Doanh nghiệp Mỹ “sốt xình xịch” vì kế hoạch tăng thuế của ông Biden
Phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phản đối kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden
Phần lớn giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ phản đối kế hoạch tăng thuế của Tổng thống Joe Biden do lo ngại kế hoạch này cản trở đà phục hồi của nền kinh tế hậu đại dịch.
Có tới 55 đại doanh nghiệp Mỹ nằm trong danh sách Fortune 500 hoặc có tên trong chỉ số S&P 500 không phải nộp một đồng thuế thu nhập nào trong năm 2020 nhờ các khoản khấu trừ thuế - một phân tích của Viện Chính sách kinh tế và thuế cho hay. Trong khi đó, thu ngân sách từ thuế của Mỹ đã giảm mạnh từ khi Tổng thống Donald Trump giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2018. Thâm hụt ngân sách thậm chí lên mức kỷ lục trong năm ngoái sau khi Washington tung ra hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế từ đại dịch.
ÔNG BIDEN MUỐN THUẾ TĂNG THẾ NÀO?
Đó là lý do vì sao ông Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% hiện tại lên 28% để trang trải cho một gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD mà ông công bố mới đây.
Ngoài mức tăng thuế doanh nghiệp 28%, ông Biden còn tham vọng áp thuế tối thiểu 15% với các đại công ty. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi có nhiều điều kiện để miễn trừ thuế, các doanh nghiệp lớn vẫn phải chịu mức thuế ít nhất 15%. Nguyên nhân là các đại công ty đã "sử dụng những lỗ hổng luật pháp để không phải trả bất kỳ xu lẻ nào tiền thuế thu nhập liên bang", trong khi đó các hộ gia đình trung lưu phải trả mức thuế hơn 20%. "Điều đó không công bằng với phần còn lại, những người dân đang đóng rất nhiều thuế vào ngân sách Mỹ" - theo ông Biden.
Một phân tích gần đây của chuyên gia kinh tế trưởng Martin Sullivan từ Tax Notes cho biết 33 trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ có thể bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15% mà Tổng thống Biden đề xuất. Trong đó có nhiều tập đoàn công nghệ và tài chính tên tuổi như AT&T, Nvidia, Adobe, JPMorgan Chase, Intel hay Target. Tính toán của ông Sullivan cho thấy mức thuế tối thiểu 15% sẽ buộc 33 đại công ty này nộp thêm 20 tỷ USD tiền thuế vào ngân sách quốc gia.
Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Bharat Ramamurti đã tóm tắt đề xuất tăng thuế của ông Biden: "Tổng thống có một niềm tin mạnh mẽ rằng các tập đoàn lớn, các đại công ty đã kiếm bộn tiền trong vài thập kỷ qua nên trả nhiều tiền thuế hơn".
Một tính toán của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy dự luật tăng thuế doanh nghiệp có thể giúp tăng thu ngân sách quốc gia 2,5 nghìn tỷ USD trong vòng 15 năm, đủ trang trải cho gói cơ sở hạ tầng 2 nghìn tỷ USD như kỳ vọng của ông Biden. Gói chi tiêu sẽ giúp tái thiết cơ sở hạ tầng nước Mỹ, hồi sinh ngành sản xuất và tạo ra hàng triệu việc làm mới cho nền kinh tế để giải quyết tình trạng tỷ lệ thất nghiệp cao hậu đại dịch. Chính quyền Biden muốn lấy đó làm động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Mỹ.
DOANH NGHIỆP LÊN TIẾNG
Cuộc khảo sát được thực hiện mới đây bởi Business Roundtable - một hiệp hội Giám đốc điều hành (CEO) Mỹ - cho thấy quan điểm kiên quyết phản đối đề xuất tăng thuế doanh nghiệp của ông Biden. Đa số các CEO quan ngại kế hoạch tăng thuế sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế hậu đại dịch đồng thời làm tổn thương cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Cụ thể, 75% trong số 178 CEO được hỏi cho rằng tăng thuế doanh nghiệp sẽ tác động tiêu cực đến các khoản đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển (R&D), qua đó cản trở sự đổi mới và năng lực cạnh tranh. 71% thừa nhận tăng thuế sẽ tác động tiêu cực đến chi phí sử dụng lao động.
"Khi chúng ta nhìn về chặng đường phục hồi sau đại dịch Covid-19, duy trì chính sách thuế cạnh tranh hiện tại là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ cũng như tạo thêm cơ hội cho người Mỹ" - nhận định của CEO Raytheon Technologies Corp., ông Gregory J.Hayes.
Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã bắt đầu chuẩn bị để ứng phó với các tác động từ việc tăng thuế, dù rằng sẽ còn một chặng đường dài cho đến khi Quốc hội Mỹ thông qua bất kỳ thay đổi nào về luật thuế.
Chẳng hạn, Booking Holdings Inc., công ty điều hành trang web du lịch hồi tháng 2 đã cảnh báo nhà đầu tư trong một lưu ý rằng các đề xuất thuế của Tổng thống Biden có thể tác động tiêu cực đến dòng tiền doanh nghiệp. "Gã khổng lồ" tài chính Blackstone thậm chí còn cảnh báo từ tháng 11/2020 rằng chính sách thuế của ông Biden sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận các công ty trong danh mục đầu tư.
Chỉ một số ít các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lên tiếng ủng hộ đề xuất tăng thuế của ông Biden, chẳng hạn như CEO Amazon Jeff Bezos hay Chủ tịch Lyft John Zimmer.
"Tôi cho rằng điều quan trọng là phải tăng đầu tư vào nền kinh tế. Khi nền kinh tế phát triển, việc làm sẽ tăng lên và nhu cầu tiêu dùng cũng vậy" - nhận định của ông John Zimmer, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Lyft.
Nhưng một phân tích của CNN chỉ ra rằng Amazon của tỷ phú Jeff Bezos thực tế đang nộp rất ít tiền thuế vào ngân sách liên bang. Chẳng hạn năm ngoái, hóa đơn thuế của Amazon lên tới 1,7 tỷ USD, nhưng tiền thuế thực trả chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức quy định 21% sau khi trừ đi các khoản miễn giảm. Tức là Amazon ít phải chịu tác động từ đề xuất tăng thuế của Tổng thống.
Còn trong trường hợp của Lyft, doanh nghiệp này vẫn đang báo lỗ, đồng nghĩa Lyft sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào đến khi báo lãi dù ông Biden tăng thuế hay không.
Một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp ôn hòa đang kỳ vọng ông Biden thỏa hiệp với mức tăng thuế khoảng 25%. "Chúng tôi không thích tăng thuế, nhưng (nếu buộc phải chịu mức tăng thuế), chúng tôi kỳ vọng nó sẽ lên mức 25%" - một nhà vận động hành lang giấu tên từ công ty năng lượng hàng đầu nước Mỹ chia sẻ với hãng tin Reuters.
Về phần mình, ô Biden cũng ngỏ ý sẵn sàng thỏa hiệp, dù rằng so với mức tăng thuế 28%, mức tăng 25% sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách tiềm năng khoảng 500 tỷ USD.