Doanh nghiệp FDI “kêu khó, kể khổ” với Bí thư Đinh La Thăng
“Chúng ta gặp nhau ở đây là để khẳng định niềm tin với nhau”, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM nói
Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp.HCM và các nhà đầu tư nước ngoài năm 2016 với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới” diễn ra sáng 16/3, hàng loạt vướng mắc đã được đại diện các doanh nghiệp FDI phản ánh với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng.
Từ thủ tục hành chính…
“Chúng tôi biết ơn nếu quý vị có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này, giúp doanh nghiệp của chúng tôi không nản lòng khi đầu tư vào Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản phát biểu về việc một lượng lớn nhà đầu tư Nhật đang gặp khó khi đưa máy móc đã qua sử dụng vào Việt Nam, do vướng một số quy định, mà không được giải thích và giải quyết rõ ràng.
Vị này cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, thiếu minh bạch chính là rào cản cho những doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Võ Văn Huệ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Tp.HCM (Euro Cham) cho biết, nhiều doanh nghiệp châu Âu có văn phòng đại diện tại Tp.HCM. Thế nhưng, họ đang gặp khó khăn về thủ tục hành chính. Theo ông Huệ thì đây là vấn đề cấp thiết nhất mà lãnh đạo Tp.HCM cần có giải pháp.
Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, một đại diện doanh nghiệp FDI nói, các thủ tục hành chính quá rườm rà, đặc biệt là “giấy phép con” rất nhiêu khê, khiến cho doanh nghiệp phải mất thời gian chạy lòng vòng.
Bà Huỳnh Thị Lan Phương - Phó tổng giám đốc Công ty VWS, nhà đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tại Tp.HCM - kể câu chuyện mất đúng một năm cho thủ tục hành chính, cấp phép... “Đến nay, doanh nghiệp đã hoạt động tại Tp.HCM 11 năm, nhưng vẫn mang tâm trạng lo lắng khi một ngày mới, cứ mở mắt ra là lo đối phó”.
… đến thuế - hải quan
Cùng với thủ tục hành chính thì thủ tục hải quan, thuế cũng bị đánh giá còn thiếu rõ ràng tại Tp.HCM.
Để dẫn chứng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong Hiệp hội vẫn còn có những vướng mắc về thuế cần giải quyết. Cụ thể là vấn đề ưu đãi thuế.
Đại diện này lấy ví dụ, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp của hiệp hội đã được Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp Cần Thơ cấp phép đầu tư với chính sách thuế ưu đãi, thế nhưng khi làm việc với Cục Thuế Tp.HCM thì cơ quan này cho rằng giấy ưu đãi của ban quản lý trên không có giá trị, và doanh nghiệp phải đóng thuế.
Giải thích vấn đề này, Cục phó Cục Thuế Tp.HCM Trần Thị Lệ Nga cho biết, trường hợp được nêu trên là của một doanh nghiệp có trụ sở tại Tp.HCM mở nhà máy ở Cần Thơ. Ban Quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp Cần Thơ có cấp chứng nhận đầu tư và ưu đãi thuế, nhưng do có nhiều “vướng mắc” trong cách xử lý, nên Cục Thuế Tp.HCM phải làm văn bản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để trình Thủ tướng xem xét.
Tuy nhiên, giải thích của bà Nga không được ông Đinh La Thăng hài lòng, và yêu cầu cơ quan thuế phải giải quyết rõ ràng, không để cho doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, khi các cơ quan thiếu nhất quán trong thủ tục.
Cũng tại cuộc gặp gỡ, đại diện một công ty Hàn Quốc đề cập thẳng việc hiện nay đang bị cơ quan hải quan Tp.HCM “gây khó dễ”. Cụ thể, Chính phủ có quy định các mặt hàng giảm thuế hải quan, nhưng khi công ty này kê khai tại hải quan, thì vẫn bị thu như bình thường.
“Rất nhiều trường hợp khi doanh nghiệp liên hệ làm việc với cơ quan thuế và hải quan thì người có trách nhiệm vắng mặt khiến chúng tôi đi lại nhiều lần, không thể giải quyết được. Việc thay đổi luật thường xuyên khiến doanh nghiệp cũng đau đầu”, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết.
Đại diện Cục Hải quan Tp.HCM lên tiếng, cho rằng hải quan chỉ làm thủ tục xuất nhập khẩu, còn liên quan đến chính sách thì do các bộ ban ngành.
Tuy nhiên, khi vị Phó cục trưởng Cục Hải quan đang giải thích, thì ông Thăng nhắc, “cần trả lời thẳng vấn đề, đừng hỏi một đằng đi trả lời một nẻo”.
Ông Thăng hỏi hiện tại hải quan có “mấy cửa”, có làm thủ tục một cửa không? Đại diện hải quan thành phố cho biết, đến nay có hơn 50% doanh nghiệp đến làm thủ tục là luồng xanh, 40% còn lại là luồng vàng và 8% là luồng đỏ. “Trong thời gian qua, chúng tôi cố gắng để giảm luồng đỏ còn 5%”.
Bí thư Đinh La Thăng nói, lãnh đạo Cục Hải quan thành phố chưa làm rõ vấn đề. Ông yêu cầu giải quyết những vướng mắc mà doanh nghiệp nêu trong vòng một tuần.
Và, cần phải gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp thường xuyên, chứ không phải một năm chỉ có hai lần như đại diện cơ quan thuế trình bày.
“Luôn lắng nghe doanh nghiệp”
“Chúng ta gặp nhau ở đây là để khẳng định niềm tin với nhau. Lãnh đạo Tp.HCM luôn trân trọng, đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp vào công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá, góp phần xây dựng Tp.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính.Nếu không có đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, thì chắc chắn không thể đạt được những mục tiêu này”, Bí thư Thành uỷ Tp.HCM nói.
Ông cũng khẳng định, sẽ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Tp.HCM, trong môi trường, điều kiện tốt nhất. Tp.HCM cần phải nỗ lực, các sở ngành phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, một cách minh bạch và liêm chính.
“Tôi đề nghị các sở ban ngành rà soát lại, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, nỗ lực tìm cách tháo gỡ các vướng mắc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các chương trình đột phá của thành phố”, ông nói.
Về phía doanh nghiệp, Bí thư Thăng động viên, cần tiếp tục nghiên cứu, có dự án đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng, cộng với cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp cần minh bạch, liêm chính. “Chính quyền công khai minh bạch, liêm chính thì các doanh nghiệp cũng phải minh bạch, liêm chính, có như vậy mới có niềm tin với nhau”.
Bí thư Thăng cho biết thêm, UBND Tp.HCM đang tổ chức các cơ chế đối thoại, thiết lập đường dây nóng của các sở ban ngành, của Thành ủy, UBND… để làm sao việc giải quyết cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp là công việc thường xuyên, hàng ngày. Tp.HCM cũng đang khẩn trương triển khai mô hình chính quyền điện tử để minh bạch thủ tục hành chính.