14:49 23/12/2008

Doanh nghiệp ít có tư duy… giảm giá?

Doanh nghiệp không bán được hàng nhưng cũng không chịu hy sinh lợi nhuận để giải phóng hàng

"Với những nhà kinh tế thị trường thực sự, họ sẽ tính bài toán: không ăn từ mức chênh lệch giá mà từ quy mô bán ra, giảm giá xuống để bán được nhiều hàng" - Ảnh: N.N.
"Với những nhà kinh tế thị trường thực sự, họ sẽ tính bài toán: không ăn từ mức chênh lệch giá mà từ quy mô bán ra, giảm giá xuống để bán được nhiều hàng" - Ảnh: N.N.
Giá cả hàng hóa đang ở mức rất cao so với thu nhập của người dân. Doanh nghiệp không bán được hàng nhưng cũng không chịu hy sinh lợi nhuận để giải phóng hàng; không dám “cắt lỗ” để quay vòng sản xuất nhanh hơn.

Đây là một trong nhiều nhận xét của ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về ứng xử của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh giá cả đang cao và mua sắm tiêu dùng khá trì trệ hiện nay.

Những yếu tố nào chi phối khiến giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống hiện vẫn đứng ở mức cao, bất chấp chi phí, nguyên liệu đầu vào đã liên tục hạ nhiệt hiện nay, thưa ông?

Tôi cho là có 4 yếu tố. Đầu tiên là ngay trong tư duy, chúng ta thường có tư duy tăng giá chứ ít có tư duy giảm giá. Những hành động giảm giá hầu hết là do sức ép này, sức ép kia. Điển hình là ứng xử của ngành xăng dầu vừa rồi: khi tăng giá họ làm rất nhanh nhưng khi giảm giá lại chậm.

Ở nước ngoài, các mặt hàng tiêu dùng như điện tử, điện máy, quần áo họ tiêu dùng theo mùa, 3 – 6 tháng là một chu kỳ ra sản phẩm mới cho nên nhà sản xuất sẵn sàng đại hạ giá để đẩy hết hàng đi. Ở Việt Nam, ngoại trừ ngành hàng điện tử, điện máy đang ảnh hưởng từ cách làm này, còn phần lớn doanh nghiệp ít nghĩ đến phải giảm giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.

Ngay các văn bản quản lý giá của Nhà nước vừa rồi cũng chỉ đề cập đến vấn đề giữ giá, tăng giá chứ không nói đến giảm giá. Các văn bản về bình ổn giá – tức là giảm sự biến động của giá, cũng chủ yếu hiểu theo chiều hướng biến động giá là tăng giá, chứ ít hiểu là còn giảm giá.

Thứ hai, đó là vấn đề lợi nhuận. Càng giữ được giá cao trong bối cảnh đầu vào giảm thì doanh nghiệp càng kiếm được nhiều lợi nhuận. Hiện tại hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không chịu lùi, không biết hy sinh lợi nhuận để thúc đẩy bán hàng mặc dù bối cảnh kinh tế đã khác, thời kỳ tăng trưởng ồ ạt đã được thay bằng suy thoái kinh tế.

Thứ ba là một số ngành hàng, doanh nghiệp hiện đang phải tiêu thụ phần nguyên liệu, hàng hóa mà trước đây họ đã nhập với giá rất cao.

Thứ tư là trong sản xuất kinh doanh có hai khoảng là chi phí cố định và chi phí biến đổi. Khi bán được ít hàng, chi phí cố định trên tổng chi phí càng lớn thì nhà sản xuất kinh doanh càng muốn giữ giá bán cao vì sợ giảm lợi nhuận.

Với những nhà kinh tế thị trường thực sự, họ sẽ tính bài toán: không ăn từ mức chênh lệch giá mà từ quy mô bán ra, giảm giá xuống để bán được nhiều hàng. Lúc đó sẽ giảm được chi phí cố định, chỉ có chi phí biến đổi.

Một số ý kiến cho rằng, cần một độ trễ, khoảng thời gian nữa thì mức giá trên thị trường hiện nay mới giảm được?

Câu chuyện này không phải độ trễ. Thực sự ở một số ngành hàng doanh nghiệp có thể giảm giá bán được rồi nhưng họ không giảm. Quan điểm, tâm lý bán hàng ở ta là không chịu giảm lợi nhuận của mình, có lợi rồi còn muốn lợi hơn nữa.

Kinh doanh phải biết “cắt lỗ”

Ông có nhận xét gì đối với ứng xử về giá cả của phần đông doanh nghiệp trong tình hình kinh tế đang có nhiều biến đổi? Phải chăng họ vẫn lúng túng, chưa biết làm thế nào cho phù hợp?

Làm việc với nhiều doanh nghiệp thời gian qua, tôi thấy có hiện tượng là khi lạm phát, giá tăng họ kêu toáng là giá đầu vào tăng, lỗ, phải tăng giá bán. Đến khi giá đầu vào giảm, họ cũng kêu toáng là không giảm giá bán vì lỗ. Việc không biết phải làm gì là rất nguy hiểm với các doanh nghiệp VN.

Không phải kinh tế tốt mới kiếm được lợi nhuận mà kinh tế xấu cũng kiếm được lợi nhuận. Có người nói, trong làm ăn kinh doanh, phải thúc đẩy khủng hoảng, nghĩ ra khủng hoảng để kiếm lợi.

Góp ý của ông với các doanh nghiệp nói chung là gì?

Đối với nước ta, sự phụ thuộc vào quốc tế quá lớn, mà thế giới luôn biến đổi nên doanh nghiệp phải chủ động đặt ra các phương án khác nhau. Trường hợp xấu thì làm thế nào, tốt thế nào, giá tăng thì làm gì, giảm làm gì. Nguyên tắc là để kiếm lợi nhuận được từ đó.

Quan trọng hơn tôi cho là mỗi doanh nghiệp hiện phải tự rà soát lại năng lực của mình. Số thứ nhất nếu thấy không có năng lực cạnh tranh và khả năng hoạt động thì nên phá sản. Tự hủy mình đi để đem cái năng lực về cho người khác tốt hơn.

Số thứ hai là phải xem có thực sự có lợi thế về thị trường không. Thực tế hiện có rất nhiều doanh nghiệp ngộ nhận về mình nên năng suất, hiệu quả rất thấp. Theo đó, nếu không có lợi thì chuyển đổi sang lĩnh vực có lợi hơn. Còn loại thứ 3, bản thân đã xác định đúng khả năng của mình, lúc đó mới xác định tăng năng suất, nguồn lực, đổi mới…

Cũng cần lưu ý, để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, chưa bàn đến chuyện chất lượng sản phẩm, sau bán hàng, doanh nghiệp phải nhìn nhận được là mức giá họ bán đang rất cao nếu so sánh với mức thu nhập của người dân. Chưa kể nếu mở cửa ra cho nhập khẩu thì giá nhiều sản phẩm nước ngoài còn thấp hơn nữa.

Do đó, để tồn tại, tiếp tục quay vòng sản xuất, doanh nghiệp phải nghĩ cách giải phóng hàng. Kích thích tiêu dùng bằng cách đơn giản nhất giảm bớt lợi nhuận để lùi giá xuống. Đó có thể là hy sinh lợi nhuận, đưa về mức hòa trong từng thời điểm, thậm chí chấp nhận bán lỗ để lấy lãi của chu kỳ này bù vào lỗ của chu kỳ kia. Kinh doanh là phải tính toán, “cắt lỗ” như vậy, không thể đòi lúc nào cũng lãi cả.

Cần đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết

Theo dự đoán của ông, sang năm 2009 mặt bằng giá cả sẽ theo chiều hướng nào?

Nếu cứ trong bối cảnh như hiện nay thì giá sẽ xuống nhưng điều tôi lo ngại nhất là chưa rõ chương trình kích cầu của Chính phủ sẽ được tính toán thế nào.

Trong khi hàng hóa chỉ có hạn, việc bơm tiền ra tràn lan, không đúng đối tượng và kiểm soát chặt chẽ, sẽ không thể xuống giá mà ngược lại, kích thích tăng giá. Sản xuất thu hẹp, thất nghiệp tràn lan, phân hóa giàu nghèo quá mức, suy thoái kinh tế đi đôi với lạm phát lúc đó còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với suy thoái kinh tế đi đôi với giảm phát.

Về quản lý của Nhà nước, rất khó để điều tiết cân bằng 3 quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ở đây, cần đặt quyền lợi của người tiêu dùng là 86 triệu dân lên trên hết. Bởi lẽ bảo vệ người dân về mặt kinh tế chính là bảo vệ tiêu dùng của họ. Tiêu dùng đó tác động, chi phối đến sản xuất.

Nguyễn Nga (Vietnamnet)