06:00 17/08/2022

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Nếu không đủ quyết tâm sẽ “đứt gánh giữa đường”

Vũ Khuê

Hơn 90% doanh nghiệp do nữ làm chủ mong muốn chuyển đổi số, nhưng “cái khó bó cái khôn” do nguồn lực tài chính hạn chế, kiến thức số còn thiếu, sự đồng lòng của toàn bộ nhân viên chưa nhiều… khiến doanh nghiệp còn e dè khi theo đuổi chặng đường dài số hoá...

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 24-25% tổng doanh nghiệp cả nước.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 24-25% tổng doanh nghiệp cả nước.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện nay số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 24-25% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung nhiều nhất ở các ngành dịch vụ bán buôn, bán lẻ, chiếm khoảng 75%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 14,6%, khoa học công nghệ 7,3%.

RÀO CẢN LỚN NHẤT LÀ TÀI CHÍNH, THAY ĐỔI VĂN HOÁ KINH DOANH

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19, buộc doanh nghiệp phải thay đổi và thích ứng. Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh. 

Tại hội thảo “Chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ” ngày 16/8, nhiều ý kiến cho rằng biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ ở Việt Nam vẫn khó thực hiện được bởi khi áp dụng các công nghệ đổi mới này, doanh nghiệp thiếu rất nhiều như thiếu kiến thức và chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết theo kết quả khảo sát của VCCI, trước khi Covid-19 bùng nổ, chỉ có 20% doanh nghiệp quan tâm đến chuyển đổi số.

Năm yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số.
Năm yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số.

Sau 6 tháng, hơn 70% doanh nghiệp chú ý đến quy trình này và trên 50% doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt hơn 90% doanh nghiệp do nữ làm chủ mong muốn tham gia chuyển đổi số.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính, thay đổi văn hóa kinh doanh phù hợp với môi trường số, nhận thức cũng như năng lực của người lãnh đạo lẫn người lao động trong việc tiếp cận và lựa chọn các giải pháp công nghệ đang là thách thức với họ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Phòng Tổng hợp và Chính sách (Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng thông tin qua thêm rằng cuộc khảo sát vừa qua trên 1.500 doanh nghiệp đã cho thấy, trên 60% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; gần 53% doanh nghiệp khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,40% doanh nghiệp thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,40% thiếu thông tin về công nghệ số; 39% gặp khó trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; 32% và 26,60% thiếu cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh và của người lao động.

Thừa nhận nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu nguồn lực, bí quyết hoặc quyết tâm để thực hiện chuyển đổi số, nhưng ông Daniel Fitzpatrick, Giám đốc dự án USAID LinkSME lại lo ngại, kết quả đạt được dễ dàng như marketing trên internet có thể làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa dừng quá trình chuyển đổi số cho toàn bộ doanh nghiệp mình. Mà đây lại là quá trình cần thiết cho hầu hết các doanh nghiệp.

Đồng thời các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không nhận thấy được các thách thức không mang tính kỹ thuật đối với quá trình chuyển đổi số, ví dụ như vượt qua sự phản kháng của nhân viên.

NIỀM TIN THÀNH CÔNG LÀ SỨC MẠNH CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trước các rào cản này, từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp giai đoạn từ 2021-2025. Qua quá trình hỗ trợ đã chứng minh không gì là doanh nghiệp không thể làm được.

Điển hình, trước đó Công ty CP Xuân Hòa (Vĩnh Phúc, sản xuất nội thất), Xuân Hòa đã tham khảo một số mô hình chuyển đổi số và nhận thấy có những doanh nghiệp đã thất bại khi xây dựng hệ thống ERP (ứng dụng phần mềm đa phân hệ) hàng tỷ đồng.

Vì vậy, Xuân Hòa đã làm việc với các chuyên gia tư vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xây dựng lộ trình chuyển đổi số cơ bản, có hướng đi và cách làm phù hợp với thực trạng công ty, đặc thù sản xuất kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.

Hay với Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO, Nam Định, đúc thép cơ khí), giá trị đầu tiên mà công ty nhận được đó là sự tự tin và tầm nhìn. Tự tin vì đã có phương hướng triển khai và có người đồng hành. Việc có được tầm nhìn đối với Ban giám đốc là vô cùng quan trọng, vì từ tầm nhìn, nhận thức mà công ty sẽ có những quyết định triển khai và lộ trình đúng đắn.

Công ty đã đầu tư và vừa đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất IoT đầu tiên, từng bước số hóa, thông minh hóa các hoạt động để kiểm soát, nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất kinh doanh.

Chính vậy, theo các chuyên gia, không phải cứ doanh nghiệp lớn mới thực hiện chuyển đổi số, mà ở mức độ, quy mô nào chúng ta cũng có giải pháp cho chuyển đổi số phù hợp. Và chuyển đổi số ở mỗi doanh nghiệp là khác nhau, không có bài toán giống nhau. Một giải pháp không dành chung cho tất cả các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hoàng Hải, Chuyên gia chuyển đổi số, Dự án USAID LinkSME cho rằng thách thức lớn nhất với doanh nghiệp chuyển đổi số đó là niềm tin.

“Không thể cứ bảo doanh nghiệp tin đi, nhưng có gì để tin. Chỉ khi chúng ta chứng minh được việc mình làm là tốt, thành công thì mới tin được. Và khi đã có niềm tin thì sẽ có quyết tâm. Nếu không đủ quyết tâm thì sẽ dừng giữa chừng. Quyết tâm phải lớn để theo đuổi hành trình này, kéo dài 5 năm thậm chí lâu hơn nữa”, ông Hải nhấn mạnh.

Kinh doanh dựa trên các loại nguồn lực nhưng chuyển đổi số để doanh nghiệp có thêm nguồn lực nữa là công nghệ và nguồn lực gián tiếp chính là sự kết nối. Có công nghệ, doanh nghiệp có thể kết nối với các đối tác ở xa. Song làm thế nào để khai thác được nguồn lực thì là một quá trình nỗ lực của doanh nghiệp.