15:08 12/03/2007

Đo sức nóng chứng khoán

Huỳnh Thế Du

Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt quá 20 tỷ đôla

Bao nhiêu tiền thực sự đã được đưa vào nền kinh tế? - Ảnh: Việt Tuấn.
Bao nhiêu tiền thực sự đã được đưa vào nền kinh tế? - Ảnh: Việt Tuấn.
Cách đây hai tuần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo về sự quá nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ tiêu được dùng làm bằng chứng lập luận chính là tỷ số giữa giá thị trường so với thu nhập trên một cổ phiếu - tỷ số P/E. Con số mà IMF đã tính cho toàn thị trường vào cuối tháng 2 là 73,3 lần. Một số người cho rằng thị trường hiện tại chưa đến nỗi quá nóng và việc lấy số lượng cổ phiếu vào một thời điểm của IMF là chưa thực sự hợp lý…

Tuy nhiên, với bằng chứng mà bài viết này có được, có th thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự nóng.

Bao nhiêu tiền đã thực sự được đưa vào nền kinh tế?

Vào cuối năm 2006, tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 14 tỷ đôla, nhưng đến thời điểm hiện tại (tháng 3/2007), con số này đã vượt quá 20 tỷ đôla.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu tiền thực sự đã được đưa vào nền kinh tế từ con số 20 tỷ đôla nêu trên? Thực ra, chỉ cần nhìn vào mục vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp niêm yết là có thể ước tính được.

Không có điều kiện tìm hiểu toàn thị trường, người viết bài này chọn ra hơn chục doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất đang được niêm yết trên thị trường với tổng giá trị là 198 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn một nửa giá trị toàn thị trường thì thấy rằng, tổng giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này chỉ là 16,6 nghìn tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là chỉ thực sự có ngót nghét 1 tỷ trong 12 tỷ đô-la giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp nêu trên được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh
.

Con số 1/12 nêu trên chính là tỷ số giữa giá trị sổ sách (Book value) so với giá trị thị trường (Market value) của cổ phiếu của các doanh nghiệp được lựa chọn và lật ngược lại sẽ là tỷ số giữa giá trị thị trường so với giá trị sổ sách của cổ phiếu (M/B).

Đo sức nóng chứng khoán - Ảnh 1

Nguồn: NYU website và tính toán của tác giả.


Ý nghĩa của giá trị sổ sách chính là số tiền thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp và giá trị gia tăng cho nền kinh tế; ý nghĩa của giá thị trường là mức độ kỳ vọng của công chúng vào khả năng tạo ra tiền trong tương lai của doanh nghiệp; và tỷ số M/B thể hiện lợi nhuận mà một đồng tiền thực tạo sẽ phải gánh cho M/B đồng kỳ vọng.

Hơn thế nữa, khi nhìn vào tỷ số này và số vốn hóa thị trường sẽ biết thực tế có bao nhiêu tiền thực sự đã được đưa vào nền kinh tế (đương nhiên là ở nhiều thời điểm khác nhau).

Có người cho rằng, việc tính toán như trên là không có cơ sở vì con số 16,6 nghìn tỷ đồng nêu trên được đưa vào những thời điểm khác nhau, và công tác kế toán chỉ cộng dồn một cách cơ học nên không thể nói là tổng số tiền đưa vào nền kinh tế chỉ có bấy nhiêu thôi. Tuy nhiên, nếu đem con số này so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành hay các nước ở cùng thời điểm phát triển như Việt Nam sẽ thấy được câu chuyện như thế nào.

Cổ phiếu các công ty Việt Nam đang quá nóng!

Cách tốt nhất khi so sánh là sử dụng cùng hệ quy chiếu và các điều kiện tương tự. Nhưng, do giới hạn của số liệu, bài viết này chỉ có thể so sánh tỷ số M/B hiện tại của các doanh nghiệp được lựa chọn của Việt Nam với các ngành tương tự hay gần giống ở Hoa Kỳ vào năm 2003.

Nhìn vào đồ thị thứ nhất sẽ thấy rằng tỷ số M/B bình quân chung của hơn chục công ty Việt Nam lớn hơn gần 5 lần bình quân chung toàn thị trường Hoa Kỳ. Mức chênh lệch nhỏ nhất cũng lên đến gần 3 lần, trong khi mức chênh lệch lớn nhất lên đến trên 11 lần. Nếu các doanh nghiệp có xu hướng hội tụ vào mức bình quân chung các ngành hay toàn thị trường của Hoa Kỳ thì chứng tỏ rằng, giá cổ phiếu của các công ty Việt Nam đang quá cao.

Ở đây cũng bình luận thêm một chút là sau khi xem xét sự gia tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp trong danh sách được lựa chọn thì chỉ có FPT và REE là có sự gia tăng đáng kể (hơn gấp đôi) trong vòng một năm qua, còn lại các doanh nghiệp khác chỉ là vài chục phần trăm. Như vậy, giả chăng có tính bình quân cổ phiếu vào đầu năm và cuối năm như lập luận của một số người thì tỷ số P/E của các công ty Việt Nam vẫn rất cao.

Một lần nữa, lại có thể lập luận rằng, việc so sánh giữa thị trường Việt Nam và Hoa kỳ là hoàn toàn khập khiễng vì chúng chẳng có gì ăn nhập với nhau cả. Lập luận này sẽ có lý nếu các nền kinh tế ở trạng thái tương tự Việt Nam cũng có tỷ số M/P cao như Việt Nam. Ngược lại, nếu các nước này có xu hướng gần với chỉ số của Hoa Kỳ hơn thì việc so sánh như trên sẽ có cơ sở nhất định nào đó.

Đo sức nóng chứng khoán - Ảnh 2

Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB) và tính toán của tác giả. Các nước năm 1993, Việt Nam năm 2007.


Số liệu so sánh 19 nước đang phát triển khác, trong đó có tất cả các con hổ, con rồng châu Á ở năm 1993, thời điểm mà Ngân hàng Thế giới xuất bản quyến sách “Sự thần kỳ đông Á” sẽ thấy được phần nào bức tranh này.

Dữ liệu trong đồ thị cho thấy, so sánh với thời điểm rất hưng phấn của kinh tế Việt Nam hiện nay so với thời điểm cực kỳ hưng phấn của các nền kinh tế khác sẽ thấy rằng cả hai chỉ số đo lường độ nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam đều co thấy rằng nó đang rất nóng. Chính độ nóng này đã làm quả bong bóng ngày càng to thêm và khả năng nổ gây ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư cũng như làm trầm lắng nền kinh tế là điều rất dễ xảy ra.

Trong giới hạn của một bài viết ngắn, những bằng chứng và lập luận được đưa ra đều có những giới hạn mà đôi khi có thể là sự phiến diện và phân tích chủ quan của tác giả. Để có thể đánh giá toàn diện bức tranh cần có những nghiên cứu, phân tích toàn diện hơn. Nhưng hy vọng rằng khi có những đánh giá như vậy thì những nhìn nhận cơ bản trong bài viết này sẽ không hoàn toàn bị bác bỏ.