17:08 22/01/2024

Hà Nội phấn đấu đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp

Thanh Xuân

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2024. Trong đó, một số mục tiêu cụ thể đặt ra là hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp; thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc ban hành “Kế hoạch quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố năm 2024” nhằm: hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 23 cụm công nghiệp còn lại, để hoàn thành khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp được thành lập giai đoạn 2018 - 2020; hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 15-20 cụm công nghiệp; thành lập và mở rộng 10-15 cụm công nghiệp; phấn đấu 100% cụm công nghiệp xây dựng mới và 100% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND TP sẽ triển khai xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện Phương án phát triển cụm công nghiệp được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức công bố Phương án phát triển cụm công nghiệp, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định; tiếp tục hoàn thiện Chương trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức quản lý, phát triển các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Cụ thể tiến hành triển khai rà soát, đánh giá hiện trạng thu thập dữ liệu thông tin các cụm công nghiệp; đầu tư, cải tạo nâng cấp duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2 đối với cụm còn diện tích theo quy hoạch, có nhu cầu và đủ điều kiện mở rộng; tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp; quản lý theo dõi, xử lý việc sử dụng đất, xây dựng đất trái phép theo đúng quy định và quy hoạch được phê duyệt.

Song song những nội dung trên, Hà Nội còn tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập. Trong đó, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút các dự án đầu tư thứ phát vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thực hiện giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp còn lại.

Đồng thời, Thành phố sẽ đẩy mạnh việc phát triển thành lập cụm công nghiệp mới. Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn đối với các cụm công nghiệp đã được UBND huyện, thị xã đề xuất nhưng còn vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đê điều và phòng chống lũ; thúc đẩy các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư đối với các cụm công nghiệp có trong quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

UBND TP giao Sở Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển cụm công nghiệp, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu chỉ đạo của Thành phố.