11:18 22/05/2009

Điều gì đang xảy ra với thị trường vàng?

Mai Phương

VnEconomy trao đổi với một số chuyên gia và đại diện giới kinh doanh vàng về những diễn biến gần đây trên thị trường

Trạng thái “án binh bất động” của các nhà đầu tư vàng ở mức giá cao hiện nay là có lý do - Ảnh: Quang Liên.
Trạng thái “án binh bất động” của các nhà đầu tư vàng ở mức giá cao hiện nay là có lý do - Ảnh: Quang Liên.
Giá vàng trong nước đang liên tục lập và phá kỷ lục, và đã chạm đỉnh cao lịch sử 2.060.000 đồng/chỉ vào sáng nay (22/5).

Tuy nhiên, so với đợt sốt giá cách đây 2 tháng, phản ứng của thị trường lần này khá bình tĩnh, thể hiện ở khối lượng giao dịch vàng miếng không có sự gia tăng đột biến nào.

Điều gì đang xảy ra với thị trường vàng? VnEconomy đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia và đại diện giới kinh doanh vàng về hiện tượng thị trường vàng trầm lắng ngay trước những mức giá bất ngờ trên.

Tham gia cuộc trao đổi này có ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tại Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank (Sacombank-SBJ), và ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ).

Nguyên nhân số một là tỷ giá?

Giá vàng trong nước ngày 22/5 chạm 2.060.000 đồng/chỉ, cao chưa từng có trong lịch sử, dù giá vàng thế giới chỉ trên 950 USD/oz. Cách đây chưa lâu, giá vàng thế giới chạm 1.000 USD/oz, nhưng giá vàng trong nước không cao như hiện nay. Những nhân tố nào đã dẫn tới sự thay đổi này?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Theo tôi, có hai lý do quan trọng dẫn tới sự chuyển biến này của giá vàng.

Nguyên nhân thứ nhất liên quan tới tỷ giá USD/VND. Hồi tháng 2, trên thị trường tồn tại hai mức tỷ giá, một là tỷ giá USD do Ngân hàng Nhà nước công bố, và hai là tỷ giá USD của ngân hàng thương mại niêm yết với biên độ +/-3% so với tỷ giá trung tâm. Tỷ giá USD thị trường tự do khi đó ngang bằng với tỷ giá của các ngân hàng thương mại.

Hiện nay, trên thị trường tồn tại ba mức tỷ giá. Ngoài tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước và tỷ giá của ngân hàng thương mại với biên độ được nới ra +/-5%, còn có mức tỷ giá cao hơn hẳn trên thị trường tự do.

Sau đợt xả hàng hồi tháng 2 và tháng 3, giá vàng trong nước có một giai đoạn cao hơn giá vàng thế giới, nên nhiều khả năng xảy ra hoạt động nhập lậu vàng vào Việt Nam. Các đầu mối nhập vàng phải mua USD với tỷ giá “chợ đen” nên khi giá USD thị trường này tăng mạnh, giá vàng cũng bị đẩy lên theo.

Nguyên nhân thứ hai liên quan tới vấn đề nguồn cung trên thị trường. Trong tháng 2, người dân ồ ạt đi bán vàng, trong khi khách mua vào không có, nên giá vàng bị ghìm thấp hơn nhiều so với giá thế giới. Hiện nay, hoạt động bán ra của người dân rất hạn chế nên giá vàng trong nước đã về sát giá thế giới.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Có nhiều nhân tố dẫn đến sự thay đổi này:

Vào thời điểm tháng 2 năm nay khi giá thế giới chạm 1.000 USD/oz nhưng giá vàng trong nước không cao như hiện nay là vì lúc đó tỷ giá USD/VND trên thị trường không cao như ở mức hiện tại. Giá vàng trong nước thường không theo sát giá quốc tế quy đổi nhưng có mối quan hệ khá mật thiết đối với giá này.

Tỷ giá USD/VND giao dịch vào tháng 2 ở khoảng 17.500, khi giá vàng quốc tế tăng vọt, giá vàng trong nước đứng ở mức cao trong lịch sử, người dân đã phải xếp hàng chờ bán vàng, làm lượng cung vàng vật chất trong nước tăng đột biến, có thời điểm nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng đã không còn tiền mặt để mua vàng, lúc đó mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi lên đến hơn 1.000.000 đồng/ lượng.

Tại thời điểm này, với việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh so với tháng 2 khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao dịch của cặp tỷ giá này từ +/- 3% lên +/- 5%, 1 USD tại thời điểm hiện tại giao dịch tăng gần 300 đồng so với tháng 2, giá vàng quốc tế nay tuy không lập mức cao như hồi tháng 2 nhưng giá quy đổi nay tiếp tục lập mức cao nhất trong lịch sử.

Sự biến động của giá là cơ hội kinh doanh chênh lệch của các doanh nghiệp, giá vàng tăng mạnh trong các ngày gần đây đưa đến cơ hội xuất khẩu vàng, tuy nhiên nguồn cung vàng vật chất không dồi dào như trước nữa dẫn đến việc các doanh nghiệp kinh doanh liên tục đẩy giá lên cao để có thể mua vào, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới đã được thu lại khá hẹp.

Thêm vào đó, giá vàng được giữ ở mức cao trong thời gian khá lâu, thị trường có vẻ như đã quen với mặt bằng giá mới, với việc nền kinh tế đưa ra các dấu hiệu khả quan, niềm tin của người dân dần quay lại thì việc mua vàng tích trữ truyền thống của người dân cũng là yếu tố đẩy giá vàng lên cao trên thị trường.

Điều này cho thấy giá vàng trong nước không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới mà còn bị tác động rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tỷ giá hối đoái, cung cầu vàng trong nước, chính sách của Chính phủ…

Ông Lê Xuân Tùng: Lý do quan trọng nhất ở đây là sự lên giá của USD so với VND. Hồi cuối tháng 2, giá USD ngân hàng là 17.500 VND/USD, nay đã lên tới 17.785 VND/USD, nên giá vàng trong nước tăng theo là điều dễ hiểu.

Nhà kinh doanh vàng lúc nào cũng có lãi

Vậy sự chuyển biến giá vàng như trên có tác động gì không tới lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Việc giá vàng trong nước trở về ngang giá thế giới hiện nay có tác động bất lợi tới lợi nhuận của các công ty kinh doanh vàng. Tuy nhiên, họ chỉ không được lợi gì ở chuyện xuất khẩu hay nhập khẩu vàng, còn trong hoạt động mua bán với người dân, các nhà kinh doanh vàng lúc nào cũng có lãi. Sở dĩ như vậy vì họ có biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán, chừng nào còn có khách mua và khách bán thì họ vẫn có lời.

Chỉ có điều, khi nào giá vàng lên cao quá thì họ giãn rộng khoảng cách giá mua/bán ra để đề phòng rủi ro.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Như đã đề cập, với việc nguồn cung cầu vàng vật chất không dồi dào như trước, cùng với từng đợt biến động lên xuống của giá quốc tế, chênh lệch giá quốc tế quy đổi và giá vàng trong nước ít hơn, cơ hội kinh doanh ít hơn và suất sinh lợi không cao như trước nữa.
 
Hoạt động giao dịch trên thị trường trầm lắng với tâm lý thờ ơ của thị trường phản ánh qua việc các doanh nghiệp kinh doanh yết giá mua vào - bán ra khá hẹp (10.000-50.000đồng/lượng), tuy nhiên các hoạt động mua bán cũng không mấy khởi sắc.

So với các thời điểm biến động giá mạnh, hoạt động giao dịch sôi nổi thì các doanh nghiệp với vai trò là người môi giới khi mua - bán đồng thời 1 lượng vàng đã lãi từ 100.000 - 200.000 đồng. Do vậy, thu nhập từ mảng này cũng giảm nhiều và sinh lợi của doanh nghiệp cũng điều chỉnh mạnh.

Ông Lê Xuân Tùng: Lợi nhuận doanh nghiệp kinh doanh vàng phụ thuộc vào các sản phẩm kinh doanh đặc thù và vào chiến lược đầu tư vàng của các công ty.

Đối với các doanh nghiệp bán lẻ vàng, lợi nhuận phụ thuộc vào doanh số giao dịch. Giá vàng quá cao như hiện nay làm giao dịch trầm lắng, dẫn tới suy giảm lợi nhuận đối với các nhà kinh doanh này. Với các doanh nghiệp sản xuất, nếu duy trì lượng tồn kho từ giá vàng thấp sẽ thu lợi nhuận cao nếu bán ra tại thời điểm hiện nay

Nhà đầu tư đã chín chắn hơn nhiều

Giá vàng trong nước thời gian gần đây liên tục lập kỷ lục, nhưng phản ứng của thị trường là tương đối thờ ơ. Xin các ông bà cho biết nhận định về quan điểm của các nhà đầu tư vàng ở thời điểm này?


Ông Huỳnh Trung Khánh: Trạng thái “án binh bất động” của các nhà đầu tư vàng ở mức giá cao hiện nay là có lý do. Những người xả hàng trong tháng 2 và tháng 3 là những người mua vào vào ở mức giá thấp, có thể ở 17 triệu đồng/lượng vào cuối năm 2007. Trong thời kỳ thị trường địa ốc và chứng khoán đi xuống, nhiều người đã chuyển vốn qua vàng. Tới quý 1 năm nay, thị trường chứng khoán ấm lên, lại đúng lúc giá vàng lên cao so với giá họ đã mua, nên họ bán ra để chuyển vốn sang chứng khoán.

Còn lại những người đang nắm giữ vàng lúc này là những người có quan điểm mua vàng để cất giữ, không phải mua để bán kiếm lời. Những nhà đầu tư này có quan điểm tương tự như các nhà đầu tư quốc tế mua vàng để trú ẩn lạm phát và khủng hoảng. Nhiều người dân thậm chí đang gửi vàng trong ngân hàng không muốn rút ra giữa chừng, có người ngại bán xong không biết đầu tư vào đâu và cũng ngại không mua vào được nữa.

Mặt khác, giá vàng thế giới hiện nay chưa phải là cao, nên người dân vẫn kỳ vọng giá lên thêm. Tôi cho rằng, trong trường hợp giá vàng lên hơn nữa, chẳng hạn tới 21 triệu đồng/lượng, các nhà đầu tư có thể cảm thấy hấp dẫn hơn để bán ra.

Nói về hoạt động mua vào, mức giá vàng hiện nay là quá cao để các nhà đầu tư mua vào. Bởi thế, thị trường càng vắng khách.

Tôi thấy những đợt lên xuống của giá vàng đã đem đến nhiều bài học cho các nhà đầu tư vàng miếng. Nay họ đã chín chắn hơn nhiều, không còn cảnh giá lên đổ đi mua, giá xuống tranh đi bán nữa.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Đối với tâm lý người dân trong nước mức giá vàng hiện nay là quá cao để mua vào, đối với người đang sở hữu vàng vẫn chưa muốn bán ra ở mức giá này do kỳ vọng giá vàng còn tăng cao. Ngoài ra đa số người dân đã nắm giữ lượng vàng trước đó cũng đã mạnh tay bán ra để thu lợi nhuận khi giá vàng tăng từ hơn 16,5 triệu đồng/ lượng lên 18, 19 triệu đồng/ lượng.

Ông Lê Xuân Tùng: Nhóm nhà đầu tư hiện đang giữ vàng tích trữ có xu hướng duy trì lượng vàng đang tích trữ để chờ giá mức giá cao hơn. Theo tôi, nếu giá vàng có dấu hiệu giảm nhanh, một lượng lớn từ nguồn vàng dự trữ này sẽ được bán ra để bảo toàn giá trị. Về bên cầu, nhu cầu mua vàng hiện đang thấp do tâm lý nhà đầu tư e ngại mức giá vàng đang ở mức cao kỷ lục và có thể rớt trong tương lai.

Đối với các nhà đầu tư sàn vàng, đây là thời điểm các nhà đầu tư nghĩ đến  việc canh giá cao, vay vàng để bán ra và sẽ mua lại khi giá xuống thấp

Giao dịch trên sàn: Lời cao, rủi ro cũng lắm

Hoạt động giao dịch tại nhiều sàn vàng khác thời gian này vẫn diễn ra sôi động, mặc dù giá vàng thế giới không có nhiều biến động mạnh. Các ông, bà có cho rằng đối với nhiều nhà đầu tư, đầu tư vàng trên sàn đang hấp dẫn hơn đầu tư vàng miếng bên ngoài?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Giao dịch vàng miếng ảm đạm, nhưng đầu tư vàng trên sàn diễn ra sôi động. Đó là do khả năng kiếm lời cao hơn trên sàn vàng. Nhưng chơi trên sàn vàng đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, thời gian để theo dõi thị trường chứng khoán, tài chính toàn cầu… Bởi thế, rủi ro trên sàn vàng là rất cao, nhất là những ai đánh theo tâm lý bầy đàn.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Thực tế đối với nhiều nhà đầu tư, đầu tư vàng trên sàn hấp dẫn hơn đầu tư vàng miếng bên ngoài vì nhiều lý do

Thứ nhất là tính thanh khoản cao, vàng trên sàn có thể mua bán bất kỳ lúc nào với giá rất cạnh tranh. Thứ hai là về thời gian giao dịch. Đối với thị trường vàng miếng trong nước hầu như chỉ giao dịch được đến 8 giờ tối trong khi đó trên sàn vàng có thề giao dịch đến 11 giờ đêm, sàn vàng SBJ còn có kế hoạch kéo dài thời gian giao dịch đến 2 giờ sáng.

Thứ ba là về tính biến động giá cả vàng miếng trong nước biến động không linh hoạt theo giá vàng thế giới, trong khi đó giá vàng trên sàn phản ứng rất nhạy nên theo sát giá vàng thế giới, ở những thị trường có tính biến động cao thì nhà đầu tư mới dễ thu lợi nhuận.

Thứ tư là do đầu tư vàng trên sàn có mức ký quỹ thấp, phổ biến ở mức 7%, do đó nhà đầu tư có ít vốn cũng tham gia đầu tư vàng trên sàn được trong khi đối với thị trường vàng miếng mức ký quỹ gần như là 100%. Thứ năm phương thức giao dịch đa dạng như giao dịch qua điện thoại, giao dịch qua Internet, giao dịch tại sàn giao dịch…

Bao giờ có thể được nhập vàng trở lại?

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép nối lại hoạt động nhập khẩu vàng. Điều này có tác động như thế nào đối với giá vàng trong nước? Theo các ông, bà, trong điều kiện như thế nào thì Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nối lại hoạt động này?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Hiện đã đúng một năm kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng cấp phép nhập khẩu vàng. Hiệp hội Kinh doanh vàng và nhiều doanh nghiệp cuối năm ngoái và đầu năm nay đã kiến nghị xin cấp phép trở lại nhưng chưa được trả lời chính thức.

Nguyên nhân của việc tạm ngừng cấp phép này là những chủ trương trong chính sách vĩ mô của Chính phủ, muốn giảm nhập siêu, giảm nhập khẩu trong đó có vàng. Vàng không phải là nguyên liệu cho sản xuất, cho đời sống, trong khi lại tốn rất nhiều ngoại tệ.

Tôi cho rằng, chừng nào cán cân thương mại của Việt Nam cân bằng trở lại và nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp phép nhập khẩu vàng trở lại.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép nối lại hoạt động nhập khẩu vàng, nhưng thời gian gần đây, giá vàng trong nước không có sự chênh lệch nhiều với giá vàng thế giới quy đổi là do cầu vàng trong nước yếu ngay cả khi giá có sự điều chỉnh giảm. Do vậy, việc Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép nhập khẩu vàng trong thời gian gần đây không tác động nhiều đến biến động của giá vàng trong nước.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, Chính phủ sẽ ưu tiên cho việc xuất khẩu nói chung và chỉ  nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu, máy móc thiết bị liên quan đến sản xuất… Việc nhập khẩu vàng sẽ sẽ tốn rất nhiều USD và không tạo ra được giá trị gia tăng cũng như ảnh hưởng đến nhập siêu. Do vậy trong giai đoạn này việc nhập khẩu khó được chấp nhận bởi Ngân hàng Nhà nước.

Ông Lê Xuân Tùng: Do hoạt động nhập khẩu vàng không được cấp phép, giá vàng trong nước phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu mua vàng tích trữ và hoạt động bán ra của người dân, cũng như tỷ giá USD/VND.

Lực cầu mua vàng với mức giá cao như hiện nay trong ngắn hạn là không cao. Do đó, giá vàng sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới trừ phi giá vàng thế giới tiến sát gần đến ngưỡng USD 1.000/oz. Trong trường hợp giá thế giới giảm nhanh xuống duới 900 USD/oz, giá vàng trong nước có thể rơi nhẹ xuống dưới 20 triệu

Giá vàng có thể còn tăng

Tình hình kinh tế thế giới thời gian này có dấu hiệu sáng lên, nhưng giá vàng vẫn tăng mạnh. Tại sao như vậy? Các ông bà có nhận định gì về xu hướng giá vàng trong quý 2 năm nay?

Ông Huỳnh Trung Khánh: Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, khủng hoảng kinh tế thế giới đã chạm đáy. Kinh tế Mỹ bắt đầu có phát đi những thông tin sáng lên. Tuy nhiên, đây mới là những tín hiệu đầu tiên. Theo nhận định mới nhất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), kinh tế Mỹ còn suy thoái, với tốc độ tăng trưởng âm, tới hết năm nay và có thể bắt đầu phục hồi vào năm 2010.

Do đó, chính phủ Mỹ còn phải bơm tiền để đưa tốc độ tăng trưởng dương trở lại với nền kinh tế. Đây là một sự đánh đổi, vì mặt trái của biện pháp này sẽ là lạm phát và sự mất giá của USD.

Đồng USD suy yếu sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào các ngoại tệ khác và vàng. Trong đó, vàng được ưu tiên nhiều vì kim loại này giống như một đồng tiền mạnh, không phụ thuộc hoàn toàn vào sức khỏe một nền kinh tế cụ thể nào.

Do đó, một khi sự phục hồi kinh tế còn chưa rõ nét trong quý 1 này, giá vàng thế giới vẫn sẽ đi lên. Việc tái lập mốc 1.000 USD/oz là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi: Giá vàng vẫn tăng mạnh trong khi tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu cải thiện là do những dự báo về lạm phát và tình trạng mất giá mạnh của USD so với các đồng tiền mạnh khác trên thế giới. Đồng thời, nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Mỹ nói riêng cũng chưa có gì đảm bảo là khủng hoảng đã qua

Trong quý 2 năm nay vàng vẫn sẽ đứng ở mức giá cao, có những đợt điều chỉnh giảm nhưng xu hướng chung của vàng trong quý 2 vẫn là tăng giá, mức giá bình quân của vàng trong quý 2 có thể trên 900 USD/oz.

Ông Lê Xuân Tùng: Tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu bước qua giai đoạn khủng hoảng trầm trọng nhất. Tuy chưa thể nói mọi khó khăn đã qua nhưng dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ đã có nhiều chuyển biến đặc biệt là các ngành ngân hàng tài chính, nhưng trên thị trường ngoại hối thế giới đồng USD tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác. Giá vàng tính theo USD sẽ tăng tương ứng.

Khi kinh tế hồi phục, lạm phát sẽ thay thế giảm phát diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế, trong khi vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn cho giá trị, và nhu cầu đầu cơ giữ vàng sẽ tiếp tục tăng khiến cho giá vàng tăng lên.