17:45 24/01/2024

Doanh nghiệp Hà Nội cung cấp 19.500 tấn thịt lợn, 5.400 tấn thịt bò phục vụ Tết

Song Hoàng

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền...

Doanh nghiệp Hà Nội chủ động nguồn hàng Tết
Doanh nghiệp Hà Nội chủ động nguồn hàng Tết

Sáng 23/1, Bộ Công thương làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, nhu cầu tiêu dùng trong 1 tháng Tết của người dân Hà Nội tiêu thụ gạo 97.650 tấn; Thịt lợn hơi 19.500 tấn lợn; Thịt bò 5.400 tấn; Thịt gia cầm 6.500 tấn; Thủy sản 5.420 tấn, Thực phẩm chế biến 5.420 tấn; Rau củ 52.400 tấn; Trứng gia cầm 130 triệu quả; Trái cây 52.400 tấn.

Mặc dù nhu cầu cao nhưng hiện ngoài một số mặt hàng như thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy sản nước ngọt… Hà Nội có khả năng tự cung ứng, còn các nhóm hàng còn lại khả năng đáp ứng khoảng 20-70% nhu cầu vì vậy việc dự trữ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm trước, trong và sau Tết là điều cần thiết.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Trong đó ưu tiên hàng Việt Nam và đặc sản vùng, miền. Cụ thể, thành phố Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo…

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin, để chủ động nguồn hàng phục vụ nhân dân trong dịp Tết, trong năm 2023 thành phố Hà Nội đã triển khai tổ chức trên 100 hoạt động, sự kiện giao thương, xúc tiến thương mại (trong đó Sở Công Thương duy trì tổ chức khoảng 40 sự kiện). Qua đó đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ trên 5.000 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh vào hệ thống phân phối; hỗ trợ kết nối tiêu thụ khoảng 500.000 tấn hàng hóa từ các tỉnh, thành phố.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Năm 2023, tăng trưởng chung cả ngành đạt 2,74%. Nguồn cung sản xuất nội mới chỉ đáp ứng được 20-70% nhu cầu từ của thị trường, phần còn lại là khai thác từ các tỉnh, thành khác và nhập khẩu. Từ thực tế trên, thời gian qua, Hà Nội đã kết nối, hợp tác, ký kết biên bản ghi nhớ với 43 tỉnh, thành, xây dựng và phát triển hơn 900 chuỗi liên kết để cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng Thủ đô. Có thể khẳng định, hiện nay nguồn cung thực phẩm liên quan đến chăn nuôi khá ổn định.

Hà Nội cũng đã duy trì 159 chuỗi cung ứng ATTP. Đặc biệt, Thành phố có 2.167 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao; 63% các ngành hàng liên quan đến nông sản, thực phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các ngành chăn nuôi, trồng trọt chuẩn bị, bảo đảm nguồn cung trước, trong và sau Tết.

Về phía nhà sản xuất, đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, Tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa tăng 20% so với bình thường. Về lượng dự kiến lượng hàng cụ thể cung cấp cho thị trường miền Bắc trong tháng Tết khoảng 4,5 nghìn tấn thịt gà và thịt lợn, trong đó, thị trường Hà Nội chiếm 40%.

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị này đã có kế hoạch kiểm soát thị trường nhất là mặt hàng xăng dầu, thời gian sau Tết sẽ xảy ra hiện tượng tẩy date hàng hóa (vừa qua đơn vị đã bắt giữ tại Đông Anh 50 tấn hàng hóa có dấu hiệu tẩy date) xâm phạm đến quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng. Mặc dù nguồn hàng dồi dào nhưng sức mua không tăng rất có thể sau Tết phải “giải cứu” doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.