08:54 16/11/2009

Doanh nghiệp “lách luật” trốn bảo hiểm thất nghiệp

Lý Hà

Những lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 1/1/2009

Tuy nhiên, để trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng  thời vụ với người lao động - Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, để trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng thời vụ với người lao động - Ảnh minh họa.
Nghị định 127/2008/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện. Thế nhưng sau gần một năm tham gia bắt buộc bảo hiểm thất nghiệp này, xem ra không nhiều người lao động được tiếp cận với loại bảo hiểm này bởi không ít doanh nghiệp vẫn tìm cách “lách luật”, trốn đóng về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo quy định, những lao động được ký hợp đồng từ 12 tháng trở lên thuộc diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm thất nghiệp kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, trong đó người lao động phải đóng 1% tiền lương và chủ sử dụng đóng 1%. Tuy nhiên, để trốn đóng khoản này, nhiều chủ doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng  thời vụ với người lao động.

Doanh nghiệp với nhiều “chiêu” trốn

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm hợp tác phát triển nguồn nhân lực (C&D) và Tổ chức ActionAid tại một số địa phương công nghiệp về lao động nhập cư cho kết quả: có trên 70% lao động nhập cư là nữ, trong đó chỉ có 28% nữ công nhân nhập cư có hợp đồng không xác định thời hạn, trong đó Hà Nội chỉ đạt 15%, Đà Nẵng 17%.

Có 10% công nhân nữ nhập cư đang ký hợp đồng “miệng” hoặc không ký hợp đồng lao động, 24% đang ký hợp đồng với thời hạn dưới 12 tháng ngay cả khi đang làm những công việc thường xuyên, không có tính chất thời vụ, thậm chí có 2% lao động nữ không biết mặt mũi hợp đồng ra sao. Tính chất bấp bênh còn thể hiện ở chỗ có tới 36% công nhân nữ nhập cư đã từng chuyển nơi làm việc 1-5 lần trong 5 năm qua.

“Chiêu” của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động, để trốn tránh các khoản đóng góp thuộc về trách nhiệm xã hội cho người lao động là ban hành quy định về việc ký hợp đồng cho lao động, trong đó phần lớn lao động phổ thông sẽ ký hợp đồng theo trình tự: Hợp đồng lao động lần thứ nhất (có thể có thêm hợp đồng lao động gia hạn lần 1), Hợp đồng lao động xác định thời hạn lần 2, Hợp đồng lao động gia hạn (lần 2) rồi mới ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Với quy định như vậy, số lao động gắn bó với công ty đến khi được ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn là không nhiều.

Điều 27, Bộ luật Lao động quy định không được ký quá 2 lần hợp đồng xác định thời hạn. Tuy nhiên, Điều 33 Luật này lại cho phép trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên có quyền thay đổi nội dung hợp đồng lao động (bao gồm cả thay đổi thời hạn hợp đồng).

Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã vận dụng quy định này để gia hạn hợp đồng, tránh ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động, mục đích “né” nộp bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, với quy định hợp đồng lao động trên 12 tháng mới bắt buộc đóng về bảo hiểm thất nghiệp, xem ra kẽ hở cho doanh nghiệp trốn đóng về bảo hiểm thất nghiệp vẫn khá lớn.

Xử phạt như thế nào?

Ông Bùi Đình Khương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, cho tới thời điểm này chưa tổng kết được số lao động tham gia so với số lượng bắt buộc phải tham gia. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp tới thời điểm này vẫn chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dù thời gian được chậm đóng chỉ được phép đến tháng 7 vừa qua.

Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động có thể trốn đóng bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động. Tuy luật pháp không cho phép việc liên tục ký hợp đồng ngắn hạn như vậy nhưng do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm nên thực tế này vẫn xảy ra.

Bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình được ghi nhận tại Luật Bảo hiểm xã hội, bắt buộc thực hiện đối với người lao động là công dân Việt Nam thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn và xác định thời hạn từ đủ 12 đến 36 tháng và các đơn vị có sử dụng lao động từ 10 người trở lên.

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương và Tiền công, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp.HCM, trước tiên cần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp thông qua các hiệp hội ngành nghề của mình để kiến nghị chính phủ xem xét.

Nguyên nhân của những khó khăn khi thực thi về bảo hiểm thất nghiệp được lý giải là do người lao động và người sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của chính sách cũng như trách nhiệm và quyền được tham gia về bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu sẽ làm tăng tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, kể từ ngày 1/1/2009, chủ sử dụng lao động còn phải đóng thêm hai khoản phí nữa, đó là 1% quỹ lương tiền phí công đoàn và 1% quỹ lương tiền bảo hiểm thất nghiệp. Những khoản phí liên quan đến người lao động này làm gia tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Nên việc doanh nghiệp trốn đóng, “lách luật” là thực tế.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, hiện Bộ này đang dự thảo nghị định thay thế Nghị định 135 về xử phạt hành chính các vi phạm về bảo hiểm xã hội, trong đó đưa ra mức phạt với những doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Mức phạt tối đa được dự kiến là 12 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ý kiến từ phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu chỉ phạt để “răn đe” thì khó có thể ràng buộc được trách nhiệm của doanh nghiệp mà cần phải tăng mức phạt lên cao để chỉ cần phạt một lần là doanh nghiệp sợ không dám vi phạm nữa.