09:45 15/04/2009

Điệp khúc buồn ở cửa khẩu Lạng Sơn

Thành Tâm

Buôn lậu, gian lận thương mại và những bất cập trong điều tiết thị trường xuất nhập khẩu vẫn là điệp khúc buồn ở cửa khẩu

Dưa hấu vào mùa thu hoạch và một lượng lớn được đưa lên Lạng Sơn chờ xuất khẩu
Dưa hấu vào mùa thu hoạch và một lượng lớn được đưa lên Lạng Sơn chờ xuất khẩu
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, quý 1/2009, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu Lạng Sơn giảm 29%, số thu cũng giảm tới gần 40% so với cùng kỳ năm 2008, chỉ đạt 16% kế hoạch năm.

Song, buôn lậu, gian lận thương mại và những bất cập trong điều tiết thị trường xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục là những vấn đề nóng.

Xóa hang Dơi, có hang Chui

Có mặt tại cửa khẩu Hữu Nghị trong tuần qua, ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là sự ảm đạm của các bãi chứa xe chở hàng với lượng xe khách, xe con đông hơn hẳn các xe chở hàng xuất nhập.

Chi cục trưởng Hải quan Hữu Nghị Vũ Tuấn Bình cho biết: trong quý 1/2009 kim ngạch xuất nhập khẩu và số thu qua Hữu Nghị giảm tới gần 2/3 so với cùng kỳ này năm 2008. Giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay chỉ đạt 69,78 triệu USD, số thu đạt gần 110 tỷ đồng (chỉ đạt 13,3% kế hoạch năm). Đặc biệt, các mặt hàng chủ lực có kim ngạch nhập khẩu cao như ô tô, linh kiện xe ô tô gần như hoàn toàn vắng bóng dẫn đến kim ngạch giảm mạnh.

Trái ngược với Hữu Nghị, tại cửa khẩu tiểu ngạch Cốc Nam, từ đầu năm 2009 đến nay hàng hóa xuất nhập  khẩu và số thuế thu được đều cao hơn năm ngoái: tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng hơn 4,5 triệu USD, số thuế thu đạt 10,6 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là một cửa khẩu tiểu ngạch hoạt động giao thương nhỏ lẻ, chủ yếu là buôn bán xách tay.

Tuy nhiên giao thương giảm sút chưa hẳn buôn lậu và gian lận thương mại đã giảm sút theo. Trên thực tế, buôn lậu vẫn là vấn nạn nhức nhối ở tỉnh biên giới này.

Báo cáo của ngành hải quan cũng thừa nhận một thực tế: “Hàng nhập lậu qua biên giới, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp”.

Tại cửa khẩu Cốc Nam, một điểm nóng về buôn lậu có vụ án “Hang Dơi” nổi tiếng từng bị triệt phá, ngay tại trụ sở Trạm kiểm tra liên ngành, vẫn có thể thấy bóng “cửu vạn” gùi hàng lậu lấp loáng ở sườn núi bên cạnh. Chi cục phó Hải quan Cốc Nam nói: “Buôn lậu nói giảm thì có thể, nhưng bảo là chấm dứt hẳn thì thật khó!”.

Dân địa phương ruộng vườn thì ít, nghề nghiệp chẳng có, đôi khi họ buộc phải đi làm “cửu vạn” mang vác thuê hàng lậu cho các chủ đầu nậu cũng là kế sinh nhai. Hang Dơi  đã vắng bóng hoàn toàn buôn lậu, nhưng gần đây lại “phình” ra các điểm tập kết vận chuyển hàng lậu mới như bãi Tranh, Hang Chui... chẳng hề thua kém hang Dơi.

Dưa hấu tái diễn... chờ

Cho đến ngày 9/4 tại cửa khẩu Tân Thanh, tình trạng ùn tắc các xe  nông sản xuất khẩu đã bắt đầu được giải quyết. Hơn một nửa lượng xe ách tại đây từ cuối tháng 3/2009 đã được giải phóng nhưng vẫn còn cả trăm xe khác nối đuôi nhau dài hàng km đang chờ để được xuất hàng.

Tân Thanh là cửa khẩu xuất nhập khẩu nông sản chính, có tới 90% hàng hóa qua đây là nông sản của Việt Nam và Trung Quốc. Từ những ngày cuối tháng 3/2009 lượng hàng hóa xuất khẩu  tại Tân Thanh tăng đột biến, chủ yếu là dưa hấu tươi đã gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Lúc cao điểm  có tới hơn 300 xe tồn đọng.

Nguyên nhân chủ yếu là do  một số tỉnh miền Trung đang vào mùa thu hoạch dưa hấu, các doanh nghiệp vận chuyển một lượng lớn dưa hấu để xuất sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc cho biết: lượng hoa quả Việt Nam xuất sang quá nhiều, nhưng mức tiêu thụ lại chậm. Không chỉ dưa hấu, một số loại hoa quả như chuối, mít, thanh long... cũng rất dễ bị hỏng nếu bị “ngâm” lâu trong điều kiện nóng bức, vì thế các doanh nghiệp tranh nhau kiến nghị xin được “xé rào” đi trước.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất  là các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu những thông tin, dự báo chuẩn xác về thị trường Trung Quốc. Theo Chi cục phó Hải quan Tân Thanh, tình trạng ùn tắc nông sản không phải là vấn đề mới, năm 2002 cũng đã diễn ra tình cảnh hàng trăm xe dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam tắc tại đây, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người trồng.

Thực tế cho thấy những thông tin dự báo thị trường tin cậy là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Chừng nào còn thiếu và yếu về thông tin thì tình trạng hàng nông sản Việt Nam rơi vào tình huống "cho không ai lấy" tại các cửa khẩu, khiến cho cả nông dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải nông sản phải lao đao còn tái diễn...

Nhưng, ai sẽ là người trực tiếp thu thập các thông tin này, đưa ra các dự báo để điều tiết hài hòa thị trường xuất nhập tại cửa khẩu giúp doanh nghiệp trong các thời điểm “nóng, lạnh” bất thường đó?