11:11 16/04/2009

Doanh nghiệp quảng cáo - kẻ lạnh người ấm

Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trên mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh

Một hình thức quảng cáo sản phẩm bằng đội xe đạp diễu hành - Ảnh: Lê Toàn.
Một hình thức quảng cáo sản phẩm bằng đội xe đạp diễu hành - Ảnh: Lê Toàn.
Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động trên mọi lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Thị trường quảng cáo ở Việt Nam không phải là ngoại lệ, nhưng mức độ bị ảnh hưởng cũng có sự khác nhau, tùy vào quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ.

Lợi thế quan hệ và uy tín thương hiệu

Quí 1 hàng năm là mùa thấp điểm trong hoạt động kinh doanh của các công ty quảng cáo. Tuy vậy, với miếng bánh gần 80% thị phần, các công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam vẫn "khỏe".

Công ty Biz Tequila là một liên doanh giữa Công ty Biz Solusions Việt Nam với tập đoàn TBWA của Mỹ, kinh doanh nhiều lĩnh vực như quan hệ công chúng (public relations - PR), tổ chức sự kiện (event organizing), kích hoạt thương hiệu (brand activation), và gần đây cung cấp thêm dịch vụ tiếp thị qua lời truyền miệng (word of mouth marketing) và  tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing).

Trả lời về tình hình kinh doanh quý 1, đại điện công ty này cho biết doanh thu và lợi nhuận không tăng nhưng cũng không giảm so với cùng kỳ.

Tuy vậy, vị đại diện này cũng cho biết trong bối cảnh suy thoái chung, tình hình kinh doanh khá khó khăn nên khách hàng của họ cũng có xu hướng cắt giảm những hoạt động quảng cáo có chi phí lớn, dành sự ưu tiên cho các chiến dịch marketing nhằm hỗ trợ bán hàng (sales activation).

Theo Công ty Ogilvy & Matther Việt Nam, một chi nhánh của Ogilvy & Matther toàn cầu tại Việt Nam, công ty con của tập đoàn WPP, chuyên cung cấp các dịch vụ truyền thông, quan hệ công chúng (PR), quảng cáo và tư vấn chiến lược, thì ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế lên các dịch vụ PR, tư vấn chiến lược và quảng cáo không nhiều.

Chủ yếu sự trầm lắng của thị trường trong giai đoạn đầu năm là chu kỳ của ngành này. Các công ty thường có hợp đồng nhiều vào thời gian cuối năm khi doanh nghiệp chú trọng vào việc tăng doanh số bán hàng, còn đầu năm thường là thời gian họ lập kế hoạch kinh doanh và quảng bá.

Nhưng ông Lâm Viết Hùng, chuyên viên tư vấn cấp cao của Ogilvy & Mather Việt Nam, cho biết hiện nay các doanh nghiệp đối tác cũng cắt giảm quảng cáo nhưng không nhiều, phần lớn là chuyển từ quảng cáo dàn trải sang tập trung một vài mảng được coi là chính yếu. Hiện để giúp doanh nghiệp khách hàng quảng cáo có hiệu quả với chi phí linh hoạt, Công ty Ogilvy & Mather Việt Nam đang tư vấn cho doanh nghiệp các gói quảng bá ngắn hạn.

Theo ông Đào Văn Kính, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn quảng cáo Đất Việt, sở dĩ các công ty quảng cáo nước ngoài hoạt động tại Viêt Nam có được sự tăng trưởng khá ổn định là do khi họ vào Việt Nam là đi theo những tập đoàn lớn của nước ngoài, vốn có quan hệ lâu năm từ trước đó.

Điển hình như trường hợp giữa Coca Cola và Mc Cain, Unilever và J.W.Thompson, Honda và Dentsu, Heineken và Bates... Vì vậy, hầu hết họ đã có hợp đồng ổn định cộng với danh tiếng thương hiệu lâu năm giúp họ tiếp cận với một số tập đoàn khác và có thêm những hợp đồng mới.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, các thương hiệu mạnh có mặt tại Việt Nam ít có dấu hiệu cắt giảm quảng cáo. Những tập đoàn này quan niệm rằng với tình hình suy thoái lại càng phải chi thêm tiền cho các hoạt động quảng cáo để có thể bán được hàng.

Những tập đoàn điện máy như Toshiba, SamSung, LG, hay các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như của tập đoàn Unilever, Duch Lady... vẫn chi rất nhiều tiền cho chi phí quảng cáo, ông Kính nói thêm.

"Khéo co"... nhưng vẫn lạnh

Sau một thời gian dài chống chọi với tình hình khan hiếm đơn đặt hàng, anh Nguyễn Chí Kiên, Giám đốc Công ty quảng cáo CMN quyết định giảm bớt các mảng quảng cáo khác như thiết kế đồ họa, tổ chức sự kiện để tập trung vào quảng cáo ngoài trời.

Lý do khiến công ty anh thu hẹp lại là do những mảng khác không thể cạnh tranh nổi với các công ty có vốn nước ngoài. Bên cạnh đó, hợp đồng với các khách hàng trong nước đã kết thúc từ cuối năm 2008, đầu năm nay đa phần các doanh nghiệp không ký lại.

Tuy vậy, anh Kiên cho rằng, trong năm nay anh sẽ chưa thể thu được lợi nhuận từ mảng kinh doanh này, do đặc thù của quảng cáo ngoài trời là phải xin giấy phép của nhiều cơ quan chức năng về nội dung và vị trí dựng pa nô... mà thường hơn một năm mới có thể tiến hành thực hiện.

Một trong những doanh nghiệp có đơn đặt hàng khá ổn định là Công ty quảng cáo Masso cũng phải hạ chỉ tiêu lợi nhuận trong tình hình khó khăn hiện nay. Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của công ty cho biết, hiện nay Masso đang thực hiện các dịch vụ như tổ chức sự kiện, quan hệ truyền thông, nhưng mặt mạnh của Masso vẫn là hoạt động quảng cáo bằng các đội diễu hành hoặc đứng phát quà khuyến mãi, sản phẩm dùng thử tại các siêu thị...

Trong khi các năm trước, Masso có mức tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm thì năm nay, trước những khó khăn của tình hình kinh tế, công ty này cũng chỉ dám đặt mục tiêu lợi nhuận là từ 5 - 10%.

Theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, trong 200 doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo là hội viên hiệp hội thì một số bị giảm đơn đặt hàng khoảng 30 - 50%, có doanh nghiệp bị giảm đến 50%. Và đã có một vài doanh nghiệp vì quá khó khăn nên đã tuyên bố giải thể.

Ông Trần Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, chỉ có những doanh nghiệp lớn trong nước như Đất Việt và các đài truyền hình thì doanh số giảm không đáng kể, còn lại những doanh nghiệp khác dù quảng cáo dưới hình thức nào cũng bị ảnh hưởng.

Ông Đào Văn Kính, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn quảng cáo Đất Việt, cho biết doanh nghiệp này cũng có bị ảnh hưởng bởi suy thoái, đơn đặt hàng cũng có giảm nhẹ, chủ yếu là các hợp đồng quảng cáo trên phương tiện truyền thông.

Ông Hùng lý giải, do vốn ít và tính chuyên nghiệp chưa cao nên hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo có vốn trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty quảng cáo có vốn nước ngoài. Thị phần của các công ty nước ngoài chiếm đến gần 80%. Các doanh nghiệp quảng cáo trong nước chủ yếu sống bằng các công việc như thiết kế bảng quảng cáo ngoài trời, thiết kế tờ rơi, tổ chức sự kiện hoặc nhận cung ứng dịch vụ cho các công ty quảng cáo nước ngoài.

Chỉ có một vài doanh nghiệp là có thể xây dựng được các chiến lược quảng cáo dài hơi từ xây dựng ý tưởng, nghiên cứu thị trường và thực hiện các phương thức quảng cáo khác nhau.

Khách hàng của các công ty quảng cáo nhỏ thường cũng là những công ty nhỏ, do vậy, khi gặp khó khăn về tài chính, kinh doanh suy giảm, nhiều công ty đã cắt giảm mạnh chi phí quảng cáo để tập trung vốn vào các mảng sản xuất, kinh doanh chính. Do đó, chuyện hợp đồng quảng cáo bị sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.

Một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực như bất động sản, may mặc... cũng đã cắt giảm chi phí quảng cáo khá nhiều trong năm nay. Giám đốc một công ty may mặc cho biết, đối với doanh nghiệp ông hiện nay việc khó khăn do đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đã khiến ông phải cắt giảm tất cả các chi phí, kể cả quảng cáo ở thị trường nội địa, để có thể có tiền trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động sản xuất.

T.Thương - Q.Anh (TBKTSG)