10:59 18/06/2007

Đô thị hóa nhanh và những vấn đề ở vùng ven đô

Huyền Ngân

Một trong những điểm nóng của sự phát triển đô thị hóa là khu vực ven đô thị, nơi đang chịu những áp lực nặng nề

Cho đến nay, về không gian đô thị luôn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn theo kiểu "xôi đỗ" - Ảnh: Việt Tuấn.
Cho đến nay, về không gian đô thị luôn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn theo kiểu "xôi đỗ" - Ảnh: Việt Tuấn.
Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa tốc độ cao chưa từng có. Lượng dân cư đô thị đã chiếm tới 28% tổng dân cư toàn quốc và mỗi năm khoảng 1 triệu dân tiếp tục tham gia vào "đại gia đình" đô thị.

Toàn quốc hiện có trên 700 trung tâm đô thị lớn nhỏ, trong đó có 93 thành phố cấp tỉnh, thành.

Ngày 15/6, Phát biểu tại hội thảo "Các vấn đề ven đô và đô thị hóa" (do Diễn đàn Đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức), ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Diễn đàn đô thị Việt Nam nhận định: các đô thị là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra sản lượng GDP ngày càng tăng, song cũng là nơi tạo ra những điểm nóng trong phát triển đô thị, đặc biệt theo quan điểm phát triển đô thị bền vững hiện nay.

Một trong những điểm nóng của sự phát triển đô thị hóa là khu vực ven đô thị, nơi đang chịu những áp lực nặng nề giữa hai xu hướng phát triển và bảo tồn, giữa lợi ích phát triển kinh tế và nhu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị văn hóa và bảo đảm phát triển bền vững cho cả thành phố.

PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết: nhiều con số thống kê cho thấy từ năm 1991 đến nay, đô thị hóa tại các đô thị lớn đã có những bước phát triển mạnh, đạt ngưỡng 18,5% năm 1989, năm 1999 đạt 23,6% đến năm 2006 đạt 27%, dự kiến đạt 45% năm 2020.

Riêng hai thành phố loại đặc biệt: Hà Nội dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đạt 30-32% năm 2010 và 55-62,5% trong năm 2020 và dân số đô thị đến năm 2010 là 3,9 - 4,2 triệu người, năm 2020 là 7,9 - 8,5 triệu người; tại Tp.HCM, tỷ lệ đô thị hóa đạt cao nhất so với cả nước, dự kiến năm 2010 đạt 58% và 2025 đạt 77- 80%.

Với dân số đô thị năm 2010 là 10 triệu người, đến 2025 là 16-17 triệu người, Tp.HCM sẽ đứng trong hàng ngũ các thành phố có dân số lớn hơn 10 triệu người của thế giới.

Đô thị hóa tại Việt Nam đang cố gắng đạt các chỉ tiêu về: tăng trưởng kinh tế tri thức; vai trò văn hóa được đẩy mạnh trong công nghiệp hóa; bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu dân cư xã hội; đáp ứng xu hướng hội nhập với phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cho đến nay, về không gian đô thị luôn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn theo kiểu "xôi đỗ". Nông thôn có lúc còn "chế ngự" đô thị. Sự chuyển đổi kinh tế - xã hội đã dẫn đến nhiều biến đổi của vùng ven đô ở các thành phố lớn: khi có sự thay đổi về ranh giới hành chính, những làng xã lọt vào đô thị cũng có sự thay đổi lớn về cấu trúc dân cư, một bộ phận dân cư nông thôn thuộc làng xã được xác nhận với một khu vực dân cư đô thị mới được hình thành, tạo thành một đơn vị hành chính cơ sở mới là phường hoặc lớn hơn tương đương cấp quận.

Dịch cư tại chỗ trở thành hình thức phổ biến ở các đô thị, nhất là những đô thị lớn và có sức tăng trưởng nhanh như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... Đó là việc đô thị hóa lan tỏa từ các thành phố này kéo dần quá trình sát nhập các vùng nông thôn lân cận trước đây trở thành các cấu thành mới của đô thị. Hình thức dịch cư này đã làm gia tăng dân số đô thị của nhiều thành phố lên đến 20-30%, thậm chí có nơi lên tới 50%, tạo ra sự bùng phát dân số đô thị chưa từng thấy so với trước đây.

Đối với các khu vực nông thôn nằm trong vùng ảnh hưởng của các đô thị lớn, nông dân thường dịch chuyển ra thành phố theo mùa vụ, cố định thường xuyên, nhiều trường hợp đã trở thành di chuyển lâu dài. Cuộc sống định cư của người dân ở khu vực kinh tế này đang tạo nên những vấn đề bức xúc đối với môi trường sống đô thị hiện nay.