12:24 23/06/2007

“Dở khóc dở cười” vì cổ phiếu “lúa non”

Việc ngưng kế hoạch cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân đã làm nhiều người mua bán cổ phiếu “lúa non” điêu đứng

Mặt trước Bệnh viện Bình Dân.
Mặt trước Bệnh viện Bình Dân.
Chuyện đã xảy ra sau khi Bệnh viện Bình Dân (Tp.HCM) không tiến hành cổ phần hóa như dự kiến, khiến nhiều người mua bán quyền mua cổ phần bệnh viện này lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”.

Và điều này có thể còn xảy ra ở nhiều nơi khác, khi có người đã bỏ cả trăm triệu để mua “thâm niên”, khi có những nhà đầu tư cổ phiếu “lúa non”!

Thông tin về việc ngưng kế hoạch cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân (Tp.HCM) khiến những người đã mua cổ phiếu “giấy tay”, mua “thâm niên” hay quyền mua cổ phần của những công ty sắp cổ phần hóa đứng ngồi không yên.

Từ nhiều ngày nay, khi thông tin về khả năng kế hoạch cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) có thể dời lại, chị Nguyễn Thị T. - một nhà kinh doanh địa ốc “mới nổi” tại quận Bình Tân, Tp.HCM - như ngồi trên đống lửa. “Chỗ quen biết không sợ “lật kèo”, nhưng bỏ hơn nửa tỉ đồng mà có một tờ giấy tay cũng chẳng lấy gì an tâm lắm”, chị T. nói.

Gần ba tháng trước, thông qua một số người quen làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, chị T. đã bỏ ra 625 triệu đồng để mua thâm niên công tác của hai nhân viên trong ngân hàng này, với tổng cộng 10 năm công tác. Số thâm niên này được người quen rao giá 64 triệu đồng/năm nhưng cuối cùng chấp nhận giảm một ít sau khi cả hai đã “cò kè”.

Nắm “dao đằng lưỡi”

“Không chỉ Vietcombank, hầu hết ngân hàng lớn sắp IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu), các bệnh viện lớn và cả MobiFone... thời gian qua đều diễn ra hoạt động mua bán quyền mua cổ phần khá sôi nổi. Nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào các giao dịch này đều nắm dao đằng lưỡi, rủi ro rất cao”, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, Trưởng bộ phận Môi giới cổ phiếu OTC Công ty Chứng khoán ACBS, nói.

Theo ông Chinh, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra 500 triệu đồng để mua quyền mua cổ phần của những nhân viên có 10 năm công tác! Ông Chinh cho rằng phần lớn những người mua cổ phiếu dạng “giấy tay” này chủ yếu là mua của người quen, nhưng khó tránh khỏi rủi ro khi xảy ra tranh chấp.

Trong số những nhà đầu tư rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” phải kể đến những nhà đầu tư mua quyền mua cổ phần của Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Đạm Phú Mỹ...

Vào đầu tháng 3/2007, hàng loạt nhà đầu tư đã đổ xô săn lùng quyền mua cổ phần của Công ty Nhiệt điện Bà Rịa, đẩy giá quyền mua cổ phần của đơn vị này lên tới 56.000 đồng/cổ phiếu, so với mức giá thời điểm trước Tết Đinh Hợi chỉ 28.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, khi giá đấu cổ phần này được công bố với mức giá đấu thành công bình quân hơn 78.000 đồng/cổ phiếu, những người mua quyền đã phải khóc dở mếu dở.

Đến nay, khi công ty này vừa đưa ra đấu giá lần 2 với số cổ phần mà nhà đầu tư bỏ cọc khá lớn, ông L. - một nhà đầu tư tại sàn ACBS - vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay” ôm số cổ phiếu với giá hơn 100.000 đồng/cổ phiếu, do lỡ bỏ ra 56 triệu đồng để đầu tư mua quyền mua cổ phần trước đó.

Người bán “lúa non” phải né

Thông tin về việc UBND TP.HCM kiến nghị cho ngưng thực hiện thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân khiến nhiều cán bộ, nhân viên của bệnh viện này ngỡ ngàng, xôn xao.

Sáng 22/6, qua thăm dò một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Bình Dân, người viết được biết rất nhiều người đang lo lắng, đứng ngồi không yên vì đã lỡ bán quyền mua cổ phần ưu đãi cho người khác.

Nhiều người cho biết gần như chỉ có bác sĩ là không bán quyền mua cổ phần ưu đãi, còn khá nhiều cán bộ, nhân viên là hộ lý, y công, kỹ thuật viên, điều dưỡng, nhân viên hành chính, tài xế, bảo vệ đều có bán “lúa non” một phần hoặc toàn bộ số cổ phần được mua với giá tùy thời điểm bán là 30.000, 40.000 rồi 50.000, 60.000 đồng/cổ phần.

Đặc biệt thời điểm trước tết (cuối tháng 1/2007), giá cổ phần có lúc vọt lên 80.000, thậm chí 100.000 đồng/cổ phần. Số cổ phần bán ra chủ yếu cho giới tín dụng “đen” hoặc cho thân nhân của những cán bộ, nhân viên khác của bệnh viện. Theo một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Bình Dân, ước tính số cổ phần được giao dịch “ngầm” chiếm khoảng 20%.

Một hộ lý cho biết cả đêm qua chị mất ngủ vì chiều 21/6 nghe tin ngưng thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân. Sáng 22/6 người mua cổ phần của chị (hơn 1.000 cổ phần) là một “tín dụng đen” đã gọi điện hỏi chị: “Bây giờ tính sao?”. Khi chị trả lời tiền đã xài hết rồi thì người đó nói rằng trong vòng một tuần phải trả lại tiền cho họ. Bây giờ chị cũng chưa biết tính sao.

Một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện cho rằng việc bán “lúa non” là chuyện chẳng đặng đừng. Nhiều người bán vì hoàn cảnh khó khăn, có người bán vì cần tiền sửa nhà hoặc để trả nợ... Tại Bệnh viện Bình Dân, sáng 22/6 người viết thấy đã có một số người mua “lúa non” đến cổng bệnh viện canh người bán quyền mua cổ phần cho mình để “nói chuyện”.

Có cán bộ, nhân viên phải né bằng cách đi cổng sau dành cho bệnh nhân, chứ không dám đi cổng dành cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Tự thỏa thuận với nhau

Trả lời về việc bệnh viện sẽ giải quyết ra sao khi một số cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã bán quyền mua cổ phần, ông Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc Bệnh viện Bình Dân - nói: “Theo qui trình lập đề án cổ phần hóa bệnh viện, chúng tôi có lập danh sách cán bộ, nhân viên sẽ được mua cổ phần khi bệnh viện chính thức có quyết định được phép cổ phần hóa.

Một số cán bộ, nhân viên biết được thông tin này đã tự đem bán quyền mua cổ phần ưu đãi ở thị trường không chính thức. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở, răn đe là không được bán. Nhưng họ giao dịch ngầm và mua bán giấy tay với nhau, chúng tôi không thể biết được”.

Theo ông Hùng, cách tốt nhất là hai bên đã mua bán tự thỏa thuận, thương lượng lại với nhau để tìm biện pháp giải quyết. Nếu không được thì có thể đưa nhau ra tư pháp phường hòa giải, hoặc kiện ra tòa hành chính, tòa dân sự để giải quyết.

Ông Hùng cho biết việc ngưng cổ phần hóa bệnh viện trước mắt không ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện, nhưng về lâu dài bệnh viện cần được Nhà nước đầu tư kinh phí để nâng cấp bệnh viện và mua sắm trang thiết bị phục vụ bệnh nhân.