13:09 02/08/2021

Doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có nguy cơ mất thị trường.

Băng Hảo

Làm thế nào để vừa phòng dịch tốt nhưng không bị đứt gãy chuỗi cung ứng là điều băn khoăn hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, đặc biệt là các địa phương phía Nam…

Theo thống kê của tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đến tháng 8 có khoảng 640 nghìn tấn trái cây cần thu hoạch và tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Trong đó, những loại có sản lượng lớn như xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, dứa 30 nghìn tấn, mít 10 nghìn tấn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: "Hiện nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch. Nguồn hàng nông sản, lương thực đang có nguy cơ dư thừa. Cần có sự kết nối để không xảy ra tình trạng ách tắc nơi này nhưng lại thiếu hụt ở nơi khác". Và bên cạnh thị trường nội địa thì xuất khẩu trái cây đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ và gia tăng giá trị nông sản.

Trong khi đó, quy định người dân chỉ được ra khỏi nhà từ 6 - 18 giờ hàng ngày để phòng dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp thu mua trái cây, nông sản lo nhà máy sẽ đứt gãy sản xuất khi công suất hoạt động chỉ còn 20 - 30%. Đặc thù các loại trái cây tươi sau khi thu hái về phải xử lý ngay. Nếu trước đây một doanh nghiệp có thể xử lý và xuất đi vài container trái cây mỗi ngày nhưng hiện nay phải dồn nhiều ngày mới đủ một container, phát sinh thêm rất nhiều chi phí và ảnh hưởng lớn tới chất lượng trái cây.

Đại diện doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết trước đây lịch làm việc của công nhân nhà máy khoảng 2 giờ sáng rời khỏi nhà, di chuyển đến 4 giờ có mặt tại nơi thu hoạch và khoảng 6 giờ sáng là đưa hàng về sơ chế, phân loại. Nhưng từ khi thực hiện quy định chống dịch, 6 giờ mới được phép rời nhà,  công nhân đi làm phải thực hiện thêm thủ tục khai báo y tế, thì phải 9 giờ mới đến nơi làm việc. “Hàng về được nhà máy thì cũng quá trưa trưa rồi. Ăn, nghỉ xong, công nhân loay hoay làm được vài tiếng là lo về nhà trước giờ giới nghiêm,” ông Tùng nói.

Thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng thiệt hại, bởi nhiều loại trái cây đang vào mùa.
Thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng thiệt hại, bởi nhiều loại trái cây đang vào mùa.

Tương tự, tại Tiền Giang, ông Mai Công Tiếp, Giám đốc Công ty Lức Tím chuyên thu mua thanh long cho biết: Hiện giá thanh long giảm mạnh chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg. Trước đây, mỗi ngày công ty thu mua gần 200 tấn thanh long nhưng bây giờ chỉ thu được 30 – 40 tấn/ngày. "Chúng tôi rất muốn thu mua để giải quyết đầu ra cho nông dân nhưng không được. Nguyên nhân do ảnh hưởng của Chỉ thị 16, không cho tụ tập trên 2 người, rồi lệnh giới nghiêm cấm ra đường sau 18 giờ nên hoạt động rất khó khăn,” ông Tiếp nói.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang thu mua trái cây không đảm bảo “3 tại chỗ” phải đóng cửa một phần vì chỉ thị, một phần vì lo ngại dịch bệnh. Theo đại diện một nhà máy chuyên thu mua, sơ chế 30 – 40 tấn trái cây tươi xuất khẩu mỗi ngày tại tỉnh Tiền Giang: Nếu phải ngưng hoạt động trong thời gian dài sẽ rất khó khăn bởi vì các đối tác nước ngoài cung ứng vào siêu thị đã niêm yết giá và phải cung ứng liên tục. Do đó, các nhà nhập khẩu sẽ tìm đối tác mới. Sau dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ mất mối, mất thị trường.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm: Công ty không nằm trong khu công nghiệp và cũng cố gắng thực hiện "3 tại chỗ", giảm hơn 50% người lao động và đã cách ly với bên ngoài hơn 21 ngày. "Từ đây đến ngày 5/8, chúng tôi không thu hàng nữa, chỉ xử lý hàng tồn, đơn hàng cũ. Thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp mà nông dân cũng thiệt hại, bởi nhiều loại trái cây đang vào mùa”.

Bên cạnh những khó khăn do việc lưu thông hàng hóa và giãn cách phòng chống dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cũng đứng trước áp lực chi phí logistics tăng nhiều lần so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Chẳng hạn, giá cước vận chuyển container đi Mỹ hiện đạt 9.600 USD/container, tăng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch. Thậm chí chi phí logistics đi New York lập đỉnh mức 18.000 – 19.000 USD/container, tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch. Tất cả những chi phí phát sinh này sẽ tính vào giá thành, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm.

Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết chi phí logistics tăng cao là bài toán khó với các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện cước phí logistics đã vượt ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Do đó, bà Vy cho rằng cần có kênh thông tin điện tử để cập nhật chi phí cước vận chuyển theo tuần cho doanh nghiệp nắm bắt, kiểm soát chi phí logistics.

Bên cạnh đó, bà Thu đề xuất với các doanh nghiệp vận tải sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, không tận dụng cơ hội kiếm lời trong giai đoạn khó khăn này. "Giá logistics tăng phi mã, doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đấu tranh với chính mình về việc tiếp tục hay dừng lại. Bởi, nông sản tồn kho có giá trị lớn, nếu không đảm bảo được an toàn thì con số thiệt hại của doanh nghiệp cũng nhân lên nhiều lần," bà Thu cho biết.

 
Trong tháng 6, ngành hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu đạt trên 356 triệu USD, tăng 38% so với cùng thời điểm năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 tổng giá trị xuất khẩu rau quả đạt trên 2,063 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ 2020.