Đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội đợi "lệnh", sẵn sàng vận hành ngày 8/8
Đến chiều ngày 7/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vẫn đang đợi văn bản chính thức của UBND TP. Hà Nội về ngày chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội...
Ngày 7/8, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) tổ chức buổi trải nghiệm đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội từ ga số 1 (ga Nhổn) đến ga số 8 (ga Cầu Giấy).
SẴN SÀNG ĐƯA VÀO VẬN HÀNH, CHỈ ĐỢI LỆNH UBND THÀNH PHỐ
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng ban MRB, cho biết đến nay, đoạn trên cao hoàn thành toàn bộ công tác thi công cũng như các thủ tục pháp lý cần thiết, công tác nghiệm thu của dự án đã hoàn thành và đầy đủ các điều kiện để đưa vào vận hành thương mại.
“Hiện nay chúng tôi đang chờ văn bản chính thức của UBND TP. Hà Nội về ngày sẽ vận hành thương mại chính thức đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội”.
Ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt Hà Nội.
Theo đó, MRB đã hoàn thành công tác vận hành thử, tư vấn quốc tế cấp chứng nhận an toàn hệ thống, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) ban hành Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống, các đoàn tàu được đăng kiểm và dán tem; Hội đồng Kiểm tra Nhà nước là cơ quan cuối cùng đã họp, chấp thuận các các điều kiện vận hành.
Ngoài thủ tục nghiệm thu, MRB còn yêu cầu tất cả nhà thầu thi công tiến hành vệ sinh công nghiệp các nhà ga trên cao, depot và rà soát lại hệ thống, sẵn sàng đưa vào vận hành.
Theo dự kiến, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ chính thức vận hành thương mại từ 8h ngày 8/8 và miễn phí cho tất cả hành khách trải nghiệm trong 15 ngày đầu.
Thời gian chạy tàu trong các ngày tiếp theo từ 5h30 đến 22h, tần suất 10 phút/chuyến tại tất cả nhà ga trên cao.
Tuyến đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km nằm trên dải phân cách đường bộ, đi qua 4 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy và Đống Đa.
Đây là trục đường có mật độ giao thông cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc, có nhiều nút giao là điểm đen giao thông. Tuyến đường cũng đi qua nhiều cơ quan, khu dân cư, nhiều trường đại học như: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thương mại, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... dự kiến giải toả ùn tắc nhiều điểm đen và thu hút lượng hành khách lớn.
Tên gọi chính thức của 08 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, bao gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà, Ga Cầu Giấy.
Về hình thức, các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình, mỗi nhà ga được thiết kế với 03 tầng. Đó là: (i) tầng mặt đất, nơi hành khách bắt đầu tiếp cận các cầu thang để lên trên ga, nơi bố trí máy phát điện dự phòng, hệ thống bơm cấp nước phục vụ sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy; (ii) tầng trung chuyển được chia làm hai khu vực riêng biệt là khu vực hành khách mua, soát vé, các dịch vụ tiện ích phục vụ hành khách và khu vực kỹ thuật điều hành hoạt động nhà ga; (iii) tầng ke ga nơi khách đợi, lên tàu, đi kèm với hệ thống chỉ dẫn các thông tin cho hành khách, hệ thống kiểm soát an toàn phục vụ vận hành.
Cùng với đó, hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Về tiến độ thi công đoạn ngầm, lãnh đạo MRB cho biết từ ga S9 đến S12, bao gồm cả đoạn hạ ngầm sau ga S8 đến ga S9, tiến độ tổng thể đạt 43,5%. Hoạt động thi công diễn ra trên tất cả công trường. Theo kế hoạch, việc khoan và lắp dựng hầm sẽ hoàn thành vào tháng 11/2025. Toàn bộ phần ngầm của dự án sẽ xong vào tháng 12/2027.
GIÁ VÉ 0 ĐỒNG 15 NGÀY ĐẦU TRẢI NGHIỆM
Trao đổi với báo chí, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường, cho biết đến nay, toàn bộ việc chuẩn bị về nhân sự, quy trình vận hành đã hoàn thành để đưa đoạn trên cao của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội vào vận hành.
Doanh nghiệp đã tiếp nhận 10 đoàn tàu, trước mắt vận hành 6 đoàn. Công ty sẽ điều hành nhân sự linh hoạt giữa tuyến Nhổn - ga Hà Nội và tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Lý giải sự khác biệt giữa hai tuyến metro, ông Trường cho biết hai tuyến đều là đoàn tàu có 4 toa song tuyến Cát Linh - Hà Đông sức chứa 960 hành khách, trong đó tỷ lệ ghế ngồi chiếm khoảng 15%, còn tuyến Nhổn - ga Hà Nội có sức chứa 944 hành khách, với tỷ lệ ghế ngồi chỉ chiếm 10%.
Tốc độ tàu tuyến Nhổn - Ga Hà Nội cao hơn nên đi tàu nhanh hơn nhưng đến ga kế tiếp đạp phanh khiến hành khách cảm thấy dúi người về phía trước. Về hệ thống kiểm soát vé tự động, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội theo tiêu chuẩn châu Âu, vé có nhận dạng nên đúng người mới được lên tàu, giúp hạn chế việc cho người nhà mượn vé.
Giá vé qua các ga từ 8.000 - 12.000 đồng. Vé ngày là 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Trong 15 ngày đầu tiên chạy thử, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao sẽ miễn phí cho người dân tham quan, trải nghiệm.
Sau 15 ngày chạy thử, thành phố sẽ áp dụng giá vé cho tuyến trên cao Nhổn - Ga Hà Nội như sau: giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp.
Hành khách mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng.
Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000 - 12.000 đồng. Chính sách miễn phí áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi và người trên 60 tuổi có thẻ đi xe buýt miễn phí. Công ty huy động 150 tình nguyện viên hướng dẫn hành khách, giúp công ty vận hành tàu an toàn nhất.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (Nhổn - Cầu Giấy).
Theo đó, 36 tuyến buýt sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị này, bao gồm 33 tuyến trợ giá: 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: 70A, 70B, 70C. Dọc tuyến có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn; 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn có 16 điểm dừng, chiều Nhổn - Cầu Giấy có 16 điểm dừng).
Mạng lưới tuyến xe buýt cơ bản tạo được sự kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, thuận tiện cho hành khách trung chuyển giữa hai tuyến đường sắt đô thị bằng hệ thống xe buýt. Hai tuyến đường sắt đô thị được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, gồm: tuyến số 29, 49, 57, 05, 27, 38, 90, 105, 09B.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trải nghiệm đi tàu từ ga số 1 (ga Nhổn) đến ga số 8 (ga Cầu Giấy); kiểm tra công tác khoan ngầm tại gói thầu CP03 thi công 4 km ngầm. Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đánh giá cao việc Bộ Xây dựng, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, chủ đầu tư (MRB) và nhà thầu tích cực phối hợp để bảo đảm đủ điều kiện vận hành đoạn trên cao.
Hiện Hà Nội đang trình trung ương Đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với 14 tuyến. Việc triển khai dự án metro Nhổn - ga Hà Nội là cơ hội "nghìn năm có một" để tiếp cận công nghệ, tích lũy kiến thức phục vụ xây dựng các công trình dự án giao thông lớn trong tương lai.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài là 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5 km, đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4 km. Lộ trình của tuyến: Điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với Vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với Vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đường Trần Hưng Đạo).
Theo thiết kế, năng lực vận chuyển của tuyến metro này là 23.900 hành khách/giờ. Tính khung giờ khai thác trong ngày (từ 5h30 đến 22h), năng lực chuyên chở hành khách là rất lớn, vận chuyển tối đa trên 500.000 khách/ngày đêm. Dự án khởi công tháng 9/2010 và có tiến độ hoàn thành năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, đoạn trên cao chạy thương mại từ tháng 8, toàn tuyến hoàn thành năm 2027. Tổng mức đầu tư dự án cũng được đề nghị nâng lên từ 18.408 tỷ đồng lên 34.532 tỷ đồng.