Điều gì có thể xảy ra nếu ông Trump can thiệp vụ bắt Giám đốc Huawei?
Giới chuyên gia và các nghị sỹ Mỹ cảnh báo về những hệ quả có thể xảy ra nếu ông Trump can thiệp vào vụ Huawei
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ can thiệp vào vụ bắt Giám đốc tài chính (CFO) của hãng công nghệ Trung Quốc nếu việc đó giúp đạt thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, một động thái như vậy của ông Trump có thể làm suy yếu hệ thống luật pháp Mỹ và đặt người Mỹ ở nước ngoài và thế rủi ro, chưa kể khiến Quốc hội Mỹ nổi giận.
Tuyên bố về can thiệp vụ Huawei được ông Trump đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters hôm thứ Ba. Ngay lập tức, một số nghị sỹ và cựu quan chức Chính phủ Mỹ đã có phản ứng mạnh. Một số quốc gia cũng bày tỏ quan điểm lo ngại.
Ông Trump nói ông sẽ đưa ra quyết định dựa trên cơ sở an ninh quốc gia, nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán Mỹ-Trung "nhằm đạt thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay" là "một điều rất quan trọng".
Bà Meng Wanzhou , CFO Huawei - người bị Mỹ cáo buộc lừa dối một loạt ngân hàng quốc tế, khiến các định chế tài chính này rơi vào nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran - bị bắt ở Canada theo đề nghị của Mỹ hôm 1/12, cùng ngày khi ông Trump có cuộc gặp ở Argentina với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bàn về vấn đề thương mại.
Trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump có quyền can thiệp vào vụ bắt bà Meng, theo đó có thể chặn việc dẫn độ bà về Mỹ để xét xử. Tuy nhiên, nếu ông hành động như vậy, thì các quốc gia khác có thể "học theo" bằng cách bắt công dân Mỹ để tạo đòn bẩy trong các cuộc đàm phán kinh tế và chính trị. Ngoài ra, các đề nghị dẫn độ tội phạm mà Mỹ đưa ra với các nước khác trong tương lai có thể sẽ không còn sức nặng như trước - giới chuyên gia cảnh báo.
"Tổng thống có thể hành động như ông ấy muốn, nhưng việc đó kiểu gì cũng có ảnh hưởng chính trị không nhỏ", ông Brian Michael, một cựu công tố viên liên bang Mỹ, hiện đang làm cho công ty luật King & Spalding LLP, nhận xét.
Nếu ông Trump can thiệp, thì khả năng cao nhất là ông ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ không xúc tiến việc dẫn độ bà Meng, theo ông Michael. Một khi việc dẫn độ đã diễn ra, thì Nhà Trắng sẽ rất khó can thiệp vào công tác xét xử của Bộ Tư pháp.
"Sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta bắt giữ người dựa trên chiến tranh thương mại và thuế quan thay vì dựa trên luật pháp", thượng nghị sỹ Dân chủ Chris Van Hollen cảnh báo.
Thượng nghị sỹ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng sẽ là "một sai lầm tồi tệ" nếu ông Trump can thiệp vào vụ này. "Vụ việc này chẳng liên quan gì đến chính sách thương mại cả", ông Rubio nói.
Ngoài ra, những phát biểu của ông Trump có thể ảnh hưởng đến quy trình pháp lý ở Canada, nơi bà Meng sẽ trải qua một phiên điều trần về dẫn độ trước khi bà có thể bị giao cho nhà chức trách Mỹ. Nữ doanh nhân đã được cho tại ngoại vào ngày thứ Ba với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD.
"Các luật sư của bà Meng có thể dùng những gì ông Trump nói để làm bằng chứng lập luận rằng việc bà ấy bị bắt là có động cơ chính trị", giáo sư luật Robert Currie thuộc Đại học Dalhousie nhận định. Với lập luận như vậy, luật sư của bà Meng có thể đề nghị hoãn quy trình pháp lý hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Canada không giao bà cho nhà chức trách Mỹ.
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã thừa nhận rằng những phát biểu của ông Trump có thể ảnh hưởng đến vụ việc. "Việc luật sư của bà Meng có nhắc đến những phát biểu của Mỹ để bảo vệ bà Meng hay không là tùy ở họ", bà Freeland nói trong một cuộc họp báo ngày 12/12.
Thủ tướng Canada Trudeau thì bác bỏ ý kiến cho rằng vụ bắt giữ bà Meng đang được sử dụng như một đòn bẩy. "Cho dù điều gì có đang xảy ra ở các quốc gia khác, Canada đã, đang và sẽ luôn là một đất nước thượng tôn pháp luật", ông Trudeau nói.
Phát biểu trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ, ông John Demers, phó chưởng lý của ủy ban an ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, nói: "Bộ Tư pháp là cơ quan thực thi pháp luật, không thực hiện những nhiệm vụ thương mại. Chúng tôi không phải là một công cụ của thương mại khi thực hiện các vụ kiện".
Ông Matthew Miller, một quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng ý định can thiệp vào vụ Huawei của ông Trump có thể khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ dừng hợp tác với Washington trong các cuộc điều tra quốc tế và dẫn độ tội phạm. Trong khi đó, các nước đối thủ của Mỹ có thể đưa ra những cáo buộc không có thật đối với công dân Mỹ để giành lợi thế trong đàm phán chính trị hay thương mại.
"Việc đó sẽ gửi đi một thông điệp tới các chính phủ nước ngoài rằng họ không cần phải trải qua quy trình pháp lý thông thường và cũng không phải giữ sự độc lập cho các công tố viên và quan tòa", ông Miller nói.