Doanh nghiệp nhỏ: Khó khăn lớn nhất là tiếp cận nguồn vốn
Có tới 35% doanh nghiệp được điều tra cho rằng, khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn
Điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, có tới 35% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là tiếp cận nguồn vốn.
Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
KHÓ ĐÁP ỨNG ĐIỀU KIỆN VAY
Đồng thời, vẫn còn một tỷ lệ lớn doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các doanh nghiệp vừa và lớn. Đáng lưu ý là doanh nghiệp sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Đồng thời, thủ tục vay vốn phiền hà.
Một khảo sát gần đây của Viện Phát triển doanh nghiệp, VCCI, với 12 nghìn doanh nghiệp cho thấy: có tới 31% số doanh nghiệp thiếu vốn, dòng tiền trong kinh doanh trong năm 2020 do tác động của Covid-19. Chính vì vậy, theo TS.Lương Minh Huân, Viện trưởng, để duy trì thu nhập cho người lao động, đa số doanh nghiệp sử dụng quỹ dự phòng; 13,2% vay bạn bè và chỉ 4,1% vay từ ngân hàng chính sách xã hội để trả lương.
Bà Vàng Thị Cầu, Tổ trưởng tổ marketing Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Xà Phìn A, huyện Đồng Văn, Hà Giang cũng thừa nhận, nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách khá khó khăn, do thủ tục nhiều mà các khu vực kinh doanh như hợp tác xã khó đáp ứng. Dù hợp tác xã đã đóng thuế được 2 năm nay nhưng để vay được nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh đòi hỏi người lao động phải được đóng bảo hiểm. Nhưng do mới thành lập được 3 năm, mọi hoạt động sản xuất còn nhiều khó khăn, nên hợp tác xã chưa có nguồn vốn đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, để vay được vốn ngân hàng, người lao động của hợp tác xã phải có mức lương quy định. Song do thu nhập của các thành viên hợp tác xã là ăn theo sản phẩm nên khó đáp ứng điều kiện để vay được vốn.
Cũng không ngoại lệ, bà Đào Ngọc Oanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bách Thuận Việt Nam (chuyên sản xuất, gia công sản phẩm dệt may) chia sẻ, để có vốn mở rộng quy mô sản xuất, thời gian qua, bà đã "gõ cửa" nhiều ngân hàng nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Lý do, doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện cho vay, mà cái chính là không có tài sản thế chấp. "Chính vì thiếu vốn, nhiều lúc doanh nghiệp chỉ biết đứng nhìn tiếc nuối đơn hàng, lợi nhuận rơi vào tay đơn vị khác...", bà Oanh tâm sự.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Interking cho biết, đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình kết nối "ngân hàng - doanh nghiệp" và đối thoại tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn. Nhưng thực tế, việc tiếp cận vốn vay, nhất là vốn vay có lãi suất ưu đãi vẫn chưa được khơi thông. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như công ty ông lại càng khó khăn hơn, bởi sản phẩm không được tính là tài sản bảo đảm thế chấp, đó là chưa kể đến nhiều điều kiện vay vốn khác.
Lý giải những kiến nghị, nguyên nhân khó tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập, đại diện các ngân hàng đều cho rằng, nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng "sức khỏe" tài chính yếu kém; chưa đáp ứng được điều kiện cho vay; chưa chứng minh được tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời... do đó, các ngân hàng rất thận trọng khi cho vay vốn để tránh nợ xấu.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc đòi hỏi tài sản thế chấp (thường là bất động sản) đôi khi chưa phù hợp, gây khó khăn lớn cho việc vay vốn, tăng thêm các chi phí giao dịch và nhiều khi khiến vốn của doanh nghiệp bị đọng lại trong những tài sản không sản xuất, không tạo lợi nhuận.
Mặt khác, thủ tục vay vốn phiền hà chủ yếu làm tăng chi phí giao dịch vì thời gian, chi phí giấy tờ, đi lại... để có được một khoản vay sẽ tăng lên, còn chi phí "bồi dưỡng" cán bộ ngân hàng thực chất là chi phí cho tham nhũng.
CẦN GIẢM ĐIỀU KIỆN CHO VAY
Bên cạnh những kết quả tích cực từ các tổ chức tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp phản ánh chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân xuất phát từ cả phía doanh nghiệp, ngân hàng và cơ chế, chính sách. Đó là nguồn lực về vốn của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu... Trong khi đó, các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Việc xây dựng phương án kinh doanh, báo cáo tài chính vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng... ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh. Việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo... cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...
Là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ông Vũ Văn Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MEECO Việt Nam chia sẻ, MEECO đã nhận được sự hỗ trợ tương đối tốt từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho vốn đầu tư vào thiết bị. Tuy nhiên, chính sách về hỗ trợ vốn lưu động, tài sản vô hình vẫn chưa được đề cập, chưa được chú trọng. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay nếu có chính sách hỗ trợ vốn lưu động từ các tổ chức tín dụng sớm sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn này khi có vốn trả lương cho nhân viên, các chi phí thường xuyên khác như nguyên vật liệu, vật tư tiêu hao.
Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao...
Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, vốn quyết định 45 - 50% sự thành công của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, nhưng cũng nhiều doanh nghiệp chưa vay được. Do đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị, Ngân hàng nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy doanh nghiệp nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn.