“Điều ước” của các quỹ đầu tư trong năm mới
Dù nhìn nhận sẽ gặp khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô còn biến động, nhưng không ít quỹ đầu tư vẫn giữ cái nhìn lạc quan
Dù nhìn nhận sẽ gặp khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô còn biến động, nhưng không ít quỹ đầu tư vẫn giữ cái nhìn lạc quan. Xin giới thiệu những nhận định và kỳ vọng của họ đối với năm mới.
Kỳ vọng chính sách
Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital)
Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với các khó khăn về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Mặc dù thị trường chứng khoán không tách rời được nền kinh tế nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng năm 2011 kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn qua đó giúp thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt hơn.
Những tháng đầu năm được dự báo sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng sau đó thị trường sẽ ổn định trở lại. Khả năng đột biến khó có thể xảy ra, ngoại trừ khủng hoảng kinh tế thế giới kết thúc và dòng vốn nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Nhưng tôi tin thị trường chứng khoán năm 2011 sẽ biến động theo xu hướng đi lên, và có thể đạt được mức tăng trưởng chung 20% cho cả năm.
Về mặt thuận lợi, tôi cho rằng, một khi nền kinh tế ổn định trở lại thì Việt Nam vẫn sẽ là một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chính sách, biện pháp mạnh mẽ của cơ quan nhà nước trong việc minh bạch hoá thị trường, hoàn thiện khung pháp lý, cho phép ra đời các sản phẩm mới, ngăn chặn việc thao túng thị trường trong thời gian vừa qua sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Cũng như nhiều công ty quản lý quỹ khác, việc thu hút được nguồn vốn ủy thác để đầu tư là rất quan trọng đối với chúng tôi. Năm 2010 các công ty quản lý quỹ rất khó huy động được nguồn vốn ủy thác. Mặc dù MB Capital vẫn huy động được hai quỹ mới từ Nhật Bản thông qua đối tác Japan Asia Holding nhưng năm 2011 theo đánh giá vẫn là năm rất khó khăn đối với các công ty quản lý quỹ trong hoạt động huy động vốn cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trong nước hoạt động và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty quản lý quỹ, ban hành khung pháp lý cho các sản phẩm mới để thị trường quản lý tài sản phát triển như quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ bất động sản góp phần cho thị trường năng động hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Bên cạnh đó, khuyến khích tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức để góp phần bình ổn thị trường và khuyến khích các nhà đầu tư thông qua các quỹ bằng chế độ ưu đãi về thuế đối với loại hình đầu tư này.
Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng hết sức kỳ vọng là Nhà nước sẽ ban hành các chính sách trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa của thị trường như tăng các tiêu chuẩn niêm yết để thị trường phát triển tốt hơn trong dài hạn. Thực trạng hiện nay cho thấy số lượng các công ty niêm yết nhiều nhưng lại không có nhiều công ty có chất lượng cao cho việc lựa chọn đầu tư lâu dài. Vì vậy, với việc nâng cao chất lượng của hàng hoá sẽ phần nào giúp thị trường của chúng ta phát triển bền vững hơn.
Tôi hy vọng bước sang năm 2011 là năm sẽ có nhiều hoa thơm, quả ngọt, thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và lúc đó chúng ta sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn để cùng nói chuyện với nhau.
Chỉ cần vĩ mô bình ổn
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital
Trong năm 2011 này, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có mức định giá khá thấp mặc dù khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao.
Theo dự đoán của Dragon Capital, trong năm tới trung bình tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt 20 - 25%. Nếu xét về mặt giá trị thì thị trường Việt Nam rất hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên chính yếu tố không ổn định của các vấn đề vĩ mô, ví dụ như nợ Vinashin, tỷ giá, lạm phát, bội chi ngân sách và thâm hụt thương mại, và đặc biệt là hiệu quả của đầu tư công làm chúng ta kém thu hút.
Do đó, chỉ cần các vấn đề vĩ mô được bình ổn thì không có lý do gì mà thị trường của chúng ta không thể tăng trưởng trở lại.
Mặt thuận lợi của chúng ta là nguồn vốn ngoại dồi dào đang chờ những tín hiệu vĩ mô ổn định để giải ngân vào thị trường. Tuy nhiên, điều này có trở thành hiện thực hay không một lần nữa phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ để khắc phục những bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô.
Nếu nhà đầu tư phải chờ đợi quá lâu, họ có khả năng chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi khác.
Túc tắc mua vào
Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ Vietnam Asset Management (VAM)
Xét về góc độ thuận lợi, giá cổ phiếu niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay tương đối rẻ so với các thị trường khác trong khu vực. Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh và sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam vẫn được xem là một điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam cần trở nên ổn định hơn thì nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, mới cảm thấy yên tâm hơn để đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tại, tôi thấy giá cổ phiếu của nhiều công ty khá hấp dẫn khi đánh giá và định giá các doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư dài hạn túc tắc mua vào. Tại Vietnam Asset Management (VAM), chúng tôi xem xét đánh giá từng công ty, phân tích nền tảng kinh doanh của họ khi đầu tư. Vì thế, tôi kỳ vọng trong năm 2011 kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện tốt hơn cùng với đà tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam.
Để đạt được điều này, hy vọng tỷ giá hối đoái sẽ ổn định hơn, lãi suất ngân hàng và lạm phát sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới để giảm bớt các gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí nguồn vốn, chi phí đầu vào, chi phí lương bổng...
Ngoài ra, tôi cũng muốn lưu ý là trong tình hình giá cả hàng hóa đang tăng trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức tỉnh táo và thận trọng trong việc điều tiết hàng tồn kho để tránh lặp lại tình trạng của năm 2008 khi rất nhiều doanh nghiệp đã bị thua lỗ nặng với lượng hàng tồn kho quá lớn mà họ mua vào để kiếm lời với hy vọng giá hàng hóa trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhưng họ đã không kịp giải quyết lượng hàng này khi giá cả giảm xuống.
Sẽ thêm động lực
Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Quỹ Saigon Asset Management (SAM)
Tôi chưa nhìn thấy nhiều bằng chứng để có thể giúp dự báo đầy đủ về các kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2011. Tuy nhiên, theo tôi, nếu dựa trên một bối cảnh như hiện nay: mức lãi suất như ở thời điểm quý 4/2010 đã là đỉnh điểm, thì đầu năm 2011 lãi suất có khả năng sẽ giảm dần, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp nhân sự mới sau Đại hội Đảng hy vọng sẽ có tác động tích cực đến các chính sách, rõ ràng hơn đối với các nhà đầu tư; dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu trở lại, thị trường minh bạch hơn, nhiều hàng hóa chất lượng hơn, kinh tế toàn cầu dần đi vào ổn định hơn, tỉ giá sẽ có thể được kiểm soát tốt hơn; nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn sẽ tiếp tục tăng cao do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn rất cao; thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên rẻ hơn và hợp lý hơn so với các thị trường khác trong khu vực...
Ngoài ra, các điều chỉnh và thay đổi về Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua, một số thay đổi trong qui định về giờ giao dịch, khả năng mở nhiều hơn một tài khoản, mua bán thanh toán chứng khoán theo T+2... có thể sẽ giúp làm tăng mức độ tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường.
Tóm lại, với bối cảnh như trên, tôi nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực để có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững trong năm 2011 này.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những khó khăn như thâm hụt thương mại mang tính cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là một vấn đề lớn chưa có lời giải rõ ràng; sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tốc độ cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước lớn có thể sẽ vẫn còn chậm; khung pháp lý cho thị trường chứng khoán mặc dù đã có nhiều phát triển nhưng vẫn chưa đầy đủ và có đủ các điều kiện cần thiết để có thể cho phép nhiều đối tượng nhà đầu tư, đặc biệt là loại quỹ mở, quỹ ETF có qui mô lớn hoạt động,...
Tôi kỳ vọng năm 2011 sẽ là một năm mang lại thật nhiều cơ hội cho các quỹ đầu tư nói chung và các quỹ do chúng tôi quản lý. Thị trường sẽ có thêm nhiều những công ty có mức vốn hóa vừa và nhỏ, được quản lý hiệu quả và minh bạch với mức giá hợp lý. Thị trường bất động sản và các cổ phiếu bất động sản sẽ có sức bật rõ ràng sau một thời gian dài tích lũy. Và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại nằm trong danh sách top các thị trường có mức phục hồi nhanh nhất và ấn tượng nhất trên thế giới.
Kỳ vọng chính sách
Ông Phan Anh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital)
Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với các khó khăn về tỷ giá, lạm phát và lãi suất. Mặc dù thị trường chứng khoán không tách rời được nền kinh tế nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng năm 2011 kinh tế vĩ mô sẽ ổn định hơn qua đó giúp thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt hơn.
Những tháng đầu năm được dự báo sẽ vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng sau đó thị trường sẽ ổn định trở lại. Khả năng đột biến khó có thể xảy ra, ngoại trừ khủng hoảng kinh tế thế giới kết thúc và dòng vốn nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Nhưng tôi tin thị trường chứng khoán năm 2011 sẽ biến động theo xu hướng đi lên, và có thể đạt được mức tăng trưởng chung 20% cho cả năm.
Về mặt thuận lợi, tôi cho rằng, một khi nền kinh tế ổn định trở lại thì Việt Nam vẫn sẽ là một địa điểm đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư của các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các chính sách, biện pháp mạnh mẽ của cơ quan nhà nước trong việc minh bạch hoá thị trường, hoàn thiện khung pháp lý, cho phép ra đời các sản phẩm mới, ngăn chặn việc thao túng thị trường trong thời gian vừa qua sẽ làm tăng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Cũng như nhiều công ty quản lý quỹ khác, việc thu hút được nguồn vốn ủy thác để đầu tư là rất quan trọng đối với chúng tôi. Năm 2010 các công ty quản lý quỹ rất khó huy động được nguồn vốn ủy thác. Mặc dù MB Capital vẫn huy động được hai quỹ mới từ Nhật Bản thông qua đối tác Japan Asia Holding nhưng năm 2011 theo đánh giá vẫn là năm rất khó khăn đối với các công ty quản lý quỹ trong hoạt động huy động vốn cả trong và ngoài nước.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư trong nước hoạt động và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty quản lý quỹ, ban hành khung pháp lý cho các sản phẩm mới để thị trường quản lý tài sản phát triển như quỹ mở, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ bất động sản góp phần cho thị trường năng động hơn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng.
Bên cạnh đó, khuyến khích tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức để góp phần bình ổn thị trường và khuyến khích các nhà đầu tư thông qua các quỹ bằng chế độ ưu đãi về thuế đối với loại hình đầu tư này.
Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng hết sức kỳ vọng là Nhà nước sẽ ban hành các chính sách trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa của thị trường như tăng các tiêu chuẩn niêm yết để thị trường phát triển tốt hơn trong dài hạn. Thực trạng hiện nay cho thấy số lượng các công ty niêm yết nhiều nhưng lại không có nhiều công ty có chất lượng cao cho việc lựa chọn đầu tư lâu dài. Vì vậy, với việc nâng cao chất lượng của hàng hoá sẽ phần nào giúp thị trường của chúng ta phát triển bền vững hơn.
Tôi hy vọng bước sang năm 2011 là năm sẽ có nhiều hoa thơm, quả ngọt, thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và lúc đó chúng ta sẽ có nhiều điều tốt đẹp hơn để cùng nói chuyện với nhau.
Chỉ cần vĩ mô bình ổn
Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital
Trong năm 2011 này, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang có mức định giá khá thấp mặc dù khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao.
Theo dự đoán của Dragon Capital, trong năm tới trung bình tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đạt 20 - 25%. Nếu xét về mặt giá trị thì thị trường Việt Nam rất hấp dẫn so với các thị trường khác trong khu vực. Tuy nhiên chính yếu tố không ổn định của các vấn đề vĩ mô, ví dụ như nợ Vinashin, tỷ giá, lạm phát, bội chi ngân sách và thâm hụt thương mại, và đặc biệt là hiệu quả của đầu tư công làm chúng ta kém thu hút.
Do đó, chỉ cần các vấn đề vĩ mô được bình ổn thì không có lý do gì mà thị trường của chúng ta không thể tăng trưởng trở lại.
Mặt thuận lợi của chúng ta là nguồn vốn ngoại dồi dào đang chờ những tín hiệu vĩ mô ổn định để giải ngân vào thị trường. Tuy nhiên, điều này có trở thành hiện thực hay không một lần nữa phụ thuộc vào khả năng của Chính phủ để khắc phục những bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô.
Nếu nhà đầu tư phải chờ đợi quá lâu, họ có khả năng chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi khác.
Túc tắc mua vào
Ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc Quỹ Vietnam Asset Management (VAM)
Xét về góc độ thuận lợi, giá cổ phiếu niêm yết của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay tương đối rẻ so với các thị trường khác trong khu vực. Với đà tăng trưởng kinh tế mạnh và sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, thị trường Việt Nam vẫn được xem là một điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam cần trở nên ổn định hơn thì nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, mới cảm thấy yên tâm hơn để đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện tại, tôi thấy giá cổ phiếu của nhiều công ty khá hấp dẫn khi đánh giá và định giá các doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là thời điểm tốt cho các nhà đầu tư dài hạn túc tắc mua vào. Tại Vietnam Asset Management (VAM), chúng tôi xem xét đánh giá từng công ty, phân tích nền tảng kinh doanh của họ khi đầu tư. Vì thế, tôi kỳ vọng trong năm 2011 kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện tốt hơn cùng với đà tăng trưởng kinh tế mạnh của Việt Nam.
Để đạt được điều này, hy vọng tỷ giá hối đoái sẽ ổn định hơn, lãi suất ngân hàng và lạm phát sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới để giảm bớt các gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí nguồn vốn, chi phí đầu vào, chi phí lương bổng...
Ngoài ra, tôi cũng muốn lưu ý là trong tình hình giá cả hàng hóa đang tăng trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức tỉnh táo và thận trọng trong việc điều tiết hàng tồn kho để tránh lặp lại tình trạng của năm 2008 khi rất nhiều doanh nghiệp đã bị thua lỗ nặng với lượng hàng tồn kho quá lớn mà họ mua vào để kiếm lời với hy vọng giá hàng hóa trên thế giới sẽ tiếp tục tăng nhưng họ đã không kịp giải quyết lượng hàng này khi giá cả giảm xuống.
Sẽ thêm động lực
Ông Louis Nguyễn, Tổng giám đốc Quỹ Saigon Asset Management (SAM)
Tôi chưa nhìn thấy nhiều bằng chứng để có thể giúp dự báo đầy đủ về các kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2011. Tuy nhiên, theo tôi, nếu dựa trên một bối cảnh như hiện nay: mức lãi suất như ở thời điểm quý 4/2010 đã là đỉnh điểm, thì đầu năm 2011 lãi suất có khả năng sẽ giảm dần, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp nhân sự mới sau Đại hội Đảng hy vọng sẽ có tác động tích cực đến các chính sách, rõ ràng hơn đối với các nhà đầu tư; dòng vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu trở lại, thị trường minh bạch hơn, nhiều hàng hóa chất lượng hơn, kinh tế toàn cầu dần đi vào ổn định hơn, tỉ giá sẽ có thể được kiểm soát tốt hơn; nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn sẽ tiếp tục tăng cao do tốc độ đô thị hóa của Việt Nam vẫn rất cao; thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở nên rẻ hơn và hợp lý hơn so với các thị trường khác trong khu vực...
Ngoài ra, các điều chỉnh và thay đổi về Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua, một số thay đổi trong qui định về giờ giao dịch, khả năng mở nhiều hơn một tài khoản, mua bán thanh toán chứng khoán theo T+2... có thể sẽ giúp làm tăng mức độ tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường.
Tóm lại, với bối cảnh như trên, tôi nghĩ thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực để có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững trong năm 2011 này.
Tuy nhiên, thị trường vẫn có những khó khăn như thâm hụt thương mại mang tính cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ là một vấn đề lớn chưa có lời giải rõ ràng; sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tốc độ cổ phần hóa và niêm yết các doanh nghiệp nhà nước lớn có thể sẽ vẫn còn chậm; khung pháp lý cho thị trường chứng khoán mặc dù đã có nhiều phát triển nhưng vẫn chưa đầy đủ và có đủ các điều kiện cần thiết để có thể cho phép nhiều đối tượng nhà đầu tư, đặc biệt là loại quỹ mở, quỹ ETF có qui mô lớn hoạt động,...
Tôi kỳ vọng năm 2011 sẽ là một năm mang lại thật nhiều cơ hội cho các quỹ đầu tư nói chung và các quỹ do chúng tôi quản lý. Thị trường sẽ có thêm nhiều những công ty có mức vốn hóa vừa và nhỏ, được quản lý hiệu quả và minh bạch với mức giá hợp lý. Thị trường bất động sản và các cổ phiếu bất động sản sẽ có sức bật rõ ràng sau một thời gian dài tích lũy. Và thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại nằm trong danh sách top các thị trường có mức phục hồi nhanh nhất và ấn tượng nhất trên thế giới.