Điện gió ngoài khơi Việt Nam: Tiềm năng lớn nhưng vẫn chưa thể bứt phá
Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 600.000 MW, và nguồn năng lượng này có thể cung cấp tới 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035. ...
Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề “Những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công trình ngoài khơi tại Việt Nam - VSOE" năm 2024 do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) cùng phối hợp tổ chức ngày 13/12 đã nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các chuyên gia tại hội thảo đều có cùng một nhận định về những lợi thế đối với phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Về mặt lợi thế phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, Việt Nam hiện đang sở hữu một nguồn tài nguyên phong phú và đầy tiềm năng để khai thác nguồn năng lượng sạch này. Tuy nhiên, để tối ưu hóa tiềm năng này, vẫn cần có những chiến lược và định hướng rõ ràng, cụ thể trong việc triển khai các nguồn năng lượng ngoài khơi này.
TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ LÀ RẤT LỚN
Việt Nam hiện đang sở hữu một lợi thế rất lớn để khai thác năng lượng ngoài khơi, trong đó có năng lượng gió với bờ biển dài và điều kiện tự nhiên thuận lợi với khoảng hơn 3.000 km bờ biển, trải dài từ Bắc vào Nam. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam ước tính khoảng 600.000 MW và nguồn năng lượng này có thể cung cấp tới 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035.
Theo Quy hoạch điện 8 (được phê duyệt vào tháng 5/2023), Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt công suất điện gió ngoài khơi khoảng 6.000 MW vào năm 2030, nhằm đáp ứng nhu cầu điện trong nước. Quy mô này có thể được điều chỉnh tăng lên nếu công nghệ phát triển mạnh mẽ, giá điện hợp lý và chi phí truyền tải được tối ưu hóa. Định hướng đến năm 2050, công suất điện gió ngoài khơi có thể đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW, đóng góp đáng kể vào nguồn năng lượng tái tạo của quốc gia.
Việc phát triển nguồn điện gió ngoài khơi không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn tạo ra cơ hội việc làm lớn cho người lao động tại Việt Nam. Theo TS. Huỳnh Đạt Vũ Khoa, Cố vấn cấp cao về Địa kỹ thuật tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), nếu Việt Nam có thể khai thác 1.000 MW điện gió ngoài khơi, sẽ tạo ra khoảng 9.000 việc làm toàn thời gian. Tuy nhiên, nếu đạt được mục tiêu khai thác 6.000 MW, số lượng việc làm toàn thời gian sẽ lên tới 55.000.
“Khi tận dụng hiệu quả tiềm năng này, Việt Nam sẽ thu được những lợi ích to lớn, không chỉ cho nền kinh tế mà còn cho sự phát triển xã hội”, ông Khoa nhấn mạnh.
"Việt Nam có thể vận dụng những kinh nghiệm như thế này từ các quốc gia trên thế giới để đạt được thành công trong việc khai thác nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi.
Kết nối quốc tế là yếu tố rất quan trọng, vì như câu nói "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau". Chính vì vậy, sự hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và mang lại hiệu quả lâu dài”.
Không những thế, chuyên gia còn cho rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu điện sạch sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của mình về khai thác nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi để cung cấp năng lượng điện gió cho các thị trường như Singapore thông qua hệ thống cáp ngầm dưới biển. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực mà còn biến đất nước trở thành trung tâm năng lượng tái tạo chiến lược, phục vụ cả nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.
Phân tích sâu hơn về tiềm năng khai thác nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi của Việt Nam, ông Denzel Eades, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quốc tế Pioneer (Singapore), nhấn mạnh một lợi thế lớn khác của Việt Nam là ngành công nghiệp dầu khí đã phát triển mạnh mẽ, mang đến nguồn chuyên môn dồi dào trong việc triển khai các dự án ngoài khơi.
Thêm vào đó, Việt Nam có thể vươn lên trở thành một quốc gia dẫn đầu khu vực trong việc xuất khẩu thiết bị hoặc đào tạo các chuyên gia cho các dự án điện gió ngoài khơi. Những chuyên gia này từ Việt Nam không chỉ có thể tham gia vào các dự án trong khu vực Đông Nam Á mà còn có thể mở rộng ra toàn cầu.
“Đây chính là một cơ hội kép: vừa thúc đẩy phát triển năng lượng, vừa xây dựng chuỗi cung ứng về điện gió mạnh mẽ, từ đó giúp Việt Nam có thể trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong thị trường năng lượng gió ngoài khơi”, ông Denzel Eades nhận định.
KHẢ NĂNG TẬN DỤNG LỢI THẾ ĐỂ KHAI THÁC CÒN CHẬM
Mặc dù tiềm năng có sẵn là rất lớn, nhưng so với các nước khác trên thế giới, Việt Nam hiện vẫn đang khá chậm trong việc tìm ra tiếng nói chung giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và chính phủ, từ đó phát triển một mô hình tối ưu và hiệu quả nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi này. Điều này đã tạo ra một khoảng cách trong việc định hướng chiến lược phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng Việt Nam vẫn chưa thực hiện tốt trong việc kết nối với năng lực quốc tế trong hoạt động khai thác nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi của mình như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.
Chẳng hạn, tại Châu Âu, những quốc gia lớn như: Hà Lan, Đan Mạch, và Đức có tiềm năng mạnh mẽ trong phát triển điện gió, nhưng họ không làm một mình. Thay vào đó, họ đã xây dựng những liên minh chiến lược, và từ đó hình thành các chiến lược phát triển chung. Một ví dụ điển hình là Liên minh Biển Bắc, được thành lập vào năm 2022 bởi bốn quốc gia Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch và Đức.
Liên minh này có tham vọng rất rõ ràng là biến khu vực Biển Bắc có thể khai thác công suất điện gió lên đến 150 GW, đủ cung cấp điện cho 150 triệu hộ gia đình vào năm 2050. Nhờ sự liên kết này, các quốc gia trong liên minh không chỉ gia tăng tính kết nối mà còn thúc đẩy ngành điện gió phát triển mạnh mẽ và bền vững. Đây là điều mà Việt Nam vẫn chưa thực hiện tốt, vì vậy việc phát triển và mở rộng hợp tác quốc tế là rất cần thiết.
Qua đó, ông Khoa đề xuất Việt Nam có thể vận dụng những kinh nghiệm như thế này từ các quốc gia trên thế giới để đạt được thành công trong việc khai thác nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi. “Kết nối quốc tế là yếu tố rất quan trọng, vì như câu nói ‘Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau’. Chính vì vậy, sự hợp tác quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và mang lại hiệu quả lâu dài”, ông Khoa chia sẻ thêm.
Ngoài ra, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định trong việc kết nối giữa đào tạo tại các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp, tập đoàn trong ngành, nhưng tốc độ cải thiện vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Sự kết nối này rất quan trọng, bởi lý thuyết học thuật không thể tự mình đảm bảo rằng kiến thức sẽ phù hợp với nhu cầu thực tế.
Các chuyên gia cho rằng chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, các nghiên cứu trong môi trường học thuật mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ứng dụng vào thực tiễn và tạo ra hiệu quả rõ rệt.
CẦN THIẾT LẬP CƠ CHẾ VÀ KHUNG PHÁP LÝ HOÀN CHỈNH
Để phát triển đẩy mạnh hoạt động khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi, ông Denzel Eades gợi ý Việt Nam cần xây dựng một nền tảng phát triển bền vững cho ngành năng lượng gió ngoài khơi, đồng thời thiết lập khung pháp lý hỗ trợ cả đầu tư trong nước và quốc tế. Theo ông, các dự án điện gió ngoài khơi đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, do đó, việc thu hút vốn từ các thị trường tài chính quốc tế là rất quan trọng.
“Mặc dù có thể huy động vốn từ các thị trường trong nước, nhưng đối với các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi, nguồn vốn quốc tế mới là yếu tố then chốt”, ông Denzel Eades cho hay.
Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các quy định bổ sung để làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thu hút đầu tư. Khi các quy định này được ban hành, trọng tâm sẽ là làm sao để thu hút nguồn vốn quốc tế vào lĩnh vực này. Các vấn đề như cơ chế chia sẻ rủi ro, các ưu đãi tài chính và quy trình phê duyệt nhanh chóng sẽ cần phải được xem xét kỹ lưỡng để thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
“Với sự hợp tác quốc tế, hoàn thiện khung pháp lý và khai thác các lợi thế sẵn có, Việt Nam có thể khẳng định vị thế là một quốc gia dẫn đầu trong phát triển năng lượng gió ngoài khơi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững”, ông Denzel Eades nói.
"Mặc dù có thể huy động vốn từ các thị trường trong nước, nhưng đối với các dự án năng lượng điện gió ngoài khơi, nguồn vốn quốc tế mới là yếu tố then chốt".
Ông Denzel Eades.
Nhìn chung, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm năng lượng gió và năng lượng mặt trời, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn gặp phải một số thách thức trong việc xây dựng cơ chế chính sách minh bạch và hiệu quả để thu hút đầu tư.
Chính vì vậy, bà Chee Ming Chan, Giáo sư tại Đại học Tun Hussein Onn (Malaysia), cho rằng chính phủ cần có những quy định rõ ràng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chia sẻ rủi ro, và những khuyến khích tài chính để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp tạo ra nguồn vốn cần thiết mà còn giúp ngành công nghiệp Việt Nam cạnh tranh được trong khu vực và toàn cầu.
Ngoài ra, ông Khoa cũng đề xuất bốn yếu tố mà Việt Nam cần chú trọng để phát triển nguồn năng lượng ngoài khơi nói chung và năng lượng điện gió ngoài khơi nói riêng.
Thứ nhất, cần có chính sách rõ ràng và biện pháp hỗ trợ để thu hút nhà đầu tư và khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đầu tư khai thác nguồn năng lượng ngoài khơi
Thứ hai, xây dựng quy hoạch không gian biển hợp lý là cần thiết để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tránh xung đột lợi ích giữa các ngành như thủy sản, quốc phòng và giao thông hàng hải.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Việt Nam cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật có khả năng ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng ngoài khơi.
Cuối cùng, việc phát triển chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng tự chủ trong lĩnh vực này, tương tự như Đài Loan trong ngành điện gió ngoài khơi. Với lợi thế từ ngành dầu khí, Việt Nam có thể trở thành quốc gia dẫn đầu trong phát triển năng lượng ngoài khơi.