13:52 05/10/2023

Định hình tương lai bền vững của ngành du lịch và khách sạn

Tuấn Sơn

Tại Hội thảo du lịch và khách sạn thường niên được tổ chức bởi Đại học RMIT Việt Nam vừa qua, các đại biểu đã tìm hiểu về tác động qua lại giữa quản lý nguồn nhân lực, tiến bộ công nghệ và bối cảnh môi trường thay đổi không ngừng...

Các đại biểu khám phá tác động qua lại giữa quản lý nguồn nhân lực, tiến bộ công nghệ và bối cảnh môi trường thay đổi không ngừng.
Các đại biểu khám phá tác động qua lại giữa quản lý nguồn nhân lực, tiến bộ công nghệ và bối cảnh môi trường thay đổi không ngừng.

Được công nhận là nền tảng của bất kỳ nỗ lực thành công nào, nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch và khách sạn Việt Nam.

Tiến sĩ Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, cho biết: “Sau dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trở lại. Thật vậy, tương lai của ngành du lịch Việt Nam rất xán lạn và có rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đầy đam mê tham gia vào lĩnh vực này và theo thời gian có thể trở thành lãnh đạo trong các doanh nghiệp du lịch và khách sạn, quản lý cấp cao và doanh nhân".

Tiến sĩ Ong cho biết thêm: “Tuy nhiên, việc vừa nuôi dưỡng ngành du lịch quốc tế đang mở rộng, vừa duy trì ngành du lịch trong nước vững mạnh, đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức thương mại lớn, được thúc đẩy bởi các chiến lược kinh doanh phức tạp. Quản lý cấp cao cần phải có kỹ năng kinh doanh cao tương đương để đối mặt với những thách thức mà Việt Nam gặp phải trong bối cảnh du lịch quốc tế cạnh tranh”.

Bà Nguyễn Minh Thu, Giám đốc Nhân sự Sheraton Saigon Hotel & Towers nhấn mạnh: “Trong hành trình hướng tới các hoạt động nhân sự bền vững đối với ngành du lịch và khách sạn Việt Nam, sự chuẩn bị là không thể thiếu. Khơi dậy sự thay đổi cần bắt đầu từ nhận thức, hãy cân nhắc việc thiết kế lại công việc, hợp tác với các bộ phận liên quan và thúc đẩy tinh thần đồng đội”.

Bà nói thêm: “Với các nhà lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với hành động, làm gương cho người khác noi theo”.

Bên cạnh nguồn nhân lực, công nghệ đang đi đầu trong việc chuyển đổi cục diện ngành du lịch. Nắm bắt các công nghệ tiên tiến không phải là lựa chọn mà là điều tất yếu.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: “Sự trỗi dậy của số hóa đã định hình lại cách mọi người đi du lịch, đặt phòng và lên kế hoạch cho chuyến đi của mình”.

Một bước phát triển đáng kể khác trong ngành du lịch là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy. Những công nghệ này đang được dùng để tạo ra trải nghiệm du lịch được cá nhân hóa cho khách hàng. Ví dụ, các chatbot được hỗ trợ bởi AI có thể giúp hành khách lên kế hoạch cho chuyến đi, đưa ra đề xuất về các điểm tham quan địa phương và thậm chí hỗ trợ đặt chỗ.

Theo các diễn giả tại hội thảo, nguồn nhân lực và công nghệ đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi cục diện du lịch.
Theo các diễn giả tại hội thảo, nguồn nhân lực và công nghệ đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi cục diện du lịch.

Nổi lên như những nhân tố thay đổi cuộc chơi trong ngành du lịch, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (VR/AR) có thể mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời, giúp họ khám phá các địa điểm trước khi thực sự đặt chân đến. Theo báo cáo của Greenlight Insights, thị trường VR/AR trong ngành du lịch dự kiến sẽ đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2023.

Tiến sĩ Ribeiro tóm tắt: “Việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như thiết bị di động, AI và VR/AR có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra trải nghiệm du lịch độc đáo và cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách ngày nay”.

Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam và Nam Thái Lan của Booking.com, cho biết: “Thúc đẩy tương lai du lịch thông qua công nghệ và sáng tạo đòi hỏi một cách tiếp cận ba hướng: cam kết kiên định đối với du lịch bền vững, tầm nhìn xa về các chuyến đi có tính kết nối, và liên tục theo đuổi quy trình đặt phòng dễ dàng và an toàn hơn”.

Theo Tiến sĩ Ong, trong tương lai, việc phát triển đội ngũ quản lý cấp cao có quy mô là điều cần thiết cho sự thành công của ngành du lịch Việt Nam.

“Điều cốt lõi để phát triển thế hệ quản lý cấp cao tiếp theo trong lĩnh vực du lịch và khách sạn là bằng cấp chuyên ngành. Đại học RMIT Việt Nam cung cấp nền tảng cho điều này thông qua chương trình Quản trị du lịch và khách sạn, nơi các nhà lãnh đạo tương lai có thể tiếp nhận nền giáo dục toàn diện”, Tiến sĩ Ong cho biết.

Bà Thu cũng nhấn mạnh: “Sinh viên, cụ thể ở đây là sinh viên RMIT, đóng vai trò tương lai của ngành khách sạn. Tăng cường mối liên kết thông qua các chuyến tham quan khách sạn hấp dẫn sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Với sự cống hiến chung, chúng ta đang xây dựng một thế giới bền vững, nơi giáo dục kết hợp với hành động”.

Chương trình Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT cam kết mang đến cho sinh viên nền tảng giáo dục “biến tri thức thành hành động”.
Chương trình Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT cam kết mang đến cho sinh viên nền tảng giáo dục “biến tri thức thành hành động”.

Tiến sĩ Ribeiro khẳng định: “Tại RMIT Việt Nam, chúng tôi chuẩn bị cho sinh viên không chỉ làm quen và thành thạo các công nghệ mới mà còn có khả năng tận dụng chúng để mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, chúng tôi đào tạo để các em có khả năng lãnh đạo sau khi tốt nghiệp".

Sinh viên theo học chương trình này còn được tiếp cận với đánh giá quan trọng về kiến thức làm cơ sở cho các chiến lược và thực hành trong ngành du lịch và khách sạn trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng toàn cầu của ngành khách sạn đang dịch chuyển theo hướng bền vững, du lịch thông minh, phân tích dữ liệu, số hóa, quản lý bất động sản khách sạn và quản lý chất lượng dịch vụ.

Chương trình cam kết mang đến cho sinh viên nền tảng giáo dục “biến tri thức thành hành động”, nhằm thúc đẩy ngành du lịch và khách sạn phát triển và bền vững hơn cho Việt Nam và cộng đồng toàn cầu.