16:27 08/12/2022

Doanh nghiệp công nghệ số mang sứ mệnh mở đường giai đoạn mới

Nhĩ Anh

Thị trường trong nước vẫn còn mênh mông, thị trường nước ngoài càng vô tận. Điều quan trọng là cần làm cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách nghĩ. Doanh nghiệp số "đừng khoe nhiều giải pháp trung gian. Mục đích cuối cùng của Chính phủ, người dân là sử dụng"...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Diễn đàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Diễn đàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) với chủ đề "Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra ngày 8/12.

BA VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Theo Phó Thủ tướng, muốn đất nước đến 100 năm thành lập trở thành nước công nghiệp phát triển, có cuộc sống hoà bình, an toàn, văn hoá và một nền sản xuất hiện đại thì phải làm nhiều việc phi thường. Mục tiêu đặt ra từ 2020 - 2030 phải tăng trưởng GDP 7%/năm và từ năm 2031 trở đi cũng phải hơn 6,5-7%/năm.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình thấp thì phải như vậy, nhưng phải có những giải pháp rất đặc biệt, những khát vọng mãnh liệt, những khát vọng mà trong cộng đồng công nghệ thông tin 20 năm trước chúng ta đã từng có. Khi đã thành mong muốn, khát vọng thì phải ra những sức mạnh, động lực mới, cách làm mới, xung lực mạnh mẽ hơn.

Để làm được điều đó, Phó thủ tướng đưa ra ba vấn đề cần giải quyết. Trước hết phải thay đổi thể chế, giải quyết các vướng mắc từ các thông tư, Nghị định, luật pháp phải thay đổi mạnh mẽ.

Thứ hai, phải tập trung hơn vào nguồn nhân lực. Đây là vấn đề đã nói rất nhiều nhưng nếu duy trì quy định đào tạo như trước đây, không có giải pháp mới đột phá trong đào tạo sẽ không thể đào tạo ra 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin như mục tiêu đặt ra.

Thứ ba là việc tìm ra cái gì mới, còn dư địa. Hiện nay mọi người kỳ vọng vào chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ mà không đi vào những mũi nhọn mới của thế giới trong đó có công nghệ thông tin thì không thể đạt tăng trưởng 7%/năm.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Năm 2021, kinh tế số chiếm khoảng 9,6% GDP và trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này khoảng 10,5%. Đây là con số mục tiêu thách thức nhưng có thể làm được. Chúng ta chỉ còn 7-8 năm thực hiện mục tiêu và không thể không làm.

 “ĐỪNG KHOE NHIỀU GIẢI PHÁP TRUNG GIAN, MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH PHỦ, NGƯỜI DÂN LÀ SỬ DỤNG"

Theo Phó Thủ tướng, doanh nghiệp công nghệ là một trong các lực lượng quyết định Việt Nam có đi nhanh được không. Điều mừng nhất là còn nhiều dư địa nhưng không được quá mơ mộng mà cần có hành động thật để biến nó thành hiện thực.

Công nghiệp công nghệ thông tin đã có một vị trí quan trọng. Doanh thu ngành năm qua đạt 135 tỷ USD, xuất khẩu đạt 130 tỷ USD nhưng chủ yếu là phần cứng và của doanh nghiệp FDI. Trong khi xuất khẩu phần mềm, dịch vụ và nội dung số chỉ đạt khoảng 5%.

Đến nay, Việt Nam có khoảng 65.000 doanh nghiệp, số lượng không thua kém các nước ASEAN nhưng doanh thu chỉ xấp xỉ 5 tỷ USD. Trong đó có những doanh nghiệp lão làng như FPT, CMC, MISA đều trên 20 năm..., bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp mới đột phá.

Phó Thủ tướng cho rằng ngoài những doanh nghiệp lão làng có vai trò dẫn dắt định hướng ban đầu cần cùng nhau tạo sân chơi, kết nối thành một đội quân đông đảo, đoàn kết tạo thành sức mạnh và tự tin, mạnh dạn bước ra nước ngoài, chứ không thể đi ra ngoài một cách đơn lẻ.

Trước khi diễn đàn, Phó Thủ tướng đã đi thăm các gian hàng trình diễn sản phẩm của các doanh nghiệp công nghệ số. Phát biểu tại diễn đàn, ông nhắn nhủ doanh nghiệp số "đừng khoe nhiều giải pháp trung gian. Mục đích cuối cùng của Chính phủ, người dân là sử dụng".

Nêu ra các tồn tại trong việc chi trả chế độ an sinh xã hội, cho các đối tượng người có công; hoặc như trong dịch Covid-19, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nhưng mấy tháng không thể chi trả được tiền đến người dân… Dẫn ra các ví dụ về các bài toán cụ thể mà thị trường đang đặt ra trong giao thông thông minh, công nghệ tự động đo lưu lượng giao thông để điều chỉnh tín hiệu; hoặc du lịch qua điện thoại di động, xem được số hoá các di sản; có phiên dịch cho người nước ngoài… Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Công nghệ thông tin đang ở đâu và có làm được không?

Khẳng định, thị trường trong nước 100 triệu dân vẫn còn mênh mông và thị trường nước ngoài là vô tận, Phó Thủ tướng cho rằng điều quan trọng là cần phải làm cùng nhau, phải thay đổi cách làm, cách nghĩ. Với thị trường trong nước phải đặt ra các bài toán thật cụ thể và làm đến cùng, tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để người dùng không phải bận tâm và nghi ngờ.

Ông mong muốn các hiệp hội phát triển mạnh hơn và làm đúng vai trò của mình. Các doanh nghiệp nòng cốt cần cùng nhau, bằng danh dự những người làm công nghệ thông tin đi đầu, bước thẳng vào kỹ thuật số, mở đường cho đổi mới. Bước sang giai đoạn mới phải phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn. Lịch sử lại giao cho giới công nghệ thông tin sứ mạng là một trong những mũi nhọn mở đường trong sự nghiệp đưa đất nước thoát nghèo và người dân phải sống hạnh phúc hơn.

Đáp lại những mong mỏi của Phó thủ tướng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đã nêu rõ các vấn đề cần thực hiện. Trước hết, các doanh nghiệp cần có khát vọng lớn, tiên phong nhận nhiệm này để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Bộ sẽ xem xét thay đổi thể chế để phù hợp, giúp các doanh nghiệp số phát triển.

Bộ sẽ đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, trở thành nòng cốt cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bộ cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Ông Long cũng nhấn mạnh việc khai phá thị trường trong nước, đổi mới cách làm, lấy thị trường trong nước làm bàn đạp ra nước ngoài. Cuối cùng cần mạnh dạn ra nước ngoài, hình thành động ngũ đông đảo, có doanh nghiệp lớn dẫn dắt.