Doanh nghiệp mất đơn hàng, hàng vạn lao động ở nhiều tỉnh, thành mất việc
Số lượng đơn hàng sụt giảm, chi phí nhiên liệu, vận chuyển tăng cao là những nguyên nhân cơ bản khiến cho rất nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng lớn lao động...
Ngày 11-11, tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho hay, cơ quan này vừa thống nhất với Công ty TNHH An Giang SAMHO phương án hỗ trợ cho khoảng 5.300 công nhân đã và sẽ bị mất việc làm từ đây tới cuối năm.
Theo báo cáo của Công ty SAMHO, thời gian qua, số lượng đơn hàng sụt giảm, ngoài ra nhãn hàng là đối tác của công ty đã ngừng đặt hàng đến cuối tháng 11-2022 và công ty không còn sản xuất cho những nhãn hàng này.
Từ những khó khăn đó, công ty đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh An Giang về kế hoạch thu hẹp sản xuất, bố trí lại lao động để duy trì sản xuất; đồng thời đính kèm phương án sử dụng lao động của công ty.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang cho biết, An Giang hỗ trợ cho tất cả đoàn viên, người lao động có tên trong danh sách cắt giảm hợp đồng của Công ty SAMHO với mức hỗ trợ cho mỗi trường hợp 500.000 đồng từ nguồn kinh phí của công đoàn.
Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng; Công đoàn các khu công nghiệp 100.000 đồng và công đoàn cơ sở tại công ty hỗ trợ 200.000 đồng. Thời gian hỗ trợ sau khi công ty có thông báo danh sách chính thức số người lao động bị cắt giảm hợp đồng.
Đại diện Công ty SAMHO cho hay, đã thông báo công ty sẽ hỗ trợ mỗi công nhân bị cắt giảm hợp đồng là 2 triệu đồng, áp dụng cho người lao động có tên trong danh sách cắt giảm mà công ty đã công bố, bao gồm người lao động dưới 12 tháng đã thôi việc sau khi nhận được thông báo.
Cũng giống như tại An Giang, nhiều tháng vừa qua, không ít doanh nghiệp tại Bình Dương đang hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.
Hiện nay, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động. Các đơn vị thuộc sở cũng đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Kỳ vọng sang năm 2023 tình hình kinh tế sẽ có nhiều điểm sáng, tác động tích cực đến tình hình lao động việc làm; doanh nghiệp có thêm đơn hàng, tuyển thêm lao động.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 6/11 Công đoàn các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM cho biết, 51 doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị giảm đơn hàng và có 6.000 công nhân bị ảnh hưởng nặng nề.
Nguyên nhân do giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, trong khi mùa đông ở Châu Âu đang bắt đầu. Từ những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân các nước Mỹ, Châu Âu, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm….
Nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như: nữ trang, thời trang cao cấp (quần áo, da giày có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới), gỗ...
Mới đây nhất hai công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may - giày da thông báo dự kiến cắt giảm hàng ngàn lao động. Cụ thể, Công ty TNHH Tỷ Hùng (P.An Lạc, Q.Bình Tân; có tổng số 1.822 người lao động) đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 người lao động.
Tiếp theo là Công ty TNHH Việt Nam Samho (xã Trung An, H.Củ Chi; có tổng số 8.733 người lao động) dự kiến giảm hơn 1.400 công nhân. Lý do được nêu ra là vì công ty thiếu đơn hàng, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.