07:00 12/09/2021

Doanh nghiệp dịch vụ ăn uống TP.HCM “than” khó khi được mở cửa trở lại

Lưu Hà

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, bán lẻ, khách sạn tại TP.HCM vừa gửi thư kiến nghị lên lãnh đạo thành phố, trình bày về những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải…

Theo thư kiến nghị, các doanh nghiệp đều biểu lộ sự vui mừng khi thành phố cho phép hoạt động kinh doanh ăn uống được mở cửa trở lại từ ngày 7/9, song cho rằng việc triển khai chính sách đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, môi trường nhà hàng, quán ăn không có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho nhân viên. Việc xin giấy đi đường tại TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian.

Ngoài ra, việc di chuyển khó khăn cũng khiến doanh nghiệp F&B bị thiếu nguyên vật liệu để sản xuất, kinh doanh, nhà cung cấp không thể giao hàng liên quận, liên tỉnh. "Thời gian cho phép bán hàng quá ngắn (đến 18h) trong khi phần lớn nhu cầu ăn uống đa số là vào buổi tối," thư kiến nghị nêu rõ. Dù không có doanh thu nhưng các doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn, bán lẻ vẫn phải chi trả chi phí mặt bằng, kho bãi, nhân sự, bảo hiểm xã hội…

Với những khó khăn nêu trên, các doanh nghiệp kiến nghị với lãnh đạo TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Người lao động được tiêm ít nhất một mũi vaccine có thể đi làm bình thường. "Thành phố nên cho phép người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine được trở lại đi làm và sử dụng dịch vụ ăn uống. Người dân khi đến ăn uống tại các địa điểm phải quét mã vạch xác nhận tình trạng sức khỏe trước khi vào bên trong," doanh nghiệp kiến nghị.

Doanh nghiệp cũng đề nghị được chịu trách nhiệm kiểm tra sức khỏe cho nhân viên (tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19) đảm bảo tuân thủ 5K. Doanh nghiệp trong ngành ăn uống mong muốn được tự đi giao hàng và không bị phụ thuộc vào nhân viên giao hàng (shipper) của các ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng ăn uống cũng kiến nghị hàng hóa không nằm trong danh mục cấm lưu thông thì được di chuyển bình thường và cho phép các đơn vị vận tải, nhà xe cung ứng hàng hóa được giao hàng liên tỉnh, liên quận. Song song đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố không hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất để có đủ nguồn cung nguyên vật liệu, kể cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ như bao bì, tem nhãn…

Nhiều doanh nghiệp F&B vẫn chưa có ý định mở cửa trở lại do còn gặp nhiều khó khăn về lao động, chi phí, nguyên liệu...
Nhiều doanh nghiệp F&B vẫn chưa có ý định mở cửa trở lại do còn gặp nhiều khó khăn về lao động, chi phí, nguyên liệu...

Theo khảo sát ban đầu, một số doanh nghiệp lớn trong ngành F&B đều đang cân nhắc mở lại "trong thời gian ngắn", còn cụ thể khi nào và mở những chi nhánh nào thì chưa thể chia sẻ. Các chuỗi cà phê như Starbucks, Highlands Coffee, Waynes Coffee, The Coffee House hay nhà hàng Vua Cua hiện cũng chưa mở lại cửa hàng nào. Theo các doanh nghiệp, vẫn cần nhiều thời gian để ngành dịch vụ ăn uống thực sự trở lại được trong điều kiện khó khăn hiện nay. 

Ông Lê Xuân Trường, CEO hệ thống F&B chuyên bán hàng mang đi Tasty Kitchen cho biết dù bán món mang đi là lợi thế của hệ thống nhưng chưa kịp triển khai, có thể mất một thời gian nữa. Hơn nữa, doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý địa phương nếu muốn hoạt động trở lại, rồi sắp xếp lại nhân sự, nguyên liệu, nhân viên giao hàng... "Phần lớn nhân viên của chúng tôi đều đã về quê, một số ở trong khu vực phong tỏa, mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại. Chưa kể các điều kiện xét nghiệm, test Covid-19 và giá nguyên liệu tăng rất cao..." ông Trường nói.

Theo ông Mai Trường Giang, CEO Otoke Chicken và Chewy Chewy, doanh nghiệp F&B hiện nay đang phải chi trả rất nhiều chi phí và chấp nhận lỗ để duy trì mô hình kinh doanh mang đi. Việc giao hàng hiện nay của các cửa hàng cũng gặp nhiều khó khăn do giá giao hàng tăng vọt, lực lượng shipper không đủ, phí hoa hồng cho các ứng dụng giao hàng công nghệ là 20 - 30%. Chưa kể đến việc thành phố vẫn còn nhiều điểm phong tỏa, chưa thể giao hàng nội quận dễ dàng. "Vì vậy, chúng tôi sẽ theo dõi thêm và đưa ra kế hoạch mở lại khi tình hình ổn định hơn," ông Giang chia sẻ.

 
Trong khi đó, trả lời về thông tin quán ăn chưa mở cửa do thiếu nguyên liệu, chiều 10/9, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP.HCM có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Ông Phương khẳng định các loại thực phẩm chính hiện nay không thiếu. Việc nhiều quán ăn chưa mở lại có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, về cách thức vận hành, các quán ăn phải mở lại hoạt động trong an toàn, an toàn tới đâu mở tới đó. Các loại hình này trước mắt hoạt động "3 tại chỗ", chỉ bán mang về thông qua shipper. Hiện nay người giao hàng chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện. Người kinh doanh phải tính toán vì "3 tại chỗ" cũng gặp một số khó khăn.
Thứ hai, là việc cách thức tiếp cận với nguồn nguyên liệu. Trước đây, người kinh doanh có các nhà cung cấp thường xuyên, chỉ cần gọi điện thoại là giao hàng hóa tới. Hiện nay, người kinh doanh phải đặt hàng qua một người khác, vì các nhà cung cấp hiện nay chưa có giấy đi đường để có thể cung cấp được.
Thứ ba, hiện nay khách hàng, người dân không được trực tiếp đi ra đường, chỉ mua thông qua shipper, mà shipper chỉ hoạt động trong quận, huyện. Có nghĩa là quán ăn này chỉ phục vụ trong phạm vi 1 quận, huyện. Các quán ăn sẽ có khả năng không có lượng khách hàng lớn như trước đây, dẫn đến việc họ sẽ cân nhắc có mở ngay lúc này hay không…  Theo phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, lý do thiếu nguyên liệu là chưa chính xác.