cao cấp khác của H&M, Cos, thì cung cấp dịch vụ sửa chữa trên toàn nước Anh từ tháng 5 năm nay. Dịch vụ được triển khai thông qua sự hợp tác của The Seam, một nền tảng kỹ thuật số hoạt động như Uber để kết nối các cá nhân hoặc doanh nghiệp với đội ngũ thợ sửa chữa độc lập. Layla Sargent, người sáng lập The Seam vào năm 2019, cho biết nhu cầu hiện đang tăng 20% so với năm ngoái khi xu hướng sửa chữa quần áo cũ đang trên đà phát triển. Các mặt hàng được sửa chữa qua nền tảng này thường có giá bán từ 80 bảng Anh trở lên.

Nền tảng The Seam chuyên kết nối các cá nhân hoặc doanh nghiệp với đội ngũ thợ sửa chữa độc lập. 
Nền tảng The Seam chuyên kết nối các cá nhân hoặc doanh nghiệp với đội ngũ thợ sửa chữa độc lập. 

Đối với các thương hiệu sang trọng như Hermès hay Louis Vuitton, sửa chữa được xem là dịch vụ thiết yếu. Chi phí sửa một chiếc túi xách hoặc áo khoác của các thương hiệu này có khả năng khiến khách hàng tiêu tốn hàng nghìn USD. Hermès sở hữu một đội ngũ gồm 78 chuyên gia chỉnh sửa sản phẩm tại 14 xưởng sửa chữa khắp châu Âu, châu Á và Hoa Kỳ, cung cấp 700 dịch vụ khác nhau. Năm ngoái, họ đã nhận được gần 100.000 yêu cầu chỉnh sửa túi xách, va-li, phụ kiện, và sự gia tăng về nhu cầu sửa chữa sản phẩm đã khiến Hermès phải mở thêm một xưởng bổ sung.

Tại Bottega Veneta, một số mẫu túi xách hiện có thể được mang đến để làm mới và sửa chữa miễn phí trọn đời. Được gọi là “Certificate of Craft”, chương trình này còn tiến xa hơn khi cho khách hàng mượn túi xách trong trường hợp việc sửa chữa sẽ mất một khoảng thời gian để hoàn thành. Tương tự, chương trình "Chanel et Moi" cung cấp gói bảo hành 5 năm cho túi xách và một số đồ da, đồng thời cũng nhằm mục đích “tăng thêm tính gắn kết trong mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu” bằng cách tập trung vào “phục hồi và sửa chữa”. 

Sở hữu đội ngũ nghệ nhân may đo 22 người, xưởng sửa chữa của Paul Stuart chiếm nguyên một tầng lầu tại cửa hiệu chính ở Đại lộ Madison. Giám đốc điều hành Paulette Garafalo cho biết không có gì lạ khi các quý ông đến xưởng để yêu cầu chỉnh sửa trang phục cho những sự kiện lớn. Nếu không thể giải quyết vấn đề – chẳng hạn như yêu cầu xử lý vết bẩn cho chiếc áo khoác len cashmere của Scotland hoặc thắt lưng da lộn của Ý – các nghệ nhân sẽ gửi nó trở lại xưởng sửa chữa để phục hồi.

Ông Garafalo cho biết: “Mối quan tâm ngày càng gia tăng của người tiêu dùng xa xỉ đối với vấn đề chỉnh sửa sản phẩm nhằm mục đích sử dụng dài hạn đang chứng tỏ rằng thái độ của họ đang thay đổi. Thực tế, việc chỉnh sửa đã là một vũ khí bí mật của những khách hàng thông thái trong nhiều thập kỷ”.

Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 1
Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 2
 
Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 3
Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 4
 
Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 5
Dịch vụ sửa chữa trang phục: Bước đi “xanh hóa” của ngành thời trang? - Ảnh 6
 

Theo SCMP, mỗi người có một kỳ vọng khác nhau về tuổi thọ của các mặt hàng thời trang. Vào những năm 1990, người tiêu dùng có những áp lực nhất định khiến họ phải chạy theo xu hướng và mua các loại xa xỉ phẩm mới nhất. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dùng bắt đầu tập trung hơn vào tính bền vững. Ở một mức độ nào đó, nhu cầu thắt chặt chi tiêu cũng khiến người dùng hạn chế mua sắm các loại sản phẩm thời thượng hơn.

Đặc biệt, hồi tháng 6 năm nay, Nghị viện châu Âu thông qua chiến lược mới, kêu gọi các công ty thời trang hoạt động ở châu Âu áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Các nhà lập pháp đang soạn thảo hơn 10 luật mới, yêu cầu các thương hiệu làm cho quy trình sản xuất trở nên xanh hơn và có trách nhiệm cao hơn đối với rác thải liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý toàn cầu khác và các tổ chức đa quốc gia gồm Liên hợp quốc cũng đang thúc đẩy ngành thời trang chuyển đổi xanh, giảm khí thải carbon…