10:04 18/08/2008

Đình công và bài toán giữ người

Đinh Tịnh

Thời gian gần đây, tình trạng đình công liên tiếp xảy ra theo chiều hướng gia tăng

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, công đoàn sẽ có những kiến nghị về việc tăng lương, phụ cấp, tăng suất ăn ca cho công nhân.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, công đoàn sẽ có những kiến nghị về việc tăng lương, phụ cấp, tăng suất ăn ca cho công nhân.
Thời gian gần đây, tình trạng đình công liên tiếp xảy ra theo chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: giày da, may mặc, các hãng taxi..., với nguyên nhân chung là người lao động bị trả lương thấp, tỷ lệ ăn chia không đều.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến thời điểm này, cả nước đã diễn ra gần 400 cuộc đình công. Điều đáng lưu ý là tất cả những cuộc đình công này đều trái luật vì không đúng trình tự, thủ tục qui định và không do công đoàn lãnh đạo.

Hầu hết các cuộc đình công đều mang tính tự phát, đa số các trường hợp đình công để phản đối người sử dụng lao động do: nợ lương, thưởng hoặc vi phạm các cam kết với người lao động, vi phạm quy định của pháp luật, hoặc chủ doanh nghiệp thường kéo dài thời gian làm việc trong ngày, điều kiện lao động không được đảm bảo...

Lương không theo kịp giá

Tiếp xúc với người lao động, đầu tiên bao giờ chúng tôi cũng nhận được câu trả lời: “Lương ít quá, thế này thì sống sao được”. Quả thật, nếu so với mức lương của một công nhân ngành may hiện nay thì khó có thể nuôi sống được bản thân chứ đừng nói đến nuôi gia đình, con cái.

Một điều tra xã hội học cho thấy, số đông lao động phổ thông hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành này có mức thu nhập khiêm tốn khoảng 1.000.000 - 1.500.000 đồng/tháng và họ vẫn phải đối mặt với mặt bằng giá cả đắt đỏ như hiện nay. Phần lớn trong số họ đều là những lao động chủ lực trong gia đình.

Cũng từ cuộc điều tra này, các nhà nghiên cứu cho biết, có tới trên 20% số lao động không được doanh nghiệp tăng lương hoặc có điều chỉnh nhưng không đáng kể. Tình trạng này thường có ở những doanh nghiệp trả lương theo khoán sản phẩm.

Chính vì thế mới chỉ có khoảng 1/3 số lao động tạm đủ sống với mức lương được nhận; 42,5% số lao động phải làm thêm giờ ngoài giờ để có thêm thu nhập. Đặc biệt trong ngành dệt may, số lao động phải làm thêm lên tới 55%.

Như vậy không chỉ có vi phạm quy định về tiền lương, tiền công, nhiều chủ sử dụng lao động vẫn vi phạm quy định về giờ giấc, thời gian làm việc. Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng trong thời gian qua cũng xảy ra những mâu thuẫn không nhỏ giữa các doanh nghiệp và nhân viên lái taxi, nguyên nhân là tỷ lệ ăn chia không thoả đáng.

Anh Nguyễn Văn Vinh, lái xe Công ty Taxi Hà Nội nói: “Trung bình mỗi ngày tôi chạy khoảng 100 km được 500.000 đồng, ăn chia theo tỉ lệ công ty 65%, lái xe 35%, tức khoảng 160.000 đồng. Công ty tính toán 100 km chỉ mất 8 lít xăng nhưng thực tế phải tốn từ 10-12 lít, tương đương trên dưới 200.000 đồng tiền xăng. Vậy nên, cứ 100 km là lái xe lỗ 40.000 đồng tiền xăng. Công ty đã tăng trung bình 2.000 đồng/km, nhưng nguyện vọng của anh em là cần tăng thêm nữa, vì hiện nay giá cả đắt đỏ, như vậy thu nhập rất khó sống”.

Thời gian gần đây, các lãnh đạo ngành dệt may đã phải suy nghĩ, rà soát  các chi phí với mục đích làm sao để có thể tăng thêm được đơn giá cho các công đoạn, qua đó có thể tăng thêm được thu nhập cho người lao động. Nhiều công ty còn tính toán “ngắt” đầu này, “bớt” đầu nọ để có những khoản tăng tiền thưởng cho những công nhân đạt năng suất cao, chất lượng tốt.

Từ đầu năm 2008 đến nay, mức thu nhập bình quân của công nhân ở một số công ty dệt may lớn như nói trên đã được cải thiện hơn. Đến nay, Công ty May Nhà Bè đã xây dựng được 357 phòng ở cho 2.000 lao động với kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng tại Bình Dương, Đà Lạt, Pleiku, Kom Tum, Bình Định, An Giang, Bình Thuận. Các nhà trọ đều được xây dựng cạnh khu sản xuất để công nhân tiện đi lại.

Tăng thu nhập và tăng hỗ trợ

Theo ông Tuấn Nguyên Nghị, Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty May Nhà Bè, trong thời gian sắp tới, May Nhà Bè sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này. Cụ thể từ nay đến năm 2010, công ty sẽ xây dựng thêm một khu tập thể cho 3.500 lao động tại xã Long Hậu, huyện Nhà Bè, Tp.HCM. Ông Nghị nói: “Đây là chiến lược lâu dài của May Nhà Bè để có thể giữ chân người lao động gắn bó với công ty”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành hãng taxi Sao Sài Gòn tâm sự: “Hiện nay, do những biến động mạnh về kinh tế, nên các doanh nghiệp ngành Taxi đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tuy nhiên, với Hãng Sao Sài Gòn thì tỷ lệ chia cho lái xe lên tới: 47-48% (trong khi các hãng khác là 35%).

Bên cạnh đó, công ty vẫn hỗ trợ 1% tiền xăng, 2% tiền thâm niên (1 năm trở lên). Ngoài ra, để khuyến khích lao động làm việc tốt, công ty còn phát động phong trào thi đua theo tháng với mức thưởng thêm cao nhất là 1 triệu đồng/1 tháng để người lao động yên tâm làm việc và chăm lo đến đời sống gia đình”.

Theo ông Hoàng Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, phải tập trung quyết liệt giải quyết một số vấn đề bức xúc của công nhân như: nhà ở, tiền lương và thu nhập; giải quyết bức xúc về bảo hiểm xã hội, các thiết chế sinh hoạt văn hóa tinh thần, đào tạo nghề...

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, công đoàn sẽ có những kiến nghị về việc tăng lương, phụ cấp, tăng suất ăn ca cho công nhân. Động viên công nhân chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham gia sửa luật lao động theo hướng đảm bảo mọi doanh nghiệp, thành phần kinh tế đều phải ký thỏa ước với người lao động.

Ngoài ra, cần nghiên cứu ban hành luật tiền lương tối thiểu, đề xuất cơ chế thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Những kiến nghị này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngay trong tháng 8 để chuẩn bị cho Đại hội Công đoàn Việt Nam tới đây.