07:50 13/09/2023

Đo lường kinh tế số, Tổng cục Thống kê đề xuất sử dụng dữ liệu sẵn có trong tài khoản quốc gia

Anh Nhi

Hiện có rất nhiều phương pháp và cách thức đo lường kinh tế số được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, để phù hợp với thực trạng nguồn thông tin hiện có cũng như phương pháp biên soạn dữ liệu, Tổng cục Thống kê đề xuất đo lường kinh tế số theo tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP và GRDP…

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia có những nghiên cứu chuyên sâu về cách đo lường kinh tế số .
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia có những nghiên cứu chuyên sâu về cách đo lường kinh tế số .

Chia sẻ tại Hội thảo “Đề xuất phương pháp đô lường kinh tế số ở Việt Nam” ngày 12/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường quy mô kinh tế số và đánh giá mức độ chuyển đổi số phù hợp thực tế hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế là một trong những yêu cầu cơ bản để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia.

“Tuy nhiên, việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, vì đây là vấn đề mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan hầu hết các hoạt động của nền kinh tế”, bà Hương nhấn mạnh.

CHƯA CÓ TÀI LIỆU THỐNG NHẤT

Theo Tổng cục Thống kê, một số nước trên thế giới đã công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong tổng giá trị tăng thêm hoặc tỷ trọng kinh tế số trong GDP.

Năm 2022, Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh đánh giá tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số theo khung hướng dẫn của OECD theo 2 khái niệm khác nhau, đó là kinh tế số lõi và kinh tế số mở rộng.

Trong khi đó, Cục phân tích kinh tế của Mỹ (BEA) đang phát triển các công cụ nhằm đo lường tốt hơn đóng góp của nền kinh tế số vào GDP của Mỹ, cải thiện các thước đo về hàng hóa và dịch vụ công nghệ cao, đồng thời đưa ra một bức tranh toàn cảnh hơn về thương mại quốc tế.

Tháng 10/2022, Cơ quan Thống kê Úc đã công bố báo cáo cập nhật về quy mô, tốc độ tăng trưởng của hoạt động số ở Úc năm 2020-2021 theo cách tiếp cận của BEA nhằm đo lường hoạt động số gồm: (i) Hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật số, như: phần cứng máy tính, phần mềm, thiết bị viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng mạng máy tính; (ii) Phương tiện kỹ thuật số, bao gồm các dịch vụ phát sóng âm thanh, video và quảng cáo kỹ thuật số có thể được tạo, truy cập, lưu trữ hoặc xem trên các thiết bị kỹ thuật số; và (iii) Hoạt động thương mại điện tử, kết hợp các dịch vụ bán lẻ và bán buôn và lợi nhuận từ các giao dịch trực tuyến được đặt hàng kỹ thuật số hoặc hỗ trợ nền tảng.

Dù có nhiều phương pháp và cách thức tiếp cận khác nhau song theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung các nghiên cứu, hướng dẫn của các tổ chức quốc tế (OECD, ADB) và các nghiên cứu về kinh tế số ở Việt Nam hiện nay mới chỉ hướng dẫn đo lường hoạt động kinh tế số ở phạm vi quốc gia, chưa tính toán và phân bổ cho từng địa phương.

Hơn nữa, các nghiên cứu này là mới chỉ tập trung vào một phần hoặc một lĩnh vực thuộc phạm trù kinh tế số, hầu như các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung đo lường đối với sản phẩm kinh tế số lõi và hoạt động thương mại điện tử, chưa có cách tiếp cận đầy đủ theo phạm vi của hoạt động sản xuất, đồng thời chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể để đo lường đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế hằng năm.

“Đến thời điểm này, Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc vẫn chưa ban hành phương pháp luận và tài liệu hướng dẫn để thống nhất thực hiện biên soạn chỉ tiêu này trên toàn thế giới”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nói thêm.

ĐO LƯỜNG TỶ TRỌNG GIÁ TRỊ TĂNG THÊM CỦA KINH TẾ SỐ TRONG GDP VÀ GRDP

Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu; trong đó, có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”.

Hiện nay, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) được biên soạn và và công bố hằng quý, năm theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Riêng phương pháp thu nhập được thực vào năm biên soạn và công bố bảng IO (5 năm/lần). Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) được biên soạn và công bố hằng quý, năm theo phương pháp sản xuất.

Đo lường kinh tế số, Tổng cục Thống kê đề xuất sử dụng dữ liệu sẵn có trong tài khoản quốc gia - Ảnh 1

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thống kê đã biên soạn và công bố 05 bảng IO vào các năm 1989 (54 ngành sản phẩm), 1996 (97 ngành sản phẩm), 2000 (112 ngành sản phẩm), 2007 (138 ngành sản phẩm), 2012 (164 ngành sản phẩm) và hiện nay đang tiến hành biên soạn bảng IO thứ 6 cho năm 2020. Tuy nhiên để phục vụ cho công tác nghiên cứu, Tổng cục Thống kê đã cập nhật bảng IO cho các năm 2016 với 164 ngành sản phẩm và năm 2020 theo 88 ngành.

Trong khi đó, đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu, việc biên soạn chỉ tiêu này cần được thực hiện ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.

“Do vậy, để kịp thời biên soạn và công bố chỉ tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP, GRDP theo quy định, Tổng cục Thống kê đề xuất biên soạn trên cơ sở dữ liệu sẵn có theo phương pháp sản xuất trong tài khoản quốc gia”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu quan điểm.

Tuy vậy, trước những hạn chế và giải pháp hoàn thiện đo lường tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số, Tổng cục Thống kê đưa ra một số giải pháp để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quan tâm, thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò kinh tế số trong nền kinh tế; đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về xu hướng, vai trò và định hướng ứng dụng kinh tế số trong phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, cần tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Tổng cục Thống kê, chia sẻ thông tin liên quan đến kinh tế số, chuyển đổi số phục vụ biên soạn chỉ tiêu đo lường kinh tế số.

Thứ ba, các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực, hỗ trợ thu thập thông tin phục vụ biên soạn theo chỉ tiêu liên quan đến kinh tế số trên địa bàn tỉnh, thành phố; đồng thời, thực hiện các điều tra chuyên sâu thu thập thông tin liên quan đến hoạt động số hoá và xây dựng các hệ số kỹ thuật phục vụ biên soạn các chỉ tiêu kinh tế số phản ánh đầy đủ, sát thực đóng góp của kinh tế số trong phát triển kinh tế - xã hội.