11:12 10/09/2010

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư vào nông nghiệp

Hồng Thoan

Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp

Chế biến thủy sản là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư.
Chế biến thủy sản là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào nông nghiệp.

Từ ngày 8 - 10/9, ông Jae Huyn Cho, Giám đốc Kế hoạch và phát triển Trung tâm ASEAN (Hàn Quốc) đã dẫn đầu đoàn 20 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu máy nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, chế biến thủy sản, trồng trọt và nông nghiệp... sang Việt Nam tìm hiểu môi trường, chính sách và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản.

Tại hội thảo thương mại và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc 2010 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chủ trì tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Việt Nam rất khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Ngoài ưu đãi chung với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 61/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng sẽ được hưởng những ưu đãi về đất đai như miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuế đất, thuê mặt nước, được hỗ trợ thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, được hưởng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cước phí vận tải, cũng như hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ.

Trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc, bà Trần Thị Miêng, Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định rằng nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm kêu gọi đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bà Trần Thị Miêng cũng thừa nhận, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này còn rất hạn chế.

Nếu như năm 2001, lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chiếm khoảng 8% cơ cấu đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì đến thời điểm cuối năm 2009, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ chiếm 1%, trong khi lĩnh vực dịch vụ, bất động sản lại chiếm tới hơn 70%.

Vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư “nóng” vào một số ngành như bất động sản, thép, xi măng, kết cấu hạ tầng..., còn ngành nông lâm ngư nghiệp được đánh giá là dài hơi hơn nên lượng đầu tư còn ít. Do cơ cấu đầu tư “nóng” chiếm tỷ trọng rất lớn khiến cho tỷ trọng của các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp giảm đi.

Đến nay, các ngành đầu tư “nóng” đã nhìn thấy mặt trái nên bắt đầu quay về thực chất. “Với thế mạnh và tiềm năng của Việt Nam về lĩnh vực nông lâm thủy sản, tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào lĩnh vực và chúng ta luôn sẵn sàng đón nhận các dự án có chất lượng”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.

Trong đó, Hàn Quốc là nước có công nghệ tương đối cao so với các nước Mỹ, G7, châu Âu, và cũng khá phù hợp với nền kinh tế của Việt Nam nên các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ rất thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Cũng theo bà Trần Thị Miêng, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có thế mạnh trong việc chế biến sản phẩm từ lương thực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn coi đây là một lĩnh vực tiềm năng và muốn kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào chế biến các sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có các sản phẩm từ lương thực, sản phẩm từ chế biến cà phê, chế biến chè và các sản phẩm nông sản khác theo hướng chế biến sâu.

Hiện xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng rất nhanh, một số nhóm hàng như cà phê, chè... của Việt Nam cũng được phía Hàn Quốc nhập khẩu rất nhiều. Đặc biệt, một số nhóm hàng được các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ quan tâm về thương mại, mà còn rất quan tâm đến đầu tư, chẳng hạn như chế biến những sản phẩm từ gạo.

Rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang tìm hiểu cơ chế chính sách của Việt Nam, đã gặp gỡ và làm việc với nhiều đối tác Việt Nam để xúc tiến đầu tư những dự án chế biến sản phẩm từ gạo nói riêng và từ lương thực nói chung.

Đối với lĩnh vực chế biến thủy hải sản, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã gặt hái được thành công. Thời gian qua, trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được với kỹ thuật, công nghệ và quản lý... ngang bằng với trình độ chế biến của các nước trong khu vực, thậm chí tiếp cận được với trình độ chế biến của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Bởi thực tế xuất khẩu thủy sản vào các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đòi hỏi chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao và nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được.

Vì vậy, Việt Nam cũng mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực thủy sản theo hướng tập trung đầu tư vào chế biến sản phẩm giá trị gia tăng cao, đầu tư có chiều sâu chứ không kêu gọi đầu tư những dự án chạy theo quy mô và số lượng.

Theo đánh giá của bà Trần Thị Miêng, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam, cả về trình độ chế biến, trình độ khoa học công nghệ khi mà họ muốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy sản tại Việt Nam.