05:00 02/07/2012

“Diệp Sudico”: Từ người hùng chứng khoán…

Anh Minh

Những tung hê trong quá khứ có là giấy bảo hành cho hành trình tương lai của một doanh nhân có tiếng trên thị trường chứng khoán

Ông Phan Ngọc Diệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico.
Ông Phan Ngọc Diệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico.
Những tung hê trong quá khứ có là giấy bảo hành cho hành trình tương lai của một trong những doanh nhân có tiếng trên thị trường chứng khoán Việt Nam
 
Xuất hiện khá lặng lẽ trong Đại hội đồng cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) ngày 30/6, ông Phan Ngọc Diệp, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico, vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.
 
Với tư cách cổ đông, ông tay trong tay cùng vợ, bà Lê Minh Tú, đã dự đại hội, tham gia biểu quyết các nội dung và trong giờ giải lao, cũng cà phê bánh ngọt và nói cười rôm rả với nhiều cổ đông khác.
 
Duyên nghiệp chứng khoán
 
Những năm 2007- 2009, danh tiếng của “Diệp Sudico” nổi như cồn. Còn nhớ, tại một hội thảo được tổ chức ngay tại Trung tâm hội nghị quốc gia vào năm 2009, trong phần giao lưu, ông Diệp đã gây ấn tượng với một câu trả lời khiến giới truyền thông nhớ mãi.
 
Khi câu hỏi “Tầm nhìn và tham vọng của ông và công ty trong thời gian tới là gì” được đưa ra cho ba vị lãnh đạo doanh nghiệp, thì hai vị trả lời rất khiêm tốn, đại khái phấn đấu trở thành dẫn đầu trong lĩnh vực của mình tại Việt Nam. Đến phiên mình, ông Diệp nói ông muốn chèo lái con thuyền Sudico trở thành công ty niêm yết hàng đầu của khu vực!
 
Một tràng pháo tay cho câu trả lời đầy tự tin. Trong cơn hồ hởi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời điểm đó, câu nói của người đứng sau những bước tiến ngoạn mục của cổ phiếu SJS có một sức thuyết phục rất lớn.
 
SJS đã có “màn trình diễn” xuất sắc trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, có lúc đạt trên 400 ngàn đồng/cổ phiếu, tức hơn 40 lần mệnh giá. Vốn hóa thị trường đã có lúc đạt gần 1 tỷ USD, một con số không tưởng đối với một công ty ra đời chưa đầy 10 năm và vẫn còn do nhà nước giữ cổ phần chi phối.
 
Những lợi thế từ quỹ đất đai hoành tráng do Tập đoàn Sông Đà chuyển giao, từ sự đi lên của thị trường bất động sản và tất nhiên là cả của những người chèo lái, trong đó có ông Diệp, là những yếu tố đã tạo ra thành công. Cá nhân ông Diệp từng được giới đầu tư rất “ngưỡng mộ” với tư cách là một người chèo lái con thuyền Sudico và hoạt động hay phát ngôn của ông đều được nhiều người chú ý một cách đặc biệt. Không ít người từng khoe mối quan hệ với ông Diệp, và rất nhiều danh hiệu và giải thưởng cũng đã tìm đến.
 
Thành công của ông Diệp có lẽ đã khiến nhiều người tại Tập đoàn Sông Đà ngạc nhiên. Người đàn ông sinh trưởng tại Hà Nội nhưng có trong mình khí chất của người dân xứ Quảng đã từng thành công trong lĩnh vực… kỹ thuật với chuyên ngành thủy lợi, trước khi chính thức nhảy sang làm bất động sản vào năm 2001.

Tháng 9/2001, cái tên Công ty Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp đô thị Sông Đà với 9 thành viên do ông Phan Ngọc Diệp làm giám đốc đã chính thức ra đời. Từ bàn đạp là dự án khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, Sudico đã từng bước mở rộng địa bàn đầu tư, để trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản “nội” lớn nhất tại Việt Nam.
 
Và ra đi…
 
Với những thành công với Sudico, ít ai ngờ rằng vào tháng 4/2012, ông Phan Ngọc Diệp đã chính thức mất ghế chủ tịch công ty. Những tranh chấp với chính Tập đoàn Sông Đà được xem là nguyên nhân chính dẫn tới điều này, và sự ra đi đã được “định đoạt” bằng đại hội đồng cổ đông bất thường của Sudico vào ngày 16/4/2012 vừa qua.
 
Đã có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự ra đi này, rằng có lẽ ông Diệp đã có “tham vọng khác” ở chính Tập đoàn Sông Đà, hoặc đơn giản chỉ là mâu thuẫn về lợi ích. Không có thông tin xác nhận chính thức nào nên rốt cuộc, đồn đoán vẫn chỉ là đồn đoán.
 
Từ sau đại hội cổ đông bất thường hồi tháng 4 qua, ông Diệp được Tập đoàn Sông Đà triệu tập về làm… Phó giám đốc Ban tổ chức nhân sự của tập đoàn. Đầy khẳng khái, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói mình “chưa được đào tạo về chuyên môn tổ chức”, thay cho một sự phản đối.
 
Nhiều người tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sudico ngày 16/4 cũng như Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 30/6 vừa qua chờ đợi một vài ý kiến phát biểu của ông Diệp, nhưng ông vẫn im lặng. Với giới truyền thông, ông cũng khá kín tiếng. Trong một lần liên hệ phỏng vấn gần đây, ông nói “anh đang đi nghỉ mát, không màng chuyện thế sự nữa”.
 
“Cuộc chơi” ở Sudico giờ không còn trong tay ông Diệp nữa, nhưng những diễn biến của Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 30/6 vừa qua cho thấy, chuyện của ông Diệp ở Sudico vẫn chưa hết.
 
Cụ thể, với bản báo cáo của Ban kiểm soát được công bố tại đại hội, hàng loạt “nghi vấn” liên quan đến giai đoạn ông Diệp làm quản lý đã được công bố. Những khoản đầu tư lên tới khoảng 1.700 tỷ đồng vào các dự án không hiệu quả đang được coi là nguyên nhân gây ra gánh nặng tài chính cho Sudico hiện nay và điều này được xác định là có trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ, trong đó có ông Diệp, người đã xuống tay ký các quyết định đầu tư.
 
Các thương vụ đầu tư vào Khu đô thị Phố Nối (Hưng Yên) và Khu đô thị Hòa Hải (Đà Nẵng) đều có những tình tiết đáng ngờ, theo báo cáo của Ban kiểm soát.
 
Ông Nguyễn Văn Phúc, trưởng ban kiểm soát nói báo cáo này không mang tính kết luận, nhưng là cơ sở để Hội đồng Quản trị và các cổ đông Sudico xem xét trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ, thậm chí có thể khiếu kiện.
 
Ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sudico hiện tại nói báo cáo này sẽ được Hội đồng Quản trị đưa ra phân tích mổ xẻ ngay sau khi Sudico ổn định tổ chức. “Xử lý các nội dung đã được đưa ra trong báo cáo này như thế nào, trách nhiệm của các cá nhân thế nào, chúng tôi sẽ quyết định trong quá trình rà soát, giải quyết các công việc của Sudico”, ông Hùng nói.
 
Cuộc chơi ở Sudico giờ đã thuộc về những người khác. Ngân hàng Việt Á mới đây đã cam kết cho công ty này vay 2.000 tỷ đồng để giải quyết nợ nần và ổn định hoạt động kinh doanh, một động thái đặt ra nhiều câu hỏi trong giới đầu tư.
 
Bên cạnh đó, một cổ đông lớn, ông Đặng Văn Bình, tuyên bố đã mua thêm một lượng lơn cổ phiếu Sudico trong thời gian qua, nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên 20%. Trong khi theo tiết lộ của một lãnh đạo Tập đoàn Sông Đà, trong tương lai có thể Sông Đà sẽ tăng tỷ lệ cổ phần của mình tại Sudico lên 51% và biến công ty này thành Tổng công ty phát triển bất động sản của tập đoàn.
 
Với một lượng cổ phiếu khá khiêm tốn còn lại tại Sudico, nhiều người có thể nghĩ rằng ông Diệp đang “nghỉ chơi”. Tuy nhiên, “chuyện thế sự”, như cách dùng từ của ông, thì chắc còn dài kỳ, nhất là khi các nội dung trong báo cáo của ban kiểm soát được đưa ra “xử lý” trong thời gian tới!