07:10 11/03/2009

Điều gì đẩy chứng khoán Mỹ tăng vọt?

Duy Cường

Ngày 10/3, Phố Wall bất ngờ có phiên giao dịch thành công nhất trong 4 tháng, điều gì đã làm nên bất ngờ đó?

Thông tin khả quan từ Citigroup và khả năng áp dụng quy tắc hạn chế tự do bán khống cổ phiếu chính là nguyên nhân quan trọng nhất giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh - Nguồn: Reuters.
Thông tin khả quan từ Citigroup và khả năng áp dụng quy tắc hạn chế tự do bán khống cổ phiếu chính là nguyên nhân quan trọng nhất giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh - Nguồn: Reuters.
Ngày 10/3, Phố Wall bất ngờ có phiên giao dịch thành công nhất trong 4 tháng, điều gì đã làm nên bất ngờ đó?

Hôm thứ Ba, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, ông Barney Frank cho biết, quy tắc hạn chế tự do bán khống cổ phiếu “uptick” sẽ sớm được áp dụng trở lại trong vòng 1 tháng tới.

Theo đó, khi áp dụng quy tắc “uptick” vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được phép bán khống cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang tăng. Tất cả các lệnh đặt bán khống cổ phiếu khi giá cổ phiếu đang giảm đều bị hủy ngay khi lệnh được gửi lên.

Quy tắc này lần đầu tiên được áp dụng năm 1934, tức 5 năm sau sự đổ vỡ thị trường chứng khoán năm 1929 và đến tháng 7/2007, quy tắc này chính thức được bãi bỏ, mở đường cho thời kỳ tự do bán khống cổ phiếu.

Tuy nhiên, trước những làn sóng bán tháo cổ phiếu - đặc biệt là cổ phiếu khối ngân hàng, ngày 9/1/2009, một nhóm các nghị sỹ thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện đã kêu gọi đưa quy tắc “uptick” có hiệu lực trở lại nhằm ngăn chặn các đợt bán khống cổ phiếu để đầu cơ giá xuống.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến hoạt động định giá tài sản của các doanh nghiệp Mỹ, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã cho biết không có ý định trì hoãn việc đưa quy định về nghiệp vụ kế toán đánh giá giá trị tài sản theo giá trị thị trường (mark-to-market) vào ứng dụng.

Theo đó, khi áp dụng quy định “mark-to-market” vào công tác kế toán, các tài sản tài chính của doanh nghiệp khi đến kỳ báo cáo tài chính sẽ được tính toán lại thông qua việc đánh giá giá trị tài sản tại thời kỳ báo cáo.

Với quy tắc này, nhà đầu tư có thể biết được chính xác giá trị tài sản tài chính của doanh nghiệp tại thời kỳ báo cáo, qua đó đánh giá được giá trị thực để đưa ra quyết định đầu tư.

Các chỉ số tăng từ 5,8-7,07% giá trị

Ngày 10/3, tập đoàn sản xuất máy điều hòa nhiệt độ và thang máy lớn nhất thế giới - United Technologies đã công bố cắt giảm mục tiêu lợi nhuận xuống 4 - 4,5 USD/cổ phiếu, từ 4,65 – 5,15 USD/cổ phiếu - giảm 13% so với mục tiêu đề ra cho năm tài khóa 2009.

Đồng thời, hãng này cũng công bố sẽ cắt giảm 11.600 nhân công trong số khoảng 220.000 người đang làm việc cho tập đoàn này, trong nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của tập đoàn.

Kết thúc ngày giao dịch, cổ phiếu của tập đoàn trong chỉ số Dow Jones - United Technologies (NYSE-UTX) tăng 8,6% lên 40,79 USD/cổ phiếu.

Cùng ngày, Giám đốc điều hành của Citigroup, ông Vikram Pandit cho biết doanh thu của ngân hàng đạt 19 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2009 và thông báo ngân hàng đã có lãi.

Trong bức thư của ông Vikram Pandit gửi tới nhân viên Citigroup có đoạn: “Chúng ta đã hoạt động có lãi trong 2 tháng đầu năm 2009 và đang tiến tới một quý hoạt động thành công nhất kể từ quý 3/2007”.

Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu Citigroup đã tăng 26% lên 1,32 USD/cổ phiếu trước khi đóng cửa ngày giao dịch với mức tăng 38,1% lên 1,45 USD/cổ phiếu.

Thông tin khả quan từ Citigroup và khả năng áp dụng quy tắc “uptick” chính là nguyên nhân quan trọng nhất giúp chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch thành công nhất trong 4 tháng qua, trong khi nhà đầu tư ở Mỹ có một phiên giao dịch đáng nhớ nhất kể từ đầu năm 2009.

Ngay khi thị trường chứng khoán mở cửa, cả ba chỉ số chính đã tăng vọt thêm 2% so với phiên đóng cửa trước đó. Đà tăng tiếp tục được duy trì với biên độ tăng mỗi lúc một lớn.

Đến 11 giờ (giờ địa phương), Dow Jones chạm ngưỡng 6.810 điểm, tăng 270 điểm, tương đương 4,2%; chỉ số S&P 500 tăng 4,6%; chỉ số Nasdaq lên 5,15% so với phiên trước đó.

Giới đầu tư tiếp tục tăng mạnh lượng đặt mua đẩy thị trường chứng khoán tăng với biên độ lớn, khối lượng đặt mua cổ phiếu khối ngân hàng như Citigroup, Bank of America... đã tăng vọt.

Giá đặt mua/bán cổ phiếu những ngân hàng lớn không còn thay đổi ở bước nhảy +/- 1 cent như những ngày bình thường. Sự tranh mua cổ phiếu liên tục đẩy giá cổ phiếu khối này tăng điểm mạnh.

Với thông tin hỗ trợ từ Citigroup và chỉ số Dow Jones, S&P 500 đã xuống thấp nhất trong 12 năm, còn chỉ số Nasdaq hạ xuống ngưỡng thấp nhất trong 6 năm, giới đầu tư liên tục đẩy thị trường đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi các đợt điều chỉnh giảm điểm chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn rồi sau đó tiếp tục được đẩy lên.

Đến 12h06, chỉ số Dow Jones tăng 4,98%, chỉ số S&P 500 lên 5,7% và chỉ số Nasdaq tiến thêm 6,05%.

Thị trường tiếp tục duy trì xu hướng lên điểm cho đến hết ngày giao dịch, đẩy cả ba chỉ số tăng điểm mạnh trong niềm hân hoan của nhiều nhà đầu tư. Đáng chú ý là cuối giờ giao dịch, thị trường đón thêm đợt lên điểm chóng vánh giúp các chỉ số tăng thêm gần 1%.
Điều gì đẩy chứng khoán Mỹ tăng vọt? - Ảnh 1
Biểu đồ diễn biến giá cổ phiếu C, JPM và BAC – Nguồn: Y.Finance

Chỉ số S&P Tài chính trong ngày đã tăng 16%, trong đó ba cổ phiếu khối ngân hàng trong chỉ số Dow Jones gồm Citigroup (NYSE-C), JPMorgan Chase (NYSE-JPM) và Bank of America (NYSE-BAC) đã tăng từ 22,64% đến 38,1%, góp phần đưa chỉ số này có phiên giao dịch thành công nhất kể từ ngày 21/11/2008.

Trong khi đó, cả 30 cổ phiếu trong chỉ số Dow Jones đều lên điểm với biên độ lớn. Cổ phiếu khối công nghệ như Microsoft tăng 8,8%, cổ phiếu Intel lên 10,92%, trong khi cổ phiếu khối năng lượng như Exxon Mobil tiến thêm 4,37%, cổ phiếu Chevron lên 6%.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 10/3: chỉ số Dow Jones tăng 379,44 điểm, tương đương 5,8%, chốt ở mức 6.926,49.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 89,64 điểm, tương đương 7,07%, chốt ở mức 1.358,28.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 43,07 điểm, tương đương 6,37%, đóng cửa ở mức 719,6.

Điều gì đẩy chứng khoán Mỹ tăng vọt? - Ảnh 2
Biểu đồ diễn biến của ba chỉ số chính ở Mỹ ngày 10/3- Nguồn: G.Finance.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York tăng vọt lên 2,19 tỷ cổ phiếu, từ 1,56 tỷ cổ phiếu phiên trước đó, thị trường cứ có 14 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Khối lượng giao dịch thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,39 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm.

Chứng khoán châu Âu đón tin vui từ Citigroup

Cả ba chỉ số chứng khoán châu Âu cùng tăng điểm với biên độ lớn nhờ phiên tăng điểm mạnh của cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng.

Thông tin Citigroup hoạt động kinh doanh có lãi khiến cổ phiếu khối ngân hàng châu Âu tăng vọt, trong đó cổ phiếu BNP Paribas, Banco Santander, Barclays, Credit Suisse, Deutsche Bank, HSBC và UBS tăng từ 10,4-17,7%.

Cổ phiếu khối năng lượng cũng tăng điểm mạnh, trong đó cổ phiếu Total, ENI, BP, Royal Dutch Shell, Repsol tăng từ 3-8,5%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 172,83 điểm, tương đương 4,88%, chốt ở mức 3.715,23. Khối lượng giao dịch đạt 2,4 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức lên 5,28%, khối lượng giao dịch đạt 42 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 5,28%, khối lượng giao dịch đạt 226 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á phục hồi

Hôm thứ Ba, cơ quan thống kê Trung Quốc cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2/2009 đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thực phẩm, hàng may mặc và chi phí nhiên liệu giảm là nguyên nhân chính dẫn tới CPI ở nước này lần đầu tiên giảm kể từ năm 2002.

Mức suy giảm của chỉ số giá tiêu dùng đang làm gia tăng nỗi lo giảm phát, qua đó sẽ khiến hoạt động mua bán hàng hóa trở nên bị suy giảm. Năm 2009, Trung Quốc đặt mục tiêu đưa lạm phát ở mức 4%.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Shanghai Composite đã tăng 39,82 điểm, tương đương 1,88%, chốt ở mức 2.158,57.

Chuyển qua thị trường khác, chứng khoán Nhật tiếp tục mất điểm hôm thứ Ba vì cổ phiếu khối dược phẩm giảm điểm mạnh trước lo ngại về kế hoạch sáp nhập giữa hai tập đoàn dược phẩm ở Mỹ là Merck và Schering-Plough.

Cổ phiếu Astellas Pharma mất 5,3%, cổ phiếu Chugai Pharmaceutical hạ 5,9%, Takeda Pharmaceutical giảm 3,9%...

Thị trường được nâng đỡ bởi đà lên điểm của cổ phiếu khối ngân hàng và nhiều hãng xuất khẩu lớn, nên biên độ giảm điểm chỉ ở mức dưới 0,5%.

Cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group lên 3,7%, cổ phiếu Sumitomo Mitsui Financial Group tiến thêm 1,7%; cổ phiếu Kyocera tăng 2,6%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 31,05 điểm, tương đương 0,4%, chốt ở mức 7.054,98. Khối lượng giao dịch đạt 1,72 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 3 cổ phiếu giảm điểm thì có 1 cổ phiếu lên điểm.

Cùng chung với xu hướng của nhiều thị trường, chứng khoán Hàn Quốc đã lên điểm trở lại nhờ sức tăng của cổ phiếu khối ngân hàng và năng lượng. Trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 176,8 tỷ Won giá trị cổ phiếu, mức mua ròng lớn nhất kể từ ngày 5/2.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI tăng 20,47 điểm, tương đương 1,91%, chốt ở mức 11.092,2.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tăng 0,92%. Chỉ số Straits Times của Singapore nhích 0,82%. Chỉ số ASX của Australia lên 0,69%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tiến thêm 3,08%.

* Thị trường chứng khoán Ấn Độ nghỉ giao dịch nhân ngày lễ.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 6.547,05 6.926,49  Up379,44 Up5,80
Nasdaq 1.268,64 1.358,28  Up  89,64 Up7,07
S&P 500 676,53 719,60  Up  43,07 Up6,37
Anh FTSE 100 3.542,40 3.715,23  Up172,83 Up4,88
Đức DAX 3.692,03 3.886,98 Up194,95 Up5,28
Pháp CAC 40 2.519,29 2.663,68  Up144,39 Up5,73
Đài Loan Taiwan Weighted 4.628,24 4.671,02 Up  42,78 Up0,92
Nhật Nikkei 225 7.086,03 7.054,98 Down  31,05 Down0,44
Hồng Kông Hang Seng 11.344,58 11.694,05 Up349,47 Up3,08
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.071,73 1.092,20 Up  20,47 Up1,91
Singapore Straits Times 1.456,95 1.468,96 Up  12,01 Up0,82
Trung Quốc Shanghai Composite 2.118,75 2.158,57 Up  39,82 Up1,88
Ấn Độ BSE 30 8.146,99 N/A N/A N/A
Australia ASX 3.121,70 3.143,20 Up 21,50 Up0,69
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg